LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Thứ 4, Tuần II TN, A: "Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ?"

Đối với Đức Giêsu, chữa lành bệnh là làm điều lành, là cứu người; từ khước không chữa lành bệnh là làm điều dữ, là giết người.

 

 

“NGÀY SABÁT, ĐƯỢC PHÉP LÀM ĐIỀU LÀNH HAY ĐIỀU DỮ?”

(Mc 3,1-6)

 

Tùng Linh

 

Ở đời, có những kẻ thường đi xem xét, bới móc việc làm của người khác không cùng quan điểm với họ, không có lối sống như họ…, để bêu xấu danh dự người ấy, thậm chí còn muốn loại trừ. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng bị rơi vào tình trạng ấy. Những người Pharisêu đã rình mò xem Đức Giêsu có chữa người bị bại tay trong ngày Sabát không.

 

Ngày Sabát, theo Cựu Ước, đó là ngày thứ bảy trong tuần mà người Do thái phải tuân giữ. Sách Sáng Thế 2,2-3 cho biết rằng, vào ngày thứ bảy, Thiên Chúa hoàn tất việc Ngài làm, Ngài nghỉ ngơi vào ngày ấy, Ngài chúc lành cho nó sau khi Ngài tạo thành trời đất và muôn vật muôn loài.

 

Chữ “שַׁבָּת - Shabbat” (Do thái), “σάββατον - sabbaton” (Hy lạp) có nghĩa là sự nghỉ ngơi, sự ngưng việc, sự tạm nghỉ. Theo Cựu Ước, đó là ngày thứ bảy trong tuần mà người Do thái phải tuân giữ. Sách Sáng Thế 2,2-3 cho biết rằng, vào ngày thứ bảy, Thiên Chúa hoàn tất việc Ngài làm, Ngài nghỉ ngơi vào ngày ấy, Ngài chúc lành cho nó sau khi Ngài tạo thành trời đất[1].

 

Ngày xưa khi còn ở bên Ai cập, dân Do thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai cập, Môsê đã ra luật nghỉ ngày Sabát, trước hết là nhằm phục vụ cho chính những người Do thái: họ phải được một ngày nghỉ ngơi; kế đến là vì quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ: trong ngày đó những người chủ Do thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người Ai cập trước kia đã phạm đối với họ[2].

 

Trong bài Tin Mừng trước, trong ngày Sabát, Chúa Giêsu và các môn đệ vừa đi qua đồng lúa. Các môn đệ vì đói nên đã bứt bông lúa để ăn và đã bị người Pharisêu chất vấn về lỗi luật Sabát. Chúa Giêsu đã cho họ bài học: “Ngày Sabát làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabát; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabát”.

 

Bối cảnh Bài Tin mừng hôm nay cũng là ngày Sabát và ở hội đường Caphacnaum. Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy dân chúng, ở đó có một người bị bại tay. Các người Pharisêu rình xem Người có chữa cho anh trong ngày Sabát không. Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho anh, và qua đó Người chất vấn họ: “Ngày Sabát nên làm điều lành hay làm điều dữ?”.

 

Nếu chúng ta theo dõi Tin mừng theo thánh Marcô trong mấy ngày qua, chúng ta nhận ra các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Pharisêu và Kinh sư, nhắm vào 5 chủ đề chính:

 

- Quyền tha tội
- Đức Giêsu ăn uống với người thu thuế và tội lỗi
- Môn đệ Đức Giêsu không ăn chay
- Các môn đệ Đức Giêsu bứt lúa trong ngày Sabát
- Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát

 

Sự kiện Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát là đỉnh cao của các cuộc tranh luận, vì nó đã chạm đến tình thương Thiên Chúa đối với người bất hạnh.

 

Trong sự kiện này, người khô bại tay là một người bất hạnh. Bàn tay anh là công cụ lao động để kiếm sống. Bàn tay anh cũng để diễn tả tâm trạng: vui buồn, chúc phúc, thề hứa và cũng để cầu nguyện thờ lạy. Tay anh bị khô bại nên mất đi hết hiệu lực trên và đó là một thiệt thòi, một lỗ hỗng trong cuộc sống của anh. Con người bất hạnh giờ đã trở thành mồi nhử để người Pharisêu đưa Đức Giêsu vào bẫy, vì Marcô viết: “Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabát không, để tố cáo Người”. Có nghĩa mọi con mắt đang chú ý và đang rình xem Đức Giêsu.

 

Sở dĩ người Biệt phái xét nét, khắt khe như vậy là vì cái tính ghen tương nghi ngờ, cái thói hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của họ, đã gây nên xung đột giữa họ với Đức Giêsu về việc kiêng việc xác ngày Sabát. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột, cãi vã, và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.

 

Trước thái độ đó, Đức Giêsu hỏi: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”. Theo giải thích của nhóm CGKPV: Đối với Đức Giêsu, chữa lành bệnh là làm điều lành, là cứu người; từ khước không chữa lành bệnh là làm điều dữ, là giết người[3].

 

Đức Giêsu hiểu được tâm địa của họ, Ngài muốn dạy cho họ về luật yêu thương, luật để cứu sống, để chữa lành, đối lại cách sử dụng luật của họ, luật được đặt thêm ra trong luật Môsê, chỉ để hại nhau, để lên án tố cáo và để giết chết.

 

Chúa Giêsu muốn đưa ngày Sabát về ý nghĩa nguyên thuỷ của nó: “Ngày Sabát được lập ra vì con người…” (Mc 2,27), vì bổn phận bác ái trổi vượt trên hình thức tuân giữ ngày nghỉ. Đàng khác, Ngài cũng nhận là Ngài làm chủ ngày Sabát (x. Mc 2,28). Khi làm việc lành, việc thiện trong ngày Sabát là chúng ta bắt chước Thiên Chúa yêu thương tạo dựng vũ trụ, và Thiên Chúa còn tiếp tục cai quản vũ trụ và ban sinh khí cho con người. Ngày Sabát đích thực là ngày con người sẽ nghỉ ngơi như Thiên Chúa và cộng tác với Ngài, hiệp thông với tâm tình của Ngài[4].

 

Qua việc chữa bệnh, Chúa Giêsu lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của lề luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo hội cũng như trong cộng đoàn đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích, dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật.

 

Tại sao Chúa Giêsu lại chọn làm như vậy? Thưa làm như vậy để giữ trọn đức công chính Người. Công lý của những người Pharisêu là những người làm sai phải trả giá. Công lý của Chúa Giêsu không phải vậy, công lý của Thiên Chúa không kết án, không nhằm phân phát các hình phạt, nhưng công lý xuất phát từ tình yêu, lòng thương xót. Công lý thật sự của Thiên Chúa là chữa lành và cứu độ, là tình yêu chia sẻ thân phận của chúng ta[5].

 

Qua bài Tin Mừng, chúng ta hãy tự vấn mình, tôi đang chia sẻ hay đang chia rẽ. Tôi đang bắt chước Pharisêu hay đang học theo Chúa Giêsu?

 

Vậy hãy làm như Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta hãy đồng cảm chia sẻ những vết thương và sự yếu đuối của anh chị em chúng ta để nâng đỡ họ. Thay vì rình mò, soi mói, vì rình mò soi mói là vũ khí giết ngươi, nó giết chết tình yêu, giết chết tình huynh đệ của chúng ta.

 

 ________________________ 

 

[1] http://conggiao.info/thu-tim-hieu-ve-sabat-va-chua-nhat, Đaminh Phan văn Phước

[2] www.simonhoadalat.com, Lm Giuse Đinh Lập Liễm

[3] x. Chú thích của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ

[4] http://giaoxutanviet.com/hieu-y-nghia-ngay-sabat, Huệ Minh

[5] x. Đức thánh cha Phanxicô, Kinh Truyền Tin, ngày 8-1-2023

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á