LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng CN XXVIII TN, C: TÂM TÌNH TẠ ƠN

Tin mừng thuật lại, trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Mười người phong cùi thấy mình được lành sạch nhưng chỉ có một người quay trở lại sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn.

 

TÂM TÌNH TẠ ƠN

(Lc 17,11-19)

 

 

Tùng Linh

 

Thánh Phaolô là mẫu gương của con người tạ ơn. Thật vậy, khi đọc qua các thư (x. 1 Cr 1,4; Pl 1,3; Cl 1,3; 1 Tx 1,2; 2,13; 2 Tx 1,3) thánh nhân đều nói đến việc không ngừng tạ ơn, đôi khi tâm tình tạ ơn mặc lấy hình thức chúc tụng trọng thể (x. 2 Cr 1,3; Ep 1,3). Đối với Phaolô, toàn thể đời sống Kitô hữu, toàn thể đời sống Giáo hội đều được nâng đỡ và bao bọc trong sự phối hợp vững chắc giữa cầu xin và tạ ơn (x. 1 Tx 3,9t; 5,17t; Rm 1,8tt)[1]  Bài Tin Mừng hôm nay cũng nằm trong bối cảnh tạ ơn đó. Tin mừng thuật lại, khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa.

 

Theo chú giải của Noel Quesson, Luca nhấn mạnh rằng Đức Giêsu đi qua miền Samaria. Người không theo các quan điểm về chủng tộc của những người đồng thời: Người không ngần ngại đi qua miền đất ấy mà người dân ở Giêrusalem đã tuyệt thông: “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với Người Samaria” (Ga 4,9). Đối với những người Do Thái, đây là miền đất bị chúc dữ. Không những Đức Giêsu vào miền đất bị chúc dữ, mà Ngài còn gặp những người phong cùi là những người bị coi là chúc dữ. Theo cha Vũ Phan Long, vào thời Đức Giêsu, có câu tục ngữ nói rằng: “Có bốn hạng người có thể được coi như người chết, dù vẫn sống, đó là những người nghèo, người phong cùi, người mù và người không có con”. Mọi chứng bệnh đều bị coi như hình phạt của Thiên Chúa dùng để trừng phạt những người tội lỗi và bệnh phong cùi được coi như là chính biểu tượng của tội. Người Do Thái nghĩ rằng Thiên Chúa dùng bệnh phong cùi để trừng phạt kẻ ghen tị, kiêu căng, quân trộm cướp, giết người, thề gian và loạn luân. Đối với người Do Thái, đây là những người bị chúc dữ nhiều nhất.

 

Còn Đức Giêsu, Người không sợ. Người là sự dịu dàng của Thiên Chúa. Người đã đến vì những người “nghèo hèn” nhất. Ngay lúc đó, Người đến với họ và bảo họ đi trình diện tư tế. Theo Luật, các tư tế là những Người duy nhất có tư cách xác nhận sự lành bệnh (x. Lv 14,2). Vậy mệnh lệnh này của Đức Giêsu phải được họ hiểu như một lời hứa chữa lành. Theo chú giải của Noel Quesson: “Mọi sự xảy ra như thể Đức Giêsu muốn thử thách đức tin của họ, có thể nói như thế”. Và chúng ta nghĩ đến cùng một thử thách đức tin mà ngôn sứ Êlisa bắt ông Naaman, gốc Xyri phải chịu khi yêu cầu ông này phải tự mình thực hiện một biện pháp chữa lành, điều này làm ông Naaman nổi giận!

 

Tin mừng thuật lại, trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Mười người phong cùi thấy mình được lành sạch nhưng chỉ có một người quay trở lại. Tin mừng viết tiếp: “Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria” (cc. 15-16).

 

Theo chú giải của Noel Quesson: “Trong Kinh Thánh, sự sấp mình xuống tận đất là một cử chỉ mà người ta chỉ làm trước Thiên Chúa”. Ở đây, người phong cùi được chữa lành đã sấp mình sát đất “trước mặt Đức Giêsu”. Qua đó nói lên rằng “Đức Giêsu tham dự vào vinh quang và sự vô cùng của Thiên Chúa: Một mầu nhiệm còn ẩn giấu đằng sau nhân tính rất người của Đức Giêsu!”.

 

Hành động quay trở lại, sấp mình, tạ ơn Đức Giêsu của người Samaria, làm cho Noel Quesson phải kinh ngạc và thốt lên: “Vậy ra người ngoại quốc, người dị giáo, người đáng khinh nhất đó đã có cử chỉ nhân bản nhất, tự nhiên nhất”.

 

Nhìn lại hình ảnh của người Samaria, chúng ta ý thức được rằng, cầu nguyện không phải xin ơn và được ơn. Nhưng cầu nguyện đích thực phải là cảm tạ Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Theo Noel Quesson: “Cần phải đi từ đức tin sơ đẳng chỉ biết cầu xin đến đức tin phát triển biết hướng về Đấng Khác (Tha Thể Tuyệt Đối) để gặp gỡ thật sự Khuôn Mặt của Người”.

 

Dưới ánh sáng Tin mừng hôm nay, Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt lại có một cái nhìn khác. Đó là ơn cứu độ phổ quát của Đức Giêsu Kitô. Ngài viết: “Chúa muốn cứu độ hết mọi người không loại trừ ai. Nên Chúa đi qua Samaria. Samaria là vùng đất cấm kỵ đối với người Do Thái. Đó là vùng đất ngoại đạo. Đó là vùng đất ô uế. Như thế, Chúa đem ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người bị khinh miệt nhất, bị quên lãng nhất, bị hất hủi nhất. Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng”.

 

Trước hết và trên hết ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm tin. Thật vậy, tuy ơn cứu độ được ban rộng rãi và nhưng không, nhưng để đón nhận đòi phải có niềm tin. Nhưng chính lời Chúa Giêsu nói về đức tin (c.19) mới là đỉnh cao của trình thuật. Mười người phong cùi được chữa lành, nhưng duy nhất chỉ có người Samaria biết ơn mới được tuyên bố là được cứu độ. Hugues Cousin kết luận: “Ơn cứu độ là điều cao quý hơn việc chữa lành thể xác. Và niềm tin trọn vẹn của kẻ quay trở lại thì cao quý hơn niềm tin tưởng đã thúc đẩy cả mười người đi trình diện với các tư tế trước khi được chữa lành”.

 

Tóm lại, người Kitô hữu thật sự phân biệt với tất cả các tín đồ khác không phải vì họ cầu nguyện, họ xin ơn và họ được ơn, mà chính vì họ “cảm tạ” Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô.

 

Ước gì trong tương quan với Chúa, mỗi người chúng ta biết nhận ra hồng ân Thiên Chúa bao phủ đời mình và luôn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Ngài ban trong suốt dòng lịch sử đời mình. Và lời tạ ơn đẹp nhất, xứng hợp nhất, là cùng với Chúa Giêsu dâng hy tế tạ ơn Thiên Chúa Cha qua mỗi thánh lễ.

 

Chúng ta cũng ý thức rằng, cuộc đời của chúng ta là bài ca tạ ơn luôn vang lên những giai điệu vui tươi trong những giây phút hân hoan và trong cả những giờ khắc bi thảm. Bài ca tạ ơn đó đã ngân lên từ môi miệng của Mẹ Maria (Magnificat), ông Zacaria (Benedictus) và vẫn tiếp tục ngân vang mãi. Amen.

 

__________________________________

 

[1] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tr. 11-12. 

 

Thiết kế Web : Châu Á