LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN XXX TN, B: GẶP CHÚA: BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI

Người mù vứt bỏ áo choàng của mình muốn nói một sự đoạn tuyệt với quá khứ để hướng về tương lai. Từ địa vị hành khất trở thành nhân chứng Tin mừng. Nếu trước kia anh ngồi bên vệ đường thì nay anh đi khắp nẻo đường dấn thân phục vụ. Nếu như trước kia anh chờ Chúa Giêsu đi ngang qua để được chữa lành, thì nay anh cùng lên Giêrusalem với Đức Giêsu, cùng chết với Người trên con đường Thập Giá.

 

 

GẶP CHÚA: BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI

(Mc 10,46-52)

 

Hữu Quỳnh

 

Tình trạng mù là một trong những đau khổ nhất của kiếp người. Cảnh vật xung quanh họ là bóng đêm, những bước đi của họ có thể đồi núi chập chùng hay hố sâu vực thẳm. Khát khao trong thẳm sâu cõi lòng của họ có chút ánh sáng để nhìn thấy những điều kỳ vĩ giữa bầu trời và trái đất, để phân biệt ánh sáng và bóng tối, không gian và thời gian, màu và không màu, đồi núi và vực thẳm. Mù không chỉ khổ đau thể lý mà còn khổ đau tinh thần vì họ bị xã hội loại trừ và coi như bất tài, vô dụng. Tuy nhiên, khi nói đến tình trạng mù, người ta không chỉ nói đến những người mù đôi mắt thể lý, mà còn ngụ ý mù trong tâm hồn, mù thông tin, đặc biệt là mù đức tin. Trạng thái mù đức tin dẫn xã hội bước trên con đường suy thoái, bởi không biện phân được giữa chân lý và bất chính, nhân nghĩa với ác nhân, Thiên Chúa và ma quỷ. Một trong những điều đó Chúa Giêsu truyền dạy cho chúng ta qua đoạn Tin mừng hôm nay, cụ thể là đức tin của người mù Bartimê.

 

Mù không phải là bệnh, mà là tình trạng khiếm khuyết. Dẫu họ có sức khoẻ, có khả năng nhưng không thể làm việc như người bình thường. Người mù không muốn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội, họ chọn nghề hành khất lý tưởng nhất và hy vọng trang trải đủ cho cuộc sống. Người mù được Chúa Giêsu đề cập đến trong bài Tin mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa đó “tàn” nhưng không “phế”. Cuộc sống của anh dẫu bần cùng, bi đát, bơ vơ, rách rưới, nhưng trong lòng vẫn bừng lên tia hy vọng. Hy vọng được nhìn thấy, được chữa lành. Bởi vậy, khi nghe tin Chúa Giêsu đi ngang qua, anh vô cùng sung sướng kêu lên: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin hãy thương xót tôi” (Mc 10,47). Quả thật, niềm vui tột độ của người bần cùng không thể diễn tả bằng lời, anh cầu cứu với tất cả tình yêu và hy vọng. Thế nhưng, niềm vui của anh chưa được đón nhận, thì bị ngăn cấm bởi dân chúng đi theo Người. Họ quát mắng anh hãy im đi, hãy câm miệng lại. Họ càng ngăn cấm thì anh càng lớn tiếng hơn: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin hãy thương xót tôi”. Đây là một điều nghịch lý, bất công trong xã hội, đáng lẽ người mù được trân trọng, quý mến. Họ phải được dẫn tới gặp Chúa để Người chữa lành, nhưng tại sao bị ngăn cấm. Lời van nài khẩn thiết của anh mù Bartimê: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít”, hàm chứa ý nghĩa gì đối với sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu?

 

Đức tin của anh mù diễn tả bằng lời kêu cầu khẩn thiết: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít”, cho thấy sự thấu hiểu của anh về Đấng Mêsia và Thiên tính của Người. Tước hiệu “Con vua Đavít” là tước hiệu được các ngôn sứ loan báo về Đấng Mêsia mà muôn dân mong đợi. Lời van xin này vừa mang ý nghĩa cứu giúp, vừa mang ý nghĩa tâm linh, là lời cầu nguyện với tâm tình tín thác cậy trông. Dẫu anh chưa một lần nhìn thấy Đức Giêsu, chưa biết Người là ai, nhưng anh tin vào sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu. Bởi vậy, anh không dùng động từ giúp đỡ mà dùng động từ “xin thương xót tôi”. Động từ này diễn tả sự khiêm hạ, tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời lột tả đức tin của con người vào Đấng quyền năng. Anh hy vọng vào tước hiệu Đấng Mêsia sẽ đến giải thoát con người khỏi nỗi khốn cùng, khỏi mù loà, như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò...” (Is 35,5-6).

 

Hẳn thật, Đức tin của anh đã chạm vào trái tim của Thiên Chúa, người bảo anh: “Anh muốn Ta làm gì cho anh”? (Mc 10,51). Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10,51). Tại sao người hành khất không xin tiền của bạc, vàng để vơi đi khổ đau, nhưng lại xin cho tôi được thấy? Đây là vấn đề được nhiều người tranh luận bởi thiếu đức tin. Cốt lõi của đức tin là ánh sáng, là chính Thiên Chúa. Vật chất không thể đem lại hạnh phúc, chỉ có ánh sáng đức tin mới làm đem lại hạnh phúc đích thực. Vật chất không thể khoả lấp được nỗi khát khao nhìn thấy Thiên Chúa, chỉ có ánh sáng đức tin mới dọi chiếu tỏ tường Chân Lý. Vật chất không thể đem sự sống, chỉ có ánh sáng đức tin mới đem lại sự sống vĩnh hằng. Vật chất có thể là vật cản cuộc hành trình đi tìm Chúa. Bởi vậy, sau khi được chữa lành anh ta rũ bỏ áo choàng để theo Người; “Vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu” (Mc 10,50). Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “áo choàng” là biểu tượng cho quyền lực con người (1Sm 18,4; 24,6; 2V 2,14; R 3,9). Sự vất bỏ và đứng dậy cho ta thấy tinh thần từ bỏ và thái độ sẵn sàng dấn thân phục vụ. Áo choàng là một vật thiết thân của người hành khất cũng như khách bộ hành. Nó là tài sản duy nhất của người hành khất vừa là chiếc dù che nắng, che mưa, vừa là mền đắp khi đêm về giá lạnh… Thế nhưng, người mù vứt bỏ áo choàng của mình muốn nói một sự đoạn tuyệt với quá khứ để hướng về tương lai. Từ địa vị hành khất trở thành nhân chứng Tin mừng. Nếu trước kia anh ngồi bên vệ đường thì nay anh đi khắp nẻo đường dấn thân phục vụ. Nếu như trước kia anh chờ Chúa Giêsu đi ngang qua để được chữa lành, thì nay anh cùng lên Giêrusalem với Đức Giêsu, cùng chết với Người trên con đường Thập Giá.

 

Đức tin là vũ khí làm cho người mù được thấy, được nhận biết Thiên Tính và quyền năng của Đức Giêsu là con vua Đavit. Đức tin làm cho anh mù thấy được không chỉ thấy dáng vẻ bề ngoài của con người, mà còn thấy được ngôi vị Thiên Chúa. Bước khởi đầu của đức tin là khao khát khẩn nài vào Đấng quyền năng giàu lòng thương xót, thành quả là ra đi làm chứng sự thật. Qủa thật, đây là ân huệ vô cùng lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người, và là dấu chỉ về sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa trổi vượt trên các tà thần. Ngài đến để chữa lành mọi thương tích cho con người, nâng đỡ, ủi an những người đói nghèo, đem lại tự do cho những kẻ bị tù tội…

 

Chúa nhật XXX này cũng là Khánh Nhật Truyền Giáo, các Kitô hữu có sứ vụ loan truyền Đức Kitô hằng sống cho mọi người. Giáo hội mời gọi các Kitô hữu khám phá, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu là Chúa, là Đấng Thiên Sai đích thực. Ngài là Cha giàu lòng thương xót, vị tha, là vị lương y tài đức, là vị mục tử nhân lành, là con bác thợ mộc và cô Maria nghèo khó đã chịu đóng đinh trên thập giá và đã phục sinh. Làm sao chúng ta có thể rao giảng về Đấng ấy như thánh Phaolô đã từng thao thức: Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi”? (Rm 10,14-15). Để hiện thực hoá vấn đề trên, điều kiện cần là sống, sống theo gương Chúa Giêsu đã sống, sống thực thi lời Chúa Giêsu truyền dạy. Sống chính là chứng nhân thực thụ của Tin mừng, bởi Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 41, Giáo hoàng Phaolô VI có viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”.

 

Là Kitô hữu và là đan sĩ, chúng ta có sứ vụ làm chứng Tin mừng cho thế giới bằng chính cuộc sống của mình. Lời Chúa hôm nay khai sáng cho ta bài học về đức tin để ta trở nên chứng nhân. Bài học này vừa bày tỏ đức tin vừa hàm chứa nghĩa nhân văn. Bằng biện pháp phản biện giữa hai bức tranh sáng tối, Chúa Giêsu phản ánh thái độ và phẩm giá của con người trong bản thể của ta. Đôi mắt thể lý của ta sáng nhưng đã bừng sáng ánh mắt đức tin chưa? Chúng ta ta có sứ vụ loan báo Tin mừng nhưng đã thực sự sống nhân chứng chưa? Là người theo Chúa, tại sao chúng ta ngăn chặn anh em đến gặp Chúa qua thái độ, cử chỉ và lời nói? 

 

Lạy Chúa, xin cho mỗi ngày chúng con luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình qua đời sống đức tin. Xin cho chúng con biết nhìn thấy sự bất công trong xã hội để lên tiếng bênh vực. Đừng để chúng con nhắm mắt ngủ yên trong sự an toàn và tiện nghi vật chất, nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau, nhất là nỗi đau khổ trong cơn đại dịch Covid-19. Ước gì mỗi người chúng con biết dùng khả năng Chúa trao ban để dấn thân phục vụ bằng cả trí tâm, khiêm nhường cùng với tinh thần cầu nguyện hầu cho danh Chúa ngày càng thêm toả rạng. Amen.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á