LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN XXIX TN, B: “NGƯỜI LÀM ĐẦU PHẢI HẦU THIÊN HẠ”

Phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường. Đây là cốt lõi của lời giáo huấn về phục vụ. Với ý nghĩa này, phục vụ không còn là công việc của một kẻ bề dưới như xưa nay ta thường thấy trong xã hội nhưng là của tất cả mọi người, trong đó người “làm lớn” phải làm gương.

 

 

 

“NGƯỜI LÀM ĐẦU PHẢI HẦU THIÊN HẠ”

(Mc 10,35-45)

 

 

Minh Triệu

 

Bàn về quyền bính, xã hội ở mọi nơi, mọi thời và mọi giai đoạn lịch sử ít nhiều đều cho thấy nét đặc trưng trong việc điều hành mà người lãnh đạo thường phô trương đó là: dùng uy mà thống trị, dùng quyền mà cai quản. Tuy nhiên, với Thầy Giêsu thì lại khác. Ngài dạy các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44). Thử hỏi giáo huấn này bởi đâu mà có và có ý nghĩa ra sao?

 

Trước hết ta xem xét nguồn gốc, kế đến tìm hiểu nội dung ý nghĩa của giáo huấn.

 

1. Lý do

a/ Lý do gần

 

Xem xét bố cục của bài Tin Mừng, ta thấy có hai phân đoạn và giữa chúng có mối quan hệ nhân quả. Phần thứ nhất từ câu 35 đến câu 40 kể lại sự kiện hai anh em con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan“đi đêm” để thu xếp phần lợi cho mình. Cả hai nài xin cho được: “Một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả” Thầy Giêsu (c.37). Phần thứ hai từ câu 41 đến 45 diễn tả phản ứng của mười môn đệ còn lại và trình bày giáo huấn phục vụ của Thầy Giêsu. Với bố cục như thế, trên bình diện tư tưởng đã làm toát lên mối liên hệ nhân quả: tham vọng quyền bính của hai anh em Giacôbê va Gioan (c.37) là nguyên nhân dẫn tới xung đột giữa các môn đệ (c.41); xung đột giữa các môn đệ đưa tới giáo huấn về phục vụ (c. 44). Đừng quên rằng, thái độ của hai anh em Giacôbê, Gioan và các môn đệ còn lại tuy khác nhau nhưng suy cho cùng đều chung một tham vọng: mong muốn quyền lực. Và đây là nguyên nhân giải thích tại sao Chúa Giêsu đưa ra giáo huấn về phục vụ để giải quyết xung đột cũng như để dạy bảo các ông tinh thần phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn.

 

Nhưng thử hỏi tham vọng đó hoàn toàn rất con người hay có chăng còn vì một lý do nào khác?

 

b/ Lý do xa

 

Các môn đệ nói riêng và rộng hơn người Do Thái nói chung có quan niệm không đúng về Đấng Mêsia. Chúng ta biết rằng, trong bối cảnh đất nước (vương quốc Giuđa) bị xâm lăng vào thời vua Akhát do đường lối chính trị sai lầm dẫn đến mất nước. Lúc bấy giờ, điều cần là một cuộc giải phóng đưa dân thoát khỏi vòng nô lệ. Nhưng một cuộc giải phóng không thể đến từ sức con người mà phải hoàn toàn dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Muốn vậy, cần phải đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa và chờ đợi trong hy vọng. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối trung tín sẽ giữ lời Người đã cam kết như đã nói trong 2 Sm 7,14. Và đúng như lời đã hứa, Thiên Chúa đã ban cho họ Đấng cứu tinh đến để giải thoát họ. Đấng ấy không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô, “sẽ trị vị nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,33). Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không khôi phục vương triều David theo nghĩa chính trị nhưng xây dựng một vương quốc mới, một triều đại mới, triều đại của lòng thương xót. Câu nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36) cũng vì lẽ đó. Thật không may, các một đệ của Chúa không nhận thức được điều này. Các ngài vẫn luôn nghĩ về một Đấng Mêsia theo nghĩa chính trị.

 

Lối nghĩ này nằm trong não trạng chung của người Do Thái: Đấng Mêsia toàn thắng, giải thoát và trả lại quyền làm chủ cho dân. Các môn đệ là người Do Thái ít nhiều còn chịu ảnh hưởng bởi não trạng này và do đó khó tránh khỏi cái nhìn nông cạn về một Đấng Mêsia như một chính trị gia, một nhà lãnh đạo quân sự đại tài giúp dân đánh bại mọi kẻ thù ngoại bang, thiết lập lại vương triều David và cai trị dân bằng sự công minh chính trực. Bởi vậy mới có sự kiện hai ông Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên hữu, bên tả Thầy Giêsu khi Ngài thiết lập triều đại của Ngài và bản thân là môn đệ không thể thiếu một “chỗ đứng” quan trọng nếu không muốn nói là dưới một người nhưng trên vạn người. Điều này dẫn tới tranh dành như một hệ quả tất yếu và Chúa Giêsu đã phải đưa ra giáo huấn để giải quyết xung đột.

 

Như vậy, nguyên nhân làm phát sinh giáo huấn phục vụ là do sự non nớt trong nhận thức của các môn đệ về Đấng Mêsia. Quả vậy, bí mật thiên sai: Đấng Mêsia phải chết, đã nhiều lần Chúa Giêsu loan báo nhưng các ngài vẫn mù mờ. Nói theo ngôn ngữ của thánh sử Luca thì những “lời ấy còn bí ẩn” đối với các môn đệ (Lc 19,34b).

 

Nguồn gốc giáo huấn là thế còn nội dung ý nghĩa thì:

 

2. Ý nghĩa giáo huấn về phục vụ

 

Trước hết, nhìn vào bối cảnh, ta nhận thấy giáo huấn về phục vụ của Chúa Giêsu có mục đích giải quyết xung đột. Nhưng đó là phần nổi của sự kiện còn ẩn sâu bên trong có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.

 

Quả vậy, như người họa sĩ thực hiện thao tác nghệ thuật bằng những đường vân gỗ cần một nền màu da cam phù hợp để sinh động hóa tác phẩm nghệ thuật của mình thì ở đây cũng thế, Chúa cần khung cảnh phù hợp để truyền đạt giáo huấn của Ngài hầu giúp các môn đệ khắc cốt ghi tâm. Sự kiện các môn đệ “tức tối” với nhau vì sự tham vọng quyền bính đã mở ra cho Chúa Giêsu cơ hội thuận lợi để dạy các ông về nguyên tắc sống trong triều đại của Ngài. Chúng ta biết rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32b-33). Nhưng lời ấy không thể hiểu theo nghĩa chính trị cũng không theo nghĩa huyết thống mà phải được hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Quả vậy, vương quốc mà Chúa Giêsu thiết lập bằng sự hy sinh như chính Ngài đã nói: “Hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (c.45b) để lại cho nhân loại một thực tại sống động, xinh đẹp và trường cửu. Thực tại ấy chính là Giáo hội. Trong đó, không còn người cai trị người, bóc lột người, đè nén người, nhưng tất cả đều là người phục vụ. Phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường. Đây là cốt lõi của lời giáo huấn về phục vụ. Với ý nghĩa này, phục vụ không còn là công việc của một kẻ bề dưới như xưa nay ta thường thấy trong xã hội nhưng là của tất cả mọi người, trong đó người “làm lớn” phải làm gương.

 

Hơn nữa, phục vụ còn phải theo gương Thầy Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Đây là một đòi hỏi rất cao không dễ gì thực hiện được. Về điều này ta đừng quên lời Chúa đã hỏi các môn đệ của Ngài: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (c.38b). Vì không hiểu (c.38a), nên môn đệ của Chúa trả lời: “Thưa được” (c.39a). Ở nội dung này, thành thật mà nói, với sức người chắc chắn không ai có thể “uống chén Thầy Giêsu sắp uống”. Nhưng với Chúa mọi sự đều có thể (x. Lc 1,37). Bởi vậy lời hứa: “Chén Thầy sắp uống, anh em sẽ uống...” trở thành lời mời gọi hiệp thông. Lời mời gọi ấy đang chờ sự đáp trả đầy can đảm từ những tâm hồn thiện chí; đặc biệt từ những người môn đệ, từ nơi những vị lãnh đạo cấp cao và rộng hơn cho tất cả chúng ta, những người con của Chúa, của Giáo hội.

 

Như vậy giáo huấn của Chúa về phục vụ không đơn thuần là để giải quyết xung đột, nhưng là một đòi hỏi của tình yêu dành cho những ai muốn tham dự vào vương quốc do Chúa Giêsu thiết lập. Vương quốc ấy không thuộc về thế gian (x. Ga 18,36) nhưng cũng đâu ở ngoài thế gian. Và vì vậy, trên con đường lữ hành trần thế, người môn đệ của Chúa thể hiện tình yêu qua việc tận tâm phục vụ mọi người và phục vụ cách khiêm nhường theo gương Thầy Giêsu chí thánh, nhất là dám hy sinh bản thân cho vinh quang Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Với ý nghĩa đó việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy Giêsu không còn là vấn nạn đưa tới tranh dành nhưng như lời Thầy Giêsu đã hứa trong Mc 10,39b, tất cả được góp phần mình vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đây mới là vinh dự đích thực.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á