LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa: Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng ta

Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, nhắc chúng ta nhớ là chúng ta có Mẹ. Chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng chân lý này: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời.

 

 

ĐỨC MARIA - MẸ THIÊN CHÚA, MẸ CHÚNG TA

(Lc 2,16-21)

 

Tùng Linh

 

“Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”, đó là câu nói của người mẹ đã dùng cả thân mình che chở cho đứa con bé bỏng trong trận động đất lịch sử ở Nhật Bản. Có một cậu bé ba tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên. Tình yêu của người mẹ là thế! Bà sẵn sàng hy sinh tất cả miễn là con của bà được hạnh phúc. Hôm nay Giáo hội cũng cho chúng ta chiêm ngưỡng một người mẹ, Đó là Mẹ Maria, mẹ là Mẹ của Thiên Chúa và là mẹ của chúng ta.

 

Vào thế kỷ V, Nestôriô đã nổi lên chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Theo Nestôriô, chỉ nên gọi Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một cuộc xung đột lớn đã xảy ra trong Giáo hội xoay quanh việc Ngôi Hai Nhập Thể. Thế nên, vào năm 431, Hội thánh đã triệu tập Công đồng Ephêsô dưới sự chủ tọa của thánh Cyrillô, các nghị phụ trong công đồng này đã tuyên bố cất chức Nestôriô và đánh đổ lạc thuyết của ông ta. Công đồng Ephêsô đã định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa làm người.

 

Bắt đầu từ công đồng Ephêsô tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là tước hiệu trổi vượt trên mọi tước hiệu mà Giáo hội đã ca tụng và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh đã viết: “Từ những thời xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khó”. Đức Giáo Hoàng Piô XI khi lập thánh lễ kính trọng thể Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa ngày 11.10 nhân dịp kỷ niệm 1500 năm công đồng Ephêsô vào năm 1931 đã viết: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa”[1].

 

Đức giáo hoàng Phaolô VI dời ngày lễ vào đầu năm dương lịch, việc dời ngày kính này vào ngày thế giới Hòa Bình, nhấn mạnh thêm ý nghĩa lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa hôm nay. Đức giáo hoàng Phaolô VI viết:

“Khi canh tân mùa Giáng sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng 1, đúng phụng vụ Roma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị đặc biệt, khiến cho “Mẹ rất thánh, đáng tiếp nhận Nguồn sống cho chúng tôi”. Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hòa bình của các thiên sứ (Lc 2,14), để cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hòa Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là Hòa bình. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 1 tháng 1 với ngày thứ tám giáp Lễ Giáng sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hòa bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều Người” (ĐGH Phaolô VI. Marialis Cultus, số 5b).

 

Công đồng Vaticano II đã diễn tả: Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã tự liên kết mình với mọi người. Ngài làm việc bằng đôi tay, suy nghĩ bằng khối óc, hành động bằng sự chọn lựa và yêu thương bằng trái tim loài người. Sinh ra từ lòng Đức Trinh Nữ Maria, Ngài thực sự trở thành một người trong chúng ta, hoàn toàn giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

 

Đức Maria mang sứ mệnh làm mẹ Chúa Giêsu, đó là một diễm phúc lớn lao nhưng cũng nhiều đau khổ. Khi mang thai Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã chấp nhận những lời dị nghị, phỉ báng, xa lánh của bà con hàng xóm, cũng có thể sẽ bị ném đá cho đến chết giống như những cảnh tượng mà Mẹ đã từng chứng kiến. Trong bộ phim Đức Maria, Người Làng Nazareth, sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria một mình đã vội vã lên đường viếng thăm chị họ là Elisabeth trong khoảng thời gian ba tháng. Khi trở về, hình dáng chị đã ra khác thường vì thai nhi đã được ba tháng. Giuse nhận ra sự khác thường đó, ngài ngạc nhiên, phản kháng và sau đó âm thầm lặng lẽ không nói gì, chính sự thinh lặng và bất lực này của Giuse làm Mẹ đau khổ nhưng không thể nói lời nào. Mẹ mang đau khổ đó trong lòng.

 

Khi gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, Đức Maria và thánh Giuse đã trải qua một chặng đường dài năm ngày về Bêlem. Đang đêm không có một nơi trọ xứng đáng với Ngôi Hai, Mẹ đã sinh con trong hang đá, đặt con nằm trong máng cỏ. Đó là một sự đau khổ tột cùng.

 

Khi con vừa chào đời chưa được bao lâu thì Đức Maria và thánh Giuse phải đi liền trong đêm để tránh bạo vương Hêrôđê. Mẹ ôm con, ngồi trên lưng lừa trải qua gió lạnh, hố sâu, đồi cao, nắng cháy từ ngày này qua ngày kia để đi qua Ai Cập lánh nạn. Mẹ đau khổ lắm.

 

Khi Giêsu được bốn mươi ngày tuổi, Đức Maria và thánh Giuse đưa con vào đền thờ để dâng cho Thiên Chúa. Cụ già Simeon đã nói lời tiên tri mà làm cho Mẹ khi nghe cũng rất đau đớn trong long: “Một mũi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.

 

Khi Giêsu được mười hai tuổi, Đức Maria và thánh Giuse đưa con lên Đền Thờ Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua, lúc này hai ông bà để lạc mất con. Mẹ cũng đau đớn tột cùng.

 

Đau khổ lớn lao nhất chính là khi Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn của con từ khi bị bắt cho đến khi chết trên thập giá. Đỉnh điểm của sự đau khổ là Mẹ ôm xác con trong lòng Mẹ.

 

Tất cả những biến cố đó, Mẹ đã chiêm nghiệm suy đi nghĩ lại trong long: “Còn bà Maria, bà giữ những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19; 2,51b). Mẹ giữ những điều ấy, mẹ không quên, Mẹ chú tâm đến tất cả những gì Chúa đã nói và thực hiện nơi Mẹ, và Mẹ suy niệm, nghĩa là Mẹ đã tiếp xúc với những điều khác nhau, và Mẹ suy đi nghĩ lại về chúng tận đáy lòng mình[2].

 

Mẹ cũng đã đón nhận phép lạ tuyệt vời về Thiên Chúa làm người được hạ sinh nơi cung lòng Mẹ, Mẹ đã suy niệm điều ấy, đã tận tình suy nghĩ về những gì Thiên Chúa đã làm cho mẹ, để chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ và đáp trả Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa[3].

 

Từ ngày này qua ngày khác, trong thinh lặng của đời sống thường nhật, Đức Maria tiếp tục giữ kín trong lòng những biến cố lạ lùng lần lượt xảy ra mà Mẹ được chứng kiến cho đến cuộc thử thách cuối cùng của thập giá và vinh quang phục sinh[4].

 

Mẹ Maria đã sống trọn cuộc đời, làm tròn bổn phận hằng ngày và sứ vụ của Mẹ như một người mẹ, nhưng Mẹ vẫn có thể dành một chỗ trong tâm hồn để suy niệm về Lời Chúa và Thánh ý Thiên Chúa về những gì xảy ra nơi Mẹ, về mầu nhiệm của cuộc đời Con Mẹ[5].

 

Trong thời đại chúng ta, chúng ta bị chi phối bởi nhiều hoạt động và trách nhiệm, nhiều bận tâm và nhiều vấn đề, thường chúng ta có khuynh hướng lúc nào cũng bận rộn mà không cho mình có một giây phút nào ngừng lại để suy nghĩ và bồi dưỡng đời sống tâm linh, tức là cuộc tiếp xúc của mình với Thiên Chúa. Đức Maria dạy chúng ta việc tìm thấy trong ngày, dù có bận rộn với mọi hoạt động, những giây phút để hồi tâm trong thinh lặng và để suy niệm về tất cả những gì Chúa dạy chúng ta, về việc Người hiện diện và hoạt động trong thế gian và trong cuộc đời chúng ta thế nào, nghĩa là chúng ta có thể ngừng lại trong giây lát để suy niệm[6].

 

Thánh Augustino so sánh việc suy niệm những mầu nhiệm của Thiên Chúa như việc tiêu hóa thực phẩm và dùng một động từ được lặp lại nhiều lần trong truyền thống Kitô giáo là “nhai lại”, nghĩa là nghiền ngẫm những mầu nhiệm của Thiên Chúa[7].

 

Thánh Bonaventura, khi nhắc đến những Lời Chúa, thánh nhân đã nhấn mạnh rằng, những Lời ấy “phải luôn được nghiền ngẫm để được giữ lại trong tâm trí qua việc áp dụng hăng hái của linh hồn”[8].

 

Cho nên việc suy niệm có nghĩa là tạo nên trong mình một tình trạng hồi tâm, một sự thinh lặng nội tâm, để suy tư về và thấm nhuần những mầu nhiệm của đức tin và những gì Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta, chứ không phải những gì chóng qua[9].

 

Chúng ta có thể thực hiện việc “suy gẫm” này bằng nhiều cách, như lấy một đoạn Lời Chúa, đặc biệt là từ các Tin Mừng, sách Công vụ Tông đồ, các Thư, hay các trang sách từ một tác giả về linh đạo có thể đem chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, và làm cho thực tại của Thiên Chúa trong ngày sống của chúng ta hiện diện cách rõ ràng hơn[10].

 

Suy gẫm là đối diện với điều mình đọc và đối chiếu với bản thân. Nhờ đó, cuốn sách cuộc đời được mở ra. Chúng ta chuyển từ những tư tưởng sang thực tại. Tùy theo lòng khiêm tốn và đức tin, chúng ta nhận thức những chuyển động nội tâm nhận định để biết ý Chúa. Điều chính yếu là phải thực thi chân lý để đến cùng Ánh Sáng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì”[11].

 

Trong một bài giảng, vị linh mục đã nêu lên câu hỏi.

– Đức Maria là ai?

Mọi người đều thinh lặng không một ai đã trả lời. Ngài lại hỏi thêm một lần nữa:

– Vậy ai có thể nói cho tôi hay Đức Maria là ai?

Sau cùng một bà già đã trả lời:

– Thưa cha, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Vị linh mục nói:

– Đúng lắm, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nhưng tôi muốn biết ngài còn là ai nữa?

Tiếp theo là những câu trả lời khác nhau:

– Mẹ là Nữ vương thiên đàng, là nơi ẩn náu của kẻ tội lỗi…

Vị linh mục mỉm cười và bảo:

– Đúng lắm, tất cả đều đúng nhưng chưa đủ, bởi vì Đức Maria còn là Mẹ tôi nữa.

 

Đức Giêsu Kitô, trong giờ phút trao ban trọn vẹn nhất cuộc đời của mình trên Thánh giá, Người chẳng muốn giữ lại cho mình một điều gì cả, và khi trao ban mạng sống mình, Người cũng trao ban Mẹ của mình cho chúng ta nữa. Người nói với Đức Maria: Đây là con của Mẹ, đây là những đứa con của Mẹ. Và Người nói với Gioan: Đây là Mẹ con, đây là Mẹ của các con. Gioan là người đại diện cho nhân loại để nhận Mẹ Maria là mẹ chúng sinh.

 

Vâng, Đức Maria là Mẹ chúng ta. Trên thế gian, không một ai đã yêu thương chúng ta, không một ai đã sẵn sàng lắng nghe chúng ta kêu cầu, cảm thông và giúp đỡ chúng ta trong mọi hoàn cảnh như Mẹ.

 

Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, nhắc chúng ta nhớ là chúng ta có Mẹ. Chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng chân lý này: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời.

 

_________________________

 

[1] https://www.simonhoadalat.com/suyniem/saints/Thang%201/MeThienChua.htm

[2] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 94

[3] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 94

[4] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 95

[5] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 95

[6] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 95-96

[7] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 96

[8] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 96

[9] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 96

[10] Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, p 96

[11] Sách Giáo Lý Công Giáo, số 2706

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á