LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng CN XXXI TN, C: «THẰNG LÙN»

Dakêu: trong ngôn ngữ Hípri là zakkai, có nghĩa là “trong sạch và vô tội” (x. Er 2,9; Nkm 7,14). Là một người thu thuế, bị lên án và ruồng bỏ, thế mà Luca lại gắn cho ông một cái tên mang ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Điều này cho thấy Luca đang muốn chơi chữ, hay đang muốn mạc khải một sự thật hoàn toàn khác xa những gì người ta đoán xét?

 

«THẰNG LÙN»

(Kn 11,22-12,2; 2 Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10)

Quốc Vũ

 

Đã từ lâu rồi, những cư dân trong con phố nhỏ thuộc quận 5 của Sài-gòn, ai cũng quá quen với hình ảnh của hắn. Chẳng ai biết hắn từ đâu đến; cũng không ai còn nhớ hắn đến đây từ bao giờ; gia đình, cha mẹ, vợ con hắn ra sao? Nói thế thôi, chứ làm gì có cô gái nào chịu trao thân gởi phận cho hắn, không phải vì hắn nghèo hay làm chuyện gì xấu xa, mà chỉ vì hắn quá lùn. Vì quá lùn, nên chẳng ai thèm biết tên của hắn, họ suốt ngày gọi hắn là Thằng Lùn mỗi khi có việc cần đến hắn. Tuy hắn lùn nhưng được cái nhanh nhẹn, ai nhờ việc gì cũng sẵn sàng. Đó là nghề của hắn để kiếm sống qua ngày. Rồi một sáng, rồi một chiều, người ta không còn thấy bóng người thấp bé lăng xăng qua lại trong con phố nhỏ đó nữa. Người ta tìm thấy xác hắn dưới chân cầu, và trong mớ hành lý nghèo nàn, người ta tìm thấy tấm chứng minh thư của hắn. Quê hắn tận Hưng Yên, còn tên đầy đủ của hắn là Cao Minh Sáng. Một cái tên thật đẹp. Đẹp y như cuộc đời của hắn vậy.

 

Từ hình ảnh ấy, làm tôi liên tưởng đến hình ảnh mà thánh sử Luca kể lại trong đoạn Tin mừng hôm nay. Đó cũng là hình ảnh của một người lùn. Lùn đến nỗi ông ta không thể thấy gì khi lẫn trong đám đông chen chúc. Người ta cũng không muốn nhìn thấy ông, một đàng bởi thân hình xấu xí, bé nhỏ; một đàng bởi ông xuất thân là hạng người mà người ta cho là tội lỗi. Ông là một người thu thuế, đúng hơn, ông là thủ lãnh của những người thu thuế.

 

Vì trong tư cách là thủ lãnh của những người thu thuế, nên ông thuộc về hạng người bị xã hội Do Thái khinh bỉ. Quả thật, vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với bọn trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, vì họ thu thuế phục vụ cho đế quốc Rôma, nên người Do Thái kết án khinh dể họ. Do nghề nghiệp, vì họ phải thường xuyên liên hệ với mọi hạng người, kể cả ngoại giáo, nên người Do Thái cho rằng họ bị nhiễm uế, bị ghét bỏ và khinh bỉ. Một người Do Thái tuân giữ Lề Luật nghiêm túc thì không có gì phải liên hệ với người thu thuế cả. Do đó, dù ông có của cải, có chỗ đứng trong xã hội, nhưng trong tôn giáo Do Thái, ông đứng ở bên lề cộng đồng. Tên ông được gọi là Dakêu.

 

Tại sao ông được gọi là Dakêu mà không phải là một cái tên nào khác? Có lẽ không phải ngẫu nhiên, mà tác giả Luca muốn lồng vào đó một ý nghĩa khác, có một ẩn ý cần được làm rõ ở đây.

 

Dakêu: trong ngôn ngữ Hípri là zakkai, có nghĩa là “trong sạch và vô tội” (x. Er 2,9; Nkm 7,14). Là một người thu thuế, bị lên án và ruồng bỏ, thế mà Luca lại gắn cho ông một cái tên mang ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Điều này cho thấy Luca đang muốn chơi chữ, hay đang muốn mạc khải một sự thật hoàn toàn khác xa những gì người ta đoán xét?

 

Con người thường lượng giá sự vật giới hạn qua hình thức bên ngoài, nhưng Thiên Chúa lại nhìn thấu cả bề trong. Dakêu, một con người thấp bé, nhưng lại luôn khao khát vươn lên. Ông là người giàu sang và có địa vị cao, nhưng trong lòng ông vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Ông hết sức ao ước được gặp Đức Giêsu, nên tìm cách để xem cho biết Ngài là ai (c. 3). Ước muốn này có thể phần lớn được nhen lên do tính tò mò, nhưng chính ước muốn này đã thúc đẩy ông chạy đi trước và leo lên một cây sung (c.4). Đức Giêsu đã nhìn thấy ông, và quan trọng hơn là Người đã nhìn rõ thiện chí của ông. Rồi Người đã gọi đích danh ông: “Dakêu”. Hơn nữa, Người còn đến ở trọ trong nhà ông và ngồi đồng bàn ăn uống chung với ông. Việc đó khiến dân chúng hiện diện xầm xì phản đối. Tuy nhiên, khi xử sự như thế, Đức Giêsu cho thấy sứ mạng của Người là «đến tìm và cứu chữa những gì hư mất» (Lc 19, 10). Cảm động trước tấm lòng bao dung nhân hậu của Đức Giêsu, ông Dakêu đã nhận ra tội lỗi của mình và quyết tâm sám hối trở nên người công chính.

 

Ơn Cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ hai chiều: Thiên Chúa ban ơn và tội nhân đón nhận bằng sự thống hối trở về. Và bất cứ một cuộc hoán cải nào cũng luôn bao hàm một sự từ bỏ. Sám hốm là quay về. Trở về là từ bỏ đời sống cũ mà sống một đời sống mới. Trở về là con tim thao thức muốn tìm lại chính mình, muốn được làm lại mình, được khao khát yêu thương và trao ban tình yêu thương đó. Con tim của Dakêu đã được hoán cải nhờ sự quan tâm và đối xử nhân từ của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu hiểu rằng trong tâm hồn Dakêu còn có phần tốt, muốn làm điều tốt và có khả năng làm điều tốt, nên Người đã khơi dậy phần tốt ấy. Mỗi người chúng ta cũng hãy tự hoán cải bằng cách để Đức Giêsu quan tâm đến mình, nói với mình, đến ở trọ trong lòng mình và đánh động con tim của mình.

 

Dakêu đã bị xã hội đẩy ra bên lề. Nhưng ông đã không chịu ở lại trong vòng tròn khép kín mà xã hội đã nhốt ông vào, đó là thế giới của tiền bạc và những quan hệ không lương thiện; ông tìm cách “thấy” Đức Giêsu, và thế là ông được cứu. Khép kín vào chính mình, con người không bao giờ thoát khỏi tội lỗi của mình; muốn được cứu, ta cần phải mở ra với Đức Giêsu.

 

Mỗi người chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, chẳng có ai là người trong sạch hoàn toàn. Chúng ta đừng kiêu ngạo và tự cho mình là tốt lành thánh thiện trước mắt Chúa. Chúng ta cũng đừng coi thường hay khinh bỉ người khác như người Do Thái khi xưa: «Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ» (c. 7). Coi chừng, kẻo chính chúng ta đang có nguy cơ xa dần và đánh mất ơn cứu độ ngay trong khi nhân danh sự tốt lành, thánh thiện kiểu mồ mả tô vôi (x. Mt 23,27-28; Lc 11,44), như thánh Phaolô cảnh giác chúng ta: «Ai đang đứng, ý tứ kẻo ngã» (1 Cr 10, 12).

 

Trong xã hội hôm nay, ta vẫn có thể tìm thấy vẫn còn nhiều Dakêu: Đó là những người bị mọi người khinh thường hay loại trừ, như những người mang tiền án tiền sử, những trẻ em bụi đời, những cô gái đứng đường lúc đêm tối, những người nghiện ngập ma túy, hay mượn rượu giải sầu... Họ cần những người có trái tim bao dung nhân ái như Đức Giêsu, hầu giúp họ hoàn lương giống như ông Dakêu trong Tin mừng hôm nay. Để có thể làm được điều đó, rất cần có những tấm lòng cảm thông, những tấm lòng bao dung, tha thứ như Thiên Chúa.

 

Thực tế, trong bất cứ cộng đoàn nào, bao giờ cũng có những người sợ đến gần những “người thu thuế”, những “kẻ tội lỗi”, những người không có danh thơm tiếng tốt... Bạn thử hình dung xem mình đang nghĩ về người khác thế nào? Đức Giêsu không làm như thế. Người đã nhìn Dakêu và gọi ông đến với Người; Người đã nắm lấy bàn tay rụt rè của Dakêu mà kéo ông về phía Người, và đặt ông trên một nẻo đường mới, một nẻo đường dẫn về sự sống.

 

Đến đây tôi chợt nhớ lại tư tưởng của Đức cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khi ngài nói: sai lỗi là chuyện bình thường, sa ngã mà không biết chỗi dậy mới là bất bình thường; Hay các thánh là ai? Thưa các Ngài là những người 99 lần ngã, nhưng lần cuối cùng thì đứng dậy luôn (x. Đường Hy Vọng). Nhìn lại đời mình, tôi đã ngã nhiều lần, bao giờ mới là lần cuối để tôi can đảm đứng lên?

 

 

Thiết kế Web : Châu Á