LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng Thứ 6 sau Lễ Tro, MC: Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY

Ý nghĩa chính của việc ăn chay nói lên thái độ „hạ mình“, bày tỏ sự lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa. Ăn chay còn có ý nghĩa bày tỏ sự tiếc thương, để tang khi người thân qua đời, để khẩn cầu Thiên Chúa ban cho một ân huệ, hoặc để chuẩn bị thi hành một sứ mạng...

 

 

Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY

(Mt 9,14-15)

 

Lam Châu

 

Vào thời Đức Giêsu, tại Israel, nếu đối chiếu với các tôn giáo khác, „ăn chay“ không phải là một hình thức mang tính tu đức, bởi vì lương thực là một ân huệ Thiên Chúa ban (x. Đnl 8,3). Ý nghĩa chính của việc ăn chay nói lên thái độ „hạ mình“, bày tỏ sự lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa (x. Xh 34,28; Đn 9,3). Ăn chay còn có ý nghĩa bày tỏ sự tiếc thương, để tang khi người thân qua đời (x. 1 Sm 31,13), để khẩn cầu Thiên Chúa ban cho một ân huệ (x. 2 Sm 12,16.22), hoặc để chuẩn bị thi hành một sứ mạng (x. Tl 20,26; Cv 14,23).

 

Nếu đã thực hiện việc ăn chay, người ta cũng thường làm việc bác ái kèm theo như bố thí và cầu nguyện (x. Mt 6,2-4.5). Luật Do Thái giáo chỉ quy định ăn chay một ngày vào ngày Lễ Xá Tội (x. Lv 16,29). Tuy nhiên, theo Lc 18,12, những người Pharisêu có thói quen ăn chay mỗi tuần hai lần, vì họ giữ luật tỉ mỉ nên làm quá điều Lề Luật đòi buộc.

 

Vì thế, Tin mừng hôm nay thuật lại, môn đệ ông Gioan hỏi Đức Giêsu: „Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay“ (c. 14)? Tại sao vậy? Đức Giêsu cho biết: „Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay“ (c. 15). Khi nói „ngày chàng rể bị đem đi“, Đức Giêsu ám chỉ về mầu nhiệm Vượt Qua của Người (x. Lc 9,51), tức ngày mạng sống của Người bị cất khỏi trái đất (x. Is 53,8). Ngày đó, Người sẽ bị chia cách với các môn đệ bởi cái chết bi thảm. Lúc đó, các môn đệ sẽ ăn chay và sống trong tình trạng buồn phiền, đau đớn như sống trong thời kỳ tang chế (x. Ga 15,20; 16,20-21).

 

Hơn nữa, vào thời Đức Giêsu, ăn chay, đối với người Do Thái, còn là cách họ diễn tả sự buồn rầu của một dân tộc đang mong chờ Đấng Cứu Thế và sống trong niềm hy vọng vào Triều Đại của Thiên Chúa đến. Do vậy, những người Pharisêu và môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả ăn chay, vì họ vẫn đang trông chờ Đấng Messias, chứ không biết rằng, Đấng họ đợi trông là Đức Giêsu - Đấng Cứu Thế, đang ở giữa họ và Triều Đại Thiên Chúa cũng đã khởi đầu.

 

Như thế, ai bắt môn đệ Đức Giêsu ăn chay, chứng tỏ người đó không biết Đức Giêsu là Đấng Messias, là „chàng rể“ và các môn đệ của Ngài đang được hiệp thông và được hưởng niềm vui của Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ.

 

Sau biến cố tử nạn và phục sinh, ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm ngự đến, „ngày của Chúa“, là ngày của „lễ cưới mới“, của giao ước mới, diễn tả niềm vui tròn đầy, viên mãn. Lúc này, việc ăn chay, tấm áo cũng như rượu của giao ước cũ không còn phù hợp nữa (x. Mt 9,16-17). Hình ảnh áo mới và rượu mới nói lên điều mới mẻ do Đức Giêsu mang lại cho các môn đệ và những người tin, vì họ bước theo Đức Giêsu, trở thành môn đệ của Người, Người đã làm cho họ hoàn toàn tự do để yêu thương và không còn bị bó buộc bởi Lề Luật cũ nữa.

 

Giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay soi chiếu, hướng dẫn, giúp chúng ta cách tuân giữ luật Chúa: Đó là hãy yêu mến, tự do trong việc tuân giữ những điều luật dạy; quan tâm đến con người, chú trọng những điều nhân nghĩa, công bằng và thành tín (x. Mt 23,23b) hơn là biến luật thành những trang sách mạ vàng, thành luật sắt; khi phải thi hành thì câu nệ và chỉ chú ý những điều nhỏ nhặt như „thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng“ (Mt 23,23a). Nếu tuân giữ lề luật như thế, chúng ta sẽ trở nên vô cảm, không còn có khả năng mở rộng tấm lòng, sống yêu thương và vị tha nữa.

 

Vậy chúng ta chọn thái độ vui mừng vì có „chàng rể“ là Đức Giêsu - Đấng Cứu Thế - đang hiện diện giữa chúng ta hay một gương mặt rầu rĩ, ăn chay, giữ luật tỉ mỉ như những người Pharisêu và môn đệ của ông Gioan chỉ để trông chờ Đấng Messias đến, mà thực ra Ngài đang ở giữa họ?

 

 

Thiết kế Web : Châu Á