LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN XXV TN, C: CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN CỦA?

Đức Giêsu đòi hỏi con người, nhất là những người muốn đón nhận giáo huấn của Ngài, phải có một chọn lựa dứt khoát. Đặc biệt đối với những người đi theo Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình thì phải khước từ của cải vật chất, để thanh thoát dấn thân phụng sự Thiên Chúa và tha nhân.

 

CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN CỦA?

(Lc 16,1-13)

 

M. Phêrô Bình

 

Sống trên đời này ai cũng cần đến tiền của. Tiền của đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Tiền của giúp con người giàu có, đầy đủ và sung túc. Điều này dễ dẫn đến con người đam mê, chạy theo tiền, kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, đôi khi quên đi mục đích của đời là gì. Trong cuộc sống, không ít người khi đã có được nhiều tiền thì quay lưng với Chúa, đúng như câu nói: “Khi tiền vào nhà thì Chúa đi ra”. Bởi vậy, Chúa Giêsu nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Khi nói như vậy, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?

 

Tiền của tự bản chất là tốt. Nó trở thành phương tiện giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể sống mà không có tiền, nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay, càng ngày càng đòi hỏi những chi phí rất lớn và những phương tiện đắt tiền. Thành thật mà nói, ai trong chúng ta không muốn có một chiếc xe mới, một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, quần áo hợp thời trang và tất cả các vật dụng công nghệ mới? Muốn có những thứ đó, chúng ta phải có tiền để mua. Như vậy, tiền của rất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Nó mang ý nghĩa là một thứ phương tiện giúp chúng ta sống và thăng tiến trong xã hội.

 

Tuy nhiên, nó trở thành xấu khi chúng ta “làm tôi tiền của”, nghĩa là chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Khi có nhiều tiền, chúng ta rất dễ trở thành nô lệ cho tiền của, đặc biệt tìm cách sống hưởng thụ. Chủ nghĩa hưởng thụ như con nhện giăng tơ, có thể bẫy chúng ta đi theo nó, làm cho chúng ta say mê nó đến nỗi trong tư tưởng hầu như chỉ một chữ “tiền”. Lúc đó, con người không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là gây đỗ vỡ những tương quan trong gia đình, cộng đoàn, Giáo hội và xã hội. Ngày nay, trong xã hội, đã xảy ra rất nhiều vụ thương tâm cũng vì tiền của. Ngày 1/9 vừa qua, ở Hà Nội có vụ người anh truy sát cả nhà em trai ruột cũng vì tiền của. Tiền của đã che mắt lương tâm con người, làm cho con người trở thành một người máu lạnh, giết người không thương tiếc.

 

Sống ở trần gian này, nếu thiếu tình thương, thì dù có nhiều tiền đi chăng nữa, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục trần gian. Điều làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới với mọi người. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn các nhu cầu, nhưng còn sống bằng các mối tương quan, tin tưởng, tha thứ, hiệp thông và sống tình thương mà Chúa đã dạy cho chúng ta.

 

Chính vì thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Điều này không có nghĩa là tiền của tự nó là xấu, và chúng ta phải từ bỏ. Nhưng vì con người đã tôn thờ tiền của một cách quá mức, nó như một vị thần đối nghịch với Thiên Chúa. Bởi vậy, khi nói anh em không thể làm tôi hai chủ: vừa Thiên Chúa vừa tiền của, Chúa Giêsu muốn giải thoát chúng ta khỏi thói tham lam, bởi vì “gốc rễ của mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì theo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau” (1 Tm 6,10). Và Ngài cũng cảnh báo chúng ta không được lấy thế lực vạn năng mạnh mẽ của tiền của để bảo đảm tương lai, coi tiền tài như thần thánh và tìm kiếm bằng bất cứ giá nào. Như chuyện người phú hộ giàu có, ông lập kế hoạch lớn, làm nhiều kho lẫm, và nghĩ như thế là an toàn, thụ hưởng lâu dài. Nhưng Chúa bảo ông: “Đồ ngốc, nội đêm nay người ta cất linh hồn ngươi về thì những của cải đó ngươi để cho ai?” (Lc 12,20). Thật vậy, “chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1 Tm 6,7).

 

Hơn nữa, khi quả quyết: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”, Đức Giêsu đòi hỏi con người, nhất là những người muốn đón nhận giáo huấn của Ngài, phải có một chọn lựa dứt khoát. Đặc biệt đối với những người đi theo Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình thì phải có một thái độ dứt khoát với tiền của, để thanh thoát dấn thân phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Vậy chúng ta đang phụng sự Thiên Chúa hay phục vụ tiền của?

 

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào một buổi sáng tháng chín, trong một thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta, đã công kích việc tôn thờ tiền của và tỏ ra rất phiền muộn. Ngài nói rằng, dính bén tiền của thì sẽ xa cách Thiên Chúa: “Tiền của làm cho tinh thần trở thành bệnh tật, làm đức tin trở thành tàn tật”. Ngài còn nói thêm rằng, tình yêu tiền của khiến các linh mục và giám mục phạm tội. Và nếu lòng tham nổi lên, thì “tinh thần hư hỏng, có nguy cơ coi tôn giáo như một nguồn thu lợi”[1]. 

 

Qua những gì đã nói, chúng ta không phủ nhận tiền của có tầm ảnh hướng lớn đối với cuộc sống chúng ta. Đôi khi, tiền của khiến cho cuộc sống của mỗi một người tỏa “ánh hào quang” đẹp đẽ. Nhưng đó chẳng qua chỉ là rực rỡ trong nháy mắt. Tiền bạc tựa như nước trôi qua kẽ tay, như mây khói thoảng qua rồi tan biến ngay trước mắt. Bởi vậy, chúng ta sử dụng tiền của ở đời này như là phương tiện để phụng sự Chúa, và để làm điều đẹp lòng Chúa, qua việc dùng tiền của để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, và sống bác ái với tha nhân. Amen.

 

___________________________________________

 

[1] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Khuôn Mặt Người Linh Mục Hôm Nay, từ website: www.simonhoadalat.com

 

Thiết kế Web : Châu Á