LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, B: THẦN KHÍ NHƯ CHIM BỒ CÂU: DẤU CHỈ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Câu chuyện của Diễm tình ca nay lại soi rọi hình ảnh “Thần Khí tựa chim bồ câu” (Mc 1,9) ngự xuống trên Đức Giêsu. Thiên Chúa đã luôn khởi đầu bằng tình yêu tìm đến với con người. Nếu chàng trong Diễm ca đã tìm nàng trước thì Đức Giêsu, Đấng Ngôi Lời nhập thể lại cũng hân hoan đến với con người để chịu phép rửa.

 

 

THẦN KHÍ NHƯ CHIM BỒ CÂU: DẤU CHỈ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

(Mc 1,7-11)

 

 

Đình Ủy

 

Lịch sử cứu độ luôn âm vang những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa. Mỗi thời điểm mỗi dấu chỉ trong lịch sử ấy luôn đầy tràn, biểu lộ không vơi tình yêu Thiên Chúa với con người. Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan cũng là thời điểm biểu lộ tình yêu Thiên Chúa đến với con người qua dấu chỉ Thánh Thần tựa chim bồ câu xuống trên Đức Giêsu. Tình yêu đó đang từng ngày được Giáo hội đón nhận, thực hiện trong đời sống Kitô hữu khi họ lãnh nhận bí tích thanh tẩy.

 

Các ý nghĩa  của biểu tượng bồ câu

 

Trình thuật Tin Mừng Máccô về Đức Giêsu chịu phép rửa (x. Mc 1,7-11) nhằm làm nổi bật khía cạnh của Ngài trong mối tương quan với Chúa Cha. Ở đây, chúng ta sẽ đi sâu vào khía cạnh dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đến với con người. Sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Đức Giêsu “vừa lên khỏi nước Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình” (Mc 1,9).

 

Độc bản văn trong bối cảnh phụng vụ và quy chiếu về Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy biểu tượng của chim bồ câu có thể được hiểu theo ba chiều kích khác nhau. Thứ nhất, cuộc tạo dựng khởi thủy theo sách Sáng thế có: “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt đất”(St 1,2), nay Đức Giêsu chịu phép rửa, Thần Khí tựa chim bồ câu cũng xuất hiện có thể được xem đây như là báo hiệu cuộc tạo dựng mới sau cuộc sáng tạo. Thứ hai, Thánh Thần ngự xuống trên Đức Kitô là để tấn phong và xác nhận Ngài là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa hứa (x. Is 11,2; 42,1). Không chỉ lời tiên trưng của ngôn sứ Isaia, sự tiên trưng này cũng được thánh Gioan cho thấy đã ứng nghiệm: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu...Chính Thần Khí là chứng nhân và sự thật” (1 Ga 5,6). Thứ ba, chim bồ câu theo như sách Diễm Ca, chương 2,14 và 5,2 đó là biểu tượng diễn tả tình yêu Thiên Chúa đến với thế gian.

 

Sách Diễm ca với những vần thơ thi vị đã sánh ví mối tình giữa Thiên Chúa với dân tộc Israel được tuyển chọn như mối tình giữa người nam với một người nữ. Câu chuyện đó cũng diễn tả mối tình chung thủy của Thiên Chúa với con người như sự kiếm tìm, gặp gỡ giữa chàng với nàng. Trong mối tình này, hình ảnh bồ câu được lặp đi lặp lại: kiếm tìm và gặp gỡ. Một nhịp khởi đầu chàng rộn ràng lanh lẹ đến, đi tìm nàng đang ẩn náu trong hốc đá của giới hạn thân phận con người: “Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào cho anh thấy mặt, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng” (Dc 2,14). Nhịp thứ hai, nàng hân hoan không thua kém gì chàng khi  thao thức, đáp lại thiện tâm, tình mến chàng bằng đợi chờ và lắng nghe: “Tôi ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức, có tiếng người yêu tôi gõ cữa. Mở cửa cho anh vào, hỡi em gái, hỡi bạn tình của anh, hỡi bồ câu, ôi mười phân vẹn mười” (Dc 5,2).

 

Tình yêu Thiên Chúa đến với con người

 

Câu chuyện của Diễm tình ca nay lại soi rọi hình ảnh “Thần Khí tựa chim bồ câu” (Mc 1,9) ngự xuống trên Đức Giêsu. Thiên Chúa đã luôn khởi đầu bằng tình yêu tìm đến với con người. Nếu chàng trong Diễm ca đã tìm nàng trước thì Đức Giêsu, Đấng Ngôi Lời nhập thể lại cũng hân hoan đến với con người để chịu phép rửa. Trong cuộc gặp gỡ này, Thiên Chúa biến đổi con người từ địa vị thụ tạo được nâng lên làm nghĩa tử của Đấng Tạo Hóa nhờ Đức Kitô chịu phép rửa. Phép rửa mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã chịu dìm xuống bởi tay của ông Gioan là một phàm nhân, một thụ thụ tạo như là dìm xuống thân phận thẳm sâu, xuống tột độ hữu hạn của con người, được dìm trong dòng nước, để Ngôi Lời Thiên Chúa nâng phàm nhân hữu hạn đưa vào trong sự hiệp thông vô hạn với Thiên Chúa Tình Yêu. Sự thiệp thông mà Ba Ngôi Thiên Chúa có Chúa Cha yêu mến Chúa Con. Tình yêu viên mãn giữa Chúa Cha với Chúa Con đã nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần.

 

Điều mà ngôn sứ Isaia tiên báo: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời. không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời ta cũng vậy, một khi xuất phát từ  miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” (Is 55,10-11). Vị ngôn sứ so sánh công năng, hiệu suất tự nhiên của hạt mưa, hạt tuyết, làn sương rơi xuống trên cỏ cây, hoa lá, hạt giống đâm chồi nảy lộc để đem lại hy vọng cho dân Israel trong cảnh lưu đày, vững niềm tin hy vọng vào lời hứa cứu thoát của Thiên Chúa cũng sẽ hơn như thế.  Nay trong bối cảnh mới, thời của Đấng Mêsia đến, thánh sử Máccô tường thuật lại Thần Khí tựa chim bồ câu đáp xuống, “rơi xuống trên mảnh đất con người” là thụ tạo sinh hoa trái, trở nên nghĩa tử trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng cái giá cho sự ấy là bị dìm, chôn vùi, trong dòng nước và máu của ân sủng. Nếu Con Thiên Chúa đã được dìm trong dòng sông Giođan thì cũng thế, rồi đây người Kitô hữu khi lãnh phép Rửa tội, như là cánh cửa được mở ra ngoài hình thức dìm thân xác vào nước, thì họ cũng được dìm vào nước và  máu là thông dự vào cái chết và sự sống của Đức Kitô.

 

Thánh Gioan đã hẳn có dụng ý khi xác tín chắc rằng, phàm ai được sinh ra, ai yêu mến Đấng Sinh Thành thì cũng yêu mến người được Đấng ấy sinh ra (x. 1 Ga 5,1). Hóa ra, chuyển động của yêu mến là lẽ tất yếu của những người được dìm trong dòng nước, được bồ câu là Thánh Thần tuyên chứng. Để khi đã được sinh ra, được dìm vào nước, nói theo ngôn ngữ đương thời là được rửa tội, lẽ đương nhiên con người được trở nên nghĩa tử với Thiên Chúa. Kitô hữu - người được trở nên Con Thiên Chúa, được trở nên bạn hữu với Thiên Chúa cũng trong một chuyển động cuộc tìm đến, gặp gỡ với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương tìm kiếm con người và mời gọi họ hiệp thông trong mối thân tình của Ngài, như chàng mời gọi nàng trong Diễm ca.

 

Để hòa vào nhịp chuyển động tình yêu Thiên Chúa đến với nhân loại, về phía con người, cần thiết phải lắng nghe được tiếng gõ cửa của Đức Kitô để mở cửa lòng đón nhận ân sủng và chính Ngài vào trong tâm hồn. Phép rửa như là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa đến với nhân loại, khi lãnh nhận, Thiên Chúa cho con người được trở nên nghĩa tử. Về phía con người, họ cần trở nên người con yêu dấu. Hẳn thật, yêu mến Thiên Chúa, về khí cạnh tâm lý, thì khó hơn yêu thương con người cụ thể, những anh em đồng loại cùng chung sống. Do đó, thánh Gioan tông đồ cho biết ai yêu mến Đấng sinh thành thì cũng phải yêu mến người mà Đấng ấy sinh ra. Như thế yêu thương anh em như là dấu chỉ cụ thể mà người Kitô hữu cần thực hành để thể hiện những kết ước trong Bí tích Rửa tội.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mau mắn nhận ra và biết trân quý những dấu chỉ tình yêu Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời, để mỗi ngày chúng con biết đáp lại lời mời gọi, tình yêu của Chúa và yêu thương mọi anh chị em cùng Cha trên trời.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á