LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng CN XXXI TN, C: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”

). Chính khi ông mở cửa lòng ra đón rước Đức Giêsu vào nhà mình, là lúc tâm hồn ông có Chúa ở cùng và ông được biến đổi trong Người. Từ một người lùn về “thể chất” lẫn “tâm linh”, giờ đây Da-kêu đã được biến đổi thành một con người cao thượng trong tình yêu Giêsu và trở nên công chính trong ân nghĩa Thiên Chúa. Một sự biến đổi tận căn!

 

Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này

(Lc 19, 1-10)

 

Viết Huy

 

Trong chiều kích phổ quát, ơn cứu độ của Thiên Chúa không dành riêng cho một dân tộc, một quốc gia, hay một nhóm người nào, nhưng Tin mừng cứu độ đến với mọi người (x. Lc 4,42; 1 Tm 2,3-4; Vat. II, MV, số 20). Tuy nhiên, trong chiều kích cá nhân, Thiên Chúa dùng mỗi người mỗi cách khác nhau để đem ơn cứu độ đến với họ. Chân lý này được chứng thực qua những bài Tin mừng các Chúa Nhật vừa qua: Chúa Nhật XXVIII (Lc  17,11-19), ơn cứu độ được Đức Giêsu ban cho người bị bệnh phong hủi nhờ “lòng tin và lòng biết ơn”; Chúa Nhật XXX (Lc 18, 9-14), ơn cứu độ được ban cho người thu thuế vì “khiêm nhường nhìn nhận mình là người tội lỗi và xin Chúa xót thương”. Chúa Nhật hôm nay, Tin mừng Lc 19,1-10 cũng nói đến ơn cứu độ đã tới với ông Da-kêu theo một tiến trình xem ra có một chút ngộ nghĩnh và đầy bất ngờ.

 

Tìn mừng trường thuật tiến trình ông Da-kêu được đón nhận ơn cứu độ như sau:

 

Ông Da-kêu là một người đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có (x. c. 2). Đối với những người Do-thái lúc bấy giờ, những người làm nghề thu thuế là những người tội lỗi công khai, vì họ cộng tác với đế quốc Rô-ma bóc lột đồng bào mình, bắt dân nộp thuế vụ thật nặng, vượt quá quy định hầu đem lại lợi nhuận cho mình và cho đế quốc. Vì vậy, họ bị người Do-thái kết tội là “quân phản quốc”, kẻ đáng bị khinh bỉ, cần phải tránh xa.

 

Mặc dầu ông là người đứng đầu những người thu thế và là người giàu có, nhưng ông vẫn hiếu kỳ muốn biết Đức Giêsu là ai. Có thể, ông được nghe người ta đồn về Rabbi Giêsu rất nhiều, nên ông muốn gặp cho biết. Thế nhưng, vì ông quá lùn mà dân chúng lại quá đông, nên ông không thể nào thấy Đức Giêsu được. Ông bèn nghĩ ra một kế sách lạ: “Chạy về phia trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu” (c. 4). Một hành động xem ra “ngộ nghĩnh” và mang đậm tính “trào phúng”. Ông bỏ lại sau lưng tất cả những lời đàm tiếu hay những tiếng cười diễu cợt có thể nhắm vào ông, vì hành động đó. Lúc này, trong tâm trí ông chỉ biết làm thế nào để xem cho kỳ được Đức Giêsu là ai, còn những gì sẽ xảy đến cho ông, ông không quan tâm. Cũng có thể nói, ông không có ý định tìm gặp Đức Giêsu để kết giao hay xin được làm môn đệ của Người, vì ông biết giữa ông và Đức Giêsu có một sự ngăn cách không thể tương giao (ngăn cách bởi luật Do-thái). Mục đích duy nhất của ông là thỏa mãn sự hiếu kỳ và tính tò mò mà thôi. Một mục đích xem ra chẳng tốt lành gì! Thế nhưng, một kết cục thật bất ngờ đã đến với ông. Chính sự tò mò và hiếu kỳ đó đã giúp ông gặp được Chúa và mở ra một tương lai mới, một hướng đi mới. Có thể nói, Chúa luôn vẽ những đường thẳng trên những nét cong của con người (ĐHY Nguyễn Văn Thuận). Giờ đây, tình người và tình Chúa đã dao duyên. Chúa đoái nhìn đến phận hèn đầy tội nhơ của Da-kêu.

 

Đức Giêsu nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5). Câu nói này của Chúa Giêsu đã phá đi bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và người thu thuế. Người bất chấp dư luận, từ bỏ địa vị của một Rabbi Do-thái “lừng danh” trong con mắt người đời, để kết giao với một người đang bị người Do-thái gạt ra bên lề xã hội.  Người đến trọ trong nhà một người tội lỗi, ngôi nhà mà người Do-thái không dám đến gần vì sợ ô uế. Vì vậy, người Do-thái dành một câu châm biếm cho chính Đức Giêsu: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (c. 7). Xem ra, việc Chúa Giêsu đến trọ lại nhà ông Da-kêu vượt quá sự tưởng tượng của họ. Chính việc Chúa đến ở lại nhà Da-kêu, đã mở ra cho ông một lối đi, để ông trở về nẻo chính đường ngay. Vì Chúa đến để cứu những gì đã hư mất (x. c. 10).

 

Tình yêu của Đức Giêsu đã xua đi mặc cảm tội lỗi trong Da-kêu, và ông “mừng rỡ đón rước Người” (c. 6b). Chính khi ông mở cửa lòng ra đón rước Đức Giêsu vào nhà mình, là lúc tâm hồn ông có Chúa ở cùng và ông được biến đổi trong Người. Từ một người lùn về “thể chất” lẫn “tâm linh”, giờ đây Da-kêu đã được biến đổi thành một con người cao thượng trong tình yêu Giêsu và trở nên công chính trong ân nghĩa Thiên Chúa. Một sự biến đổi tận căn! Tình Chúa hạ cố, tình người siêu thăng! Ông thưa cùng Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (c. 8). Trước đây, ông tham lam, bóc lột, vơ vét của cải vể mình bao nhiêu, thì giờ đây ông lại rộng lượng bố thí tất cả. Ông trả lại sự công bằng cho người bị hại, và vun đắp tình yêu cho mình bằng việc bố thí. Ông đã trao hết những gì mình có cho người nghèo, chỉ còn lại tâm hồn tràn ngập niềm vui và yêu thương cho Chúa. Những gì xưa kia ông cho là có lợi, là cùng đích của cuộc đời, thì nay ông cho là thiệt thòi, là không đáng so với mối lợi là “được biết” Đức Giêsu Kitô (x. Pl 3,7-8). Chính tình yêu có sức mạnh biến đổi tất cả. Một tiến trình nhảy vọt trên con đường đón nhận “ơn cứu độ” của Da-kêu. Thật là kỳ diệu!

 

Đức Giêsu phán với ông và minh chứng với mọi người rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (c. 9). Đức Giêsu không chỉ ban ơn cứu độ cho ông, nhưng còn phục hồi lại địa vị con cháu của tổ phụ Abraham nơi ông. Một con người thuộc dòng dõi thừa hưởng “Lời Hứa” đã hư mất, nay được Đức Giêsu cứu chữa qua việc ban “Ơn Cứu Độ”.

 

Suy niệm bài Tin mừng hôm nay là dịp để chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình. Đã biết bao lần chúng ta đến với Chúa bằng một con tim hời hợt, hiếu kỳ như Da-kêu; đã biết bao lần chúng ta tham lam vun vén tiền của cho mình mà làm hại tới tha nhân; đã biết bao lần chúng ta sa ngã, lỡ lầm... Chúa biết chúng ta yếu đuối. Chúa không ngạc nhiên khi chúng ta phạm tội. Vì vậy, Chúa luôn đi bước trước và mở rộng vòng tay ban ơn cứu độ cho chúng ta. Vấn đề là chúng ta có vui lòng cộng tác với Chúa như ông Da-kêu hay không? 

 

Bằng  thiện chí và lực bản thân, chúng ta cố gắng sống tốt đạo đẹp đời qua từng ngày. Chúng ta tin, một ngày nào đó, Chúa cũng phán với chúng ta: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho tâm hôn này”. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á