LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng CN XXIV TN, A: THA THỨ - NGUYÊN LÝ CỦA YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP NHẤT

Sự tha thứ vô cùng cần thiết và quan trọng trong đời sống tôn giáo cũng như xã hội. Đặc biệt, đối với Kitô giáo là tôn giáo đề cao tinh thần bác ái. Bác ái chỉ thực sự hiện hữu khi có tha thứ. Có thể nói tha thứ là nguyên lý của yêu thương và hiệp nhất trong Kitô giáo.

 

 

THA THỨ - NGUYÊN LÝ CỦA YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP NHẤT

(Mt 18,21-35)

 

M.  Raphael Dũng

 

Con người, tự bản chất, có tương quan xã hội tính, diễn tiến theo mối liên hệ sống cùng, sống với và sống cho nhau. Yêu sách này đi liền với điều kiện có sự yêu thương giữa người với người. Chính vì lẽ đó, Khổng Tử đã nói: Con người sống phải có nhân ái, Mặc Tử cổ vũ tinh thần kiêm ái, trong khi đó, Đức Phật truyền dạy từ bi hỷ xả. Nhưng chỉ có Đức Giêsu Kitô trình bày về tình yêu giữa người với người một cách minh bạch rạch ròi nhất. Ngài không chỉ dạy con người sống bác ái với nhau mà còn cho nhân loại biết nguồn gốc của con người xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu.

 

Tuy nhiên, vì do khác biệt văn hóa, tính tình, nhận thức..., con người thường có sự bất đồng, mâu thuẫn, ghen ghét thù hận. Cho nên, tình yêu chỉ thực sự hiện hữu khi con người cảm thông và tha thứ cho nhau.

 

Vì thế, trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu, nhà sư phạm mẫu mực trong việc dạy tha thứ, dạy thánh Phêrô phải tha đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Như vậy, bác ái và tha thứ rất cần thiết trong giáo huấn Kitô giáo cũng như trong đời sống xã hội.

 

1. Vai trò của sự tha thứ trong đời sống xã hội

 

Mỗi người là một nhân vị độc đáo. Do đó, có sự khác biệt trong ý nghĩ, suy tư, tình cảm dẫn đến sự khác biệt về quan điểm, lập trường, lối sống…Chính sự khác biệt cũng tạo nên những đối lập, mâu thuẫn dẫn đến những bất hòa, tranh chấp. Con người là hữu thể bất toàn, nên thường có những khuyết điểm về tài năng cũng như phương diện đạo đức: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Ngay trong bản thân mỗi người đã có sự xung khắc mâu thuẫn thì làm sao giữa người với người lại không có sự xích mích bất hòa được! Con nguời thì “nhân vô thập toàn”. Vì thế, làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi: lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, hoặc vô tình hoặc cố ý. Lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng làm sao tha thứ? Làm sao chữa lành?

 

Dù sao đi nữa, những biến cố trong cuộc sống hàng ngày chứng tỏ rõ ràng rằng sự tha thứ và hòa giải cần thiết biết bao cho sự canh tân cá nhân và xã hội. Ðiều này không chỉ đúng trong quan hệ giữa cá nhân với nhau mà còn trong phạm vi các cộng đồng và các dân tộc. Tha thứ vẫn luôn có tính chất thời sự, cả trong thế giới tục hóa của chúng ta. Không cần phải mất nhiều thời gian lắng nghe người khác thổ lộ mới nhận ra sự cần thiết của tha thứ. Quả thực, chẳng ai thoát khỏi những tổn thương do mất mát, chán nản, phiền muộn, đau buồn vì bị hiểu lầm, bị phản bội, v.v... Những khó khăn trong cuộc sống chung được tìm thấy rất nhiều ở khắp mọi nơi: những xung đột giữa vợ chồng trong gia đình, giữa vợ chồng ly thân - ly dị, giữa những người yêu phải chia tay, giữa chủ và thợ, giữa bạn bè, giữa láng giềng, giữa các chủng tộc hay quốc gia.

 

Một ngày nào đó, tất cả đều cần đến sự tha thứ hầu tái lập hòa bình và tiếp tục chung sống với nhau. Trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành hôn, có người hỏi bí quyết để sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trong suốt ngần ấy thời gian. Người vợ trả lời: “Sau một cuộc cãi vã, không bao giờ chúng tôi đi ngủ mà không xin lỗi lẫn nhau”. Ðể khám phá ra tất cả tầm quan trọng của tha thứ trong các mối tương quan nhân loại, chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới không có tha thứ sẽ như thế nào. Ðâu là những hậu quả trầm trọng của nó? Có lẽ người ta sẽ bị kết buộc trong bốn chọn lựa sau đây: Duy trì mãi trong mình và trong kẻ khác sai trái đã phải chịu, sống trong sự oán giận, bám chặt vào quá khứ, trả thù[1]. Do đó, sự tha thứ vô cùng cần thiết và quan trọng trong đời sống tôn giáo cũng như xã hội. Đặc biệt, đối với Kitô giáo là tôn giáo đề cao tinh thần bác ái. Bác ái chỉ thực sự hiện hữu khi có tha thứ. Có thể nói tha thứ là nguyên lý của yêu thương và hiệp nhất trong Kitô giáo.

 

2. Tha thứ - nguyên lý của yêu thương và hiệp nhất trong Kitô giáo

 

Mẹ Têrêxa nói: “Nếu muốn có sự yêu thương, trước hết hãy học cách tha thứ”. Người môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô phải là người biết yêu thương và tha thứ. Thiên Chúa là tình yêu. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa. Vậy ai không có lòng bao dung tha thứ thì trong tâm hồn người ấy không có chỗ cho tình yêu ngự trị.

 

Sự tha thứ là trọng tâm các giáo huấn của Chúa Giêsu. Nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta nhận thấy sự tha thứ chạm đến điểm tận cùng khi Người đã đổ máu mình ra, chịu treo thân trên thập tự để cứu chuộc con người chai đá, cứng lòng khỏi hư mất vì tội. Tha thứ đến cùng là biểu hiện của đức ái hoàn hảo. Thực tế cuộc sống cho tôi thấy, thật không dễ dàng gì để có thể tha thứ cho người xúc phạm đến tôi, chưa nói đến sự tha thứ hoàn toàn như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Dù vậy, đức bác ái vẫn ngọt ngào, sự tha thứ vẫn chứa đựng sức mạnh như dấu ấn của Thiên Chúa vang vọng trong sâu thẳm tâm hồn con người, nhất là với những ai khao khát tìm kiếm sự bình an và ơn tha thứ [2].

 

Chúa bảo thánh Phêrô phải tha thứ “bảy mươi lần bảy”. Trong đời sống, người có thể tha thứ được tới con số này có thể gọi là thật sự hiếm hoi. Người ta thường bảo, “quá tam ba bận”. Ít người có thể tha thứ cho tôi nếu tôi cứ xúc phạm tới họ hết lần này đến lần khác. Chúa Giêsu đưa ra một con số, mặc dù nó có giới hạn, nhưng lời dạy của Người không dừng lại ở giá trị của phép tính đó; Người muốn con cái của Người phải luôn tha thứ, tha thứ cho đến tận cùng. Tha thứ phải là đặc điểm của con cái Thiên Chúa. Vì sao Đức Giêsu lại đòi hỏi con cái mình phải tha thứ đến mức tuyệt đối như vậy? Chắc chắn một điều, Con Thiên Chúa biết con người yếu đuối, họ chẳng làm được gì nếu không có sự trợ giúp của Người. Tha thứ là con đường đem lại bình an, và Chúa Giêsu muốn con cái mình tìm được sự bình an đó[3].

 

Người Kitô hữu bước theo con đường Chúa Giêsu dạy, để qua Người mà tiến về Nước Trời, nơi của sự sống vĩnh hằng. Cùng đồng hành trên con đường ấy, sự tha thứ bảo đảm cho con người có thể bước đi cùng với nhau như một cộng đoàn hướng đến cuộc sống mai sau, bình an và viên mãn. Giá trị của sự tha thứ đối với người Kitô hữu thật sự là nguồn động lực và điều kiện để họ có thể cảm nghiệm được sự bình an. Tha thứ là một thách đố trong đời sống. Tuy nhiên, là con cái Thiên Chúa, tôi phải ý thức mình thuộc về sự thiện, tôi được Thiên Chúa yêu thương, được Ngài tha thứ và cứu chuộc. Tôi cũng phải ý thức mình là một phần trong cộng đoàn Hội Thánh đông đảo. Trong lòng cộng đoàn ấy, sự yêu thương che chở lẫn nhau, cùng tương trợ nhau, cùng sống trong đức ái, là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu. Người là Đầu vẫn không ngừng hướng dẫn các chi thể Hội Thánh tại thế. Kết hiệp với ơn thiêng từ Thiên Chúa, tôi mới ý thức được lý do vì sao tôi phải tha thứ [4].

 

Tha thứ là bài học, là nguyên lý sống còn trong căn tính của con cái Thiên Chúa, của mỗi kitô hữu. Chúa Giêsu Kitô là thầy dạy mẫu mực về sự tha thứ và những lời dạy của Ngài luôn được hiện thực hóa, cụ thể hóa trong cuộc sống chứ không phải là lý thuyết suông. Điển hình qua cái chết trên thập giá, Ngài đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài vào thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Mẫu gương thứ hai về sự tha thứ đó thánh Stephano tử đạo tiên khởi của Giáo hội. Thánh Stephano phó tế, vị tử đạo tiên khởi, đã hoàn toàn theo gương Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh của mình. Khi bị ném đá, thánh nhân đã phó thác chính sự sống của mình cho Thiên Chúa và tha thứ cho những kẻ bách hại mình. Gần chúng ta nhất thì có tấm gương về sự tha thứ của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vào ngày 13/05/1981, thánh nhân tưởng chừng đứng trên bờ vực cái chết sau vụ ám sát hụt từ một người đàn ông Hồi giáo tên Mehmet Ali Agca. Một nỗ lực ám sát, một thời gian dài để phục hồi và sau đó là một hành vi tha thứ trong sự thinh lặng đầy tính anh hùng. Hai năm sau biến cố ấy, thánh Gioan Phaolô II, với một thái độ trìu mến, đã nghiêng người về phía kẻ đã ám sát mình, nói chuyện cách thân mật như chưa từng có việc ám sát. Người môn đệ theo chân Thầy Giêsu là vậy.

 

Tóm lại: Tha thứ là nguyên lý sống động và hiện hữu một cách thân thiết với tình yêu thương. Có thể nói, yêu thương và tha thứ như môi với răng, môi hở thì răng lạnh. Xã hội loài người sẽ không tồn tại trên cõi đời này nếu tương quan giữa người với người không có lòng bao dung tha thứ. Cũng vậy, Hội thánh có Chúa Kitô là Đầu mà mỗi Kitô hữu là một chi thể. Nếu các chi thể không có sự hiệp nhất và yêu thương thì không còn là một Hội thánh sống động. Do đó, sự tha thứ là mạch máu tinh ròng luôn luôn lưu thông chuyển tiếp trong trái tim của Hội thánh để tạo nên sự yêu thương và hiệp nhất một cách vững bền mãi mãi. Tha thứ là một giáo trình vô cùng quý giá mà trái tim của người kitô hữu, của người môn đệ chân chính của Đức Kitô là thư viện luôn luôn mở ra để lưu giữ, tìm tòi khám phá và đưa vào áp dụng trong thực tế cuộc đời làm con cái Chúa.

 

 

 

 ____________________________________

 

 

[1] ditimchanly.org: Làm Sao Tha Thứ, Phần thứ nhất: Những suy tư và định hướng về bản chất của tha thứ, Chương I: Tầm quan trọng của sự tha thứ trong đời sống chúng ta.

[2] ngoiloivn.net: Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, Tha thứ

[3]Sđd

[4] ngoiloivn.net: Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, Tha thứ

 

 

Thiết kế Web : Châu Á