LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng CN XXV TN, A: LÒNG QUẢNG ĐẠI VƯỢT TRÊN SỰ CÔNG BẰNG

Thiên Chúa là Đấng công bằng, Người luôn công bằng trong mọi sự, nhưng Người còn có thêm lòng xót thương; Người luôn trả lương cân xứng với mọi công việc chúng ta đã làm như đã thỏa thuận (1 đồng), Người không bớt cũng không thêm, nhưng Người còn có lòng quảng đại và sự xót thương mà ban ân sủng cho những ai Người thấy là cần thiết.

 

 

LÒNG QUẢNG ĐẠI VƯỢT TRÊN SỰ CÔNG BẰNG

(Mt 20,1-16a)

 

Minh An

 

Khi đọc bài Tin mừng của thánh sử Matthêu hôm nay, chúng ta có cảm tưởng như tác giả muốn lái độc giả có một hướng nhìn khác thường về sự công bằng trong xã hội loài người. Nhưng, nếu chúng ta chỉ nhìn về khía cạnh con người và mối tương quan trong xã hội thì rõ ràng, Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, vì nói như Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận thì “Đức Giêsu không biết tính toán”; ai đời lại trả lương cho người làm giờ thứ nhất cũng như người làm giờ thứ mười một. Người cũng không tôn trọng luật lệ sơ đẳng nhất của loài người về sự bình đẳng và công bằng xã hội. Dụ ngôn Chúa Giêsu vừa kể khiến cho nhiều người khó có thể chấp nhận một ông chủ “ngây ngô” đến mức không biết phân định được giá trị cân xứng trong việc trả lương cho nhân công của mình theo công sức và mồ hôi của họ.

 

Nếu chúng ta đọc Tin Mừng mà chỉ dừng lại ở khía cạnh hạn hẹp theo sự hiểu biết “khiếm khuyết” của con người thì Lời Chúa không có giá trị và cũng chẳng đem lại ích lợi gì cho ơn cứu độ con người. Còn nếu khi đọc Tin Mừng dưới sự soi sáng của Lời Chúa thì chúng ta sẽ hiểu được ý muốn của Chúa và đón nhận Lời Chúa như một mặc khải về ơn cứu độ.

 

Thật vậy, khi được Lời Chúa soi sáng, chúng ta sẽ nhìn nhận được rằng, tác giả Matthêu không có ý giới thiệu một ông chủ thông thường trong xã hội loài người, chỉ ban thưởng cho những người làm công của mình, theo những đóng góp họ đã bỏ ra, nhưng là một ông chủ “đặc biệt”, có lối hành xử vượt quá trí hiểu của con người và vượt trên cả sự tương quan bình đẳng và công bằng trong xã hội. Ông chủ trong dụ ngôn đó, chính là hình ảnh một Thiên Chúa rất quảng đại và giàu lòng xót thương, muốn đón nhận tất cả mọi người vào làm “vườn nho Nhà Chúa”, nhưng trả lương theo cách “nghĩa hiệp” của mình mà không cần đến sự công bằng theo cách xã hội của loài người phân định.

 

Thiên Chúa luôn kêu gọi mọi người vào vườn nho của Người, qua các thời điểm khác nhau. Bất luận là người vào làm giờ đầu tiên hay cuối cùng (giờ thứ nhất…đến giờ thứ mười một), đều được hưởng lòng quảng đại, sự thương xót và ơn cứu độ theo ân sủng Người ban cho từng người. Người không chú trọng đến việc quý chuộng riêng một ai, nhưng Người chỉ nhấn mạnh đến quyền bình đẳng mà mọi người đều có trước lời mời gọi và trước số tiền công được Người trao ban cách quảng đại theo ý của Người.

 

Tuy nhiên, những người Do Thái được xem là dân tuyển chọn, họ là những người được mời gọi làm vườn nho trước, rồi đến lượt mọi người bất luận là sắc tộc, màu da, ngoại kiều hay “ngoại đạo”…đều được chiếu cố, để đi vào làm vườn nho Nhà Chúa, hưởng công lao theo lòng quảng đại và sự thương xót của Người. Cho dù là lời kêu gọi vào vườn nho Nhà Chúa sớm hay muộn.

 

Con người luôn bị giới hạn về tầm nhìn, lòng quảng đại cũng chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp, nên không thể hiểu được lòng quảng đại của Thiên Chúa, và cách ban phát ân sủng của Người. Chúng ta than trách Thiên Chúa bất công, không có sự công bằng vì cho mình là người bỏ công nhiều mà chỉ nhận được ít, còn kẻ khác bỏ công ít mà nhận được nhiều. Chúng ta đang ghen tức với Thiên Chúa sao? Chúng ta thật ngây ngô khi so sánh sự công bằng của xã hội loài người với lòng thương xót của Thiên Chúa: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20,12-13).

 

Thiên Chúa là Đấng công bằng, Người luôn công bằng trong mọi sự, nhưng Người còn có lòng xót thương; Người luôn trả lương cân xứng với mọi công việc chúng ta đã làm như đã thỏa thuận (1 đồng), Người không bớt cũng không thêm, nhưng Người còn có thêm lòng quảng đại và sự xót thương mà ban ân sủng cho những ai Người thấy là cần thiết: “Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,14-15).

 

Con người đã so đo, tính tóan về các ân huệ của Thiên Chúa ban cho họ, thay vì biết ơn thì lại than trách Người vì tưởng rằng Người đã ban cho mình quá ít. Chúng ta hãy bằng lòng với những ân huệ mình nhận được và hãy luôn cảm tạ Chúa thì tốt hơn là càm ràm và không bằng lòng với những gì mình được ban. Đồng thời, chúng ta cũng hãy tôn trọng tự do và lòng nhân lành của Thiên Chúa, và cũng luôn luôn vui mừng khi thấy lòng quảng đại của Người đã ban phát ân huệ cho tha nhân.

 

Thiên Chúa chính là Ông Chủ tốt lành, Người không ban phát đồng quan cách ngẫu hứng, nhưng ban cho mọi người điều họ cần, và ban phát một cách rộng rãi tùy theo nhu cầu của con người. Người đã không gây thiệt hại cho ai, cũng không mất công bằng với ai cả. Người đã dùng lòng nhân hậu của một người Cha mà ban tặng điều cần thiết cho nhu cầu sống của con cái, kể cả những người không được may mắn: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết. Họ đáp :Vì không ai mướn chúng tôi cả” (Mt 20,6-7) .

 

 

Tắt một lời, qua dụ ngôn người làm giờ thứ mười một, thánh sử Matthêu muốn chứng minh cho chúng ta biết rằng trong cách thức hành động của Thiên Chúa, Người không đi theo những qui tắc, hay lề luật của sự công bằng hạn hẹp, cứng nhắc của xã hội loài người. Nhưng, Thiên Chúa chỉ thực thi lòng quảng đại cho những ai cần thiết để được đón nhận ơn cứu độ. Người hào phóng trong tình thương xót và hoàn toàn tự do trong việc thực thi ơn lành để đem ơn cứu độ cho muôn dân, muôn nước.

 

Chúng ta cảm tạ Chúa vì đã đón nhận chúng ta vào vườn nho của Người từ giờ thứ mười một nhưng vẫn được trả “lương” cân xứng với nhu cầu sống của chúng ta. Chúng ta hãy khiêm nhường đón nhận những ân huệ Chúa đã ban, cho dù chúng ta còn khiếm khuyết và chưa chu toàn những bổn phận của người làm công trong vườn nho của Chúa.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á