LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng Thứ 5, Tuần XIX TN, A: THA THỨ - ĐẶC TÍNH CỦA THIÊN CHÚA

Ai cũng cầu mong sự lòng khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa cho bản thân mình, và Thiên Chúa đã tha thứ, đang tha thứ và còn tha thứ mãi mãi qua Bí Tích Hoà Giải mà người Kitô hữu chúng ta thường đòn nhận.

 

 

THA THỨ - ĐẶC TÍNH CỦA THIÊN CHÚA 

(Mt 18,21-19,1)

 

 

M. Phaolô TG Bùi Văn Dư 

 

Mở đầu bài Tin Mừng là cuộc hội thoại của Chúa Giêsu với thánh Phêrô về mức độ tha thứ. Phêrô đại diện cho nếp sống cũ, thể chế cũ, con người cũ, lề luật cũ với mức độ tha thứ cao nhất là 7 lần (x. Lc 17,4). Nhưng Chúa Giêsu mang đến một nền nhân bản mới, tinh thần mới, giáo lý mới, một nền giáo lý của sự tha thứ không giới hạn ở bảy lần nữa mà vươn tới sự tha thứ vô hạn định.

 

Tha thứ là một trong nhưng mạc khải lớn của Chúa Giêsu cho nhân loại. Thật thế, Chúa Giêsu đến thế gian không chỉ trong vai trò của Đấng Cứu Thế, Đấng Messia đến cứu chuộc và giải thoát con người khỏi ách tội lỗi, Đấng Trung Gian có vai trò hoà giải và nối kết giữa Thiên Chúa và loài người, mà Ngài còn là Đấng Thiên Sai, Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian với sứ vụ loan báo, truyền bá và thể hiện một khuôn mặt của một Thiên Chúa luôn tha thứ và giàu lòng thương xót, khác với hình bóng của một Thiên Chúa hà khắc và hay giận hờn trong Cựu Ước. Ba dụ ngôn, được coi là “trái tim của Tin mừng III” là Con Chiên Bị Lạc (Lc 15,4-7); Đồng Bạc Bị Đánh Mất (Lc 15,8-10) và Đứa Con Hoang Đàng (Lc 15,11-32) trong Tin mừng Luca là một ví dụ. Người mục tử dám bỏ chín mươi chí con chiên lại trên núi để đi tìm cho bằng được con chiên bị lạc, người phụ nữ không tiếc thời gian công sức để đi tìm một đồng bạc bị mất; người cha già sẵn sàng chịu thiệt thòi về của cải, về danh dự, về tất cả miễn sao thấy được đứa con hoang đàng trở về. Sự tha thứ đi đôi với lòng thương xót sẽ không bao giờ tính toán thiệt hơn.

 

Và câu chuyện về tên đầy tớ nợ ông vua mười ngàn yến vàng, đã được ông vua tha bổng hoàn toàn để y có thể sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình nơi có vợ và những đứa con yêu dấu. Nhưng tên đầy tờ lại sẵn sàng bóp cổ người đồng bạn để đòi cho được một trăm quan tiền, một con số quá nhỏ nhoi so với mười ngàn yến vàng. Sự độc ác đã lên tới đỉnh điểm, tên đầy tớ dám tống người bạn vào tù chỉ để tróc nã cho đủ 100 quan tiền. Thấy sự gian ác của tên đầy tớ, ông vua đã cho hắn một cái kết: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho người, vì người đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32). À thì ra ông vua nhân từ và công chính ấy cũng chỉ mong người khác nhân từ và công chính như ông. Ông mong người khác cũng phải có lòng thương xót đồng loại như chính ông đã từng thi thố tình yêu thương. Ông vua, người mục tử, người phụ nữ và ông già – người cha nhân hậu chính là hình ảnh của Thiên Chúa luôn tha thứ vô điều kiện, tha thứ không mỏi mệt. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ muôn vàn tội lỗi của chúng ta: “Tội các người, dù có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều cũng nên trắng như bông” (Is 1,18). Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn muôn vàn tội lỗi của nhân loại. Tha thứ đã trở thành đặc tính của Thiên Chúa. Phía con người có mở lòng ra ăn năn thồng hối và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa hay không?

 

Đây chính là giáo lý về một Thiên Chúa luôn yêu thương, tha thứ, chậm bất bình và giàu tình ân nghĩa mà Chúa Giêsu đã loan báo cho chúng ta. Thiên Chúa ấy luôn tha thiết vỗ về con người và ước mong ấp ủ con người như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, luôn muốn che chở cho cuộc sống con người được hạnh phúc bình yêu: “Ta đến để cho các con được sống vào sống dồi dào” (Ga 10,10). Giáo lý về sư yêu thương và tha thứ này đã được Chúa Giêsu đúc kết thành lời kinh trong một phần của kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. 

 

Lời kinh này đã trở thành nằm lòng trên môi miệng mỗi người Kitô hữu và đặc biệt là hơi thở của những người sống đời tu trì. Ai cũng cầu mong sự lòng khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa cho bản thân mình, và Thiên Chúa đã tha thứ, đang tha thứ và còn tha thứ mãi mãi qua Bí Tích Hoà Giải mà người Kitô hữu chúng ta thường đòn nhận. Nhưng khi bước ra khỏi toà giải tội chúng ta không nên quên lời kết án của ông vua trong bài Tin mừng hôm nay và cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta hôm nay: Ta đã tha hết tội lỗi cho ngươi, vì ngươi đã đến xưng tội, thì đến lượt ngươi, ngươi phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi.

 

Lạy Chúa, Chúa thương xót mỗi người theo lượng từ bi của Chúa, xin cho chúng con luôn chiếu toả trong cuộc đời gương mặt của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực khoan dung qua việc tu tập mà thánh phụ Biển Đức đã truyền lại cho chúng con ngay trong Lời mở Tu luật của Ngài: Các con hãy “thắt lưng bằng đức tin và sự thực thi các việc lành, rồi dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm, ta hãy tiến bước theo đường của Chúa, để đáng được xem thấy Đấng đã gọi ta vào vương quốc của Ngài”.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á