LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng CN XXI TN, A: MỘT CUỘC THĂM DÒ...

Cách đây hơn hai ngàn năm, thánh Matthêu kể cho chúng ta biết, Đức Giêsu cũng đưa ra ý kiến thăm dò giữa các tông đồ, nhưng không phải thăm dò tìm ý kiến đồng thuận để xây dựng lợi nhuận cho Ngài. Ngài chỉ thăm dò ý kiến về quan điểm của dân chúng và các tông đồ đối với Ngài như thế nào: “Người ta nói Con Người là ai?... Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”.

 

 

MỘT CUỘC THĂM DÒ...

(Mt 16,13-20)

 

 

Minh An

 

Có thể nói được rằng, con người cũng như xã hội ngày nay, khi đưa ra một điều gì đó nhằm đem lại lợi ích chung cho một quốc gia, một đảng phái, hay một tổ chức… người ta hay thăm dò ý kiến của nhiều người. Chẳng hạn như: muốn phát triển kinh tế theo chiều hướng trao đổi hàng hóa với các đối tác khác, thì thăm dò ý kiến chung của nhiều người xem có được ưng thuận như thế không. Hay, muốn phát triển hệ thống chính trị bằng con đường súng đạn, xâm chiếm lãnh thổ của nước khác thì cũng thăm dò ý kiến chung xem có được đồng thuận hay không…

 

Có rất nhiều cuộc thăm dò khác nhau, và cuộc thăm dò nào cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Người ta chỉ dựa trên những ý kiến chung nhất, để có thể thực hiện điều đã đưa ra nhằm đem lại ích lợi chung. Tuy nhiên, cũng không hẳn như thế, vì có những người lãnh đạo độc tài, độc đóan…chỉ đưa ra những thăm dò cho có hệ thống, chứ mình đã có ý định phán quyết từ trước rồi.

 

Cách đây hơn hai ngàn năm, thánh Matthêu kể cho chúng ta biết, Đức Giêsu cũng đưa ra ý kiến thăm dò giữa các tông đồ, nhưng không phải thăm dò tìm ý kiến đồng thuận để xây dựng lợi nhuận cho Ngài. Ngài chỉ thăm dò ý kiến về quan điểm của dân chúng và các tông đồ đối với Ngài như thế nào: “Người ta nói Con Người là ai?... Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”.

 

Sau khi Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ, cứu chữa bệnh nhân, xua trừ ma quỷ... dân chúng đã chứng kiến và đi theo Người, họ cho Người chỉ là một trong số những người “ thánh” trong Cựu ước mà thôi. Người thì bảo Ngài là Êlia, người khác nữa cũng chỉ nhận diện là Gioan, hay một trong những vị ngôn sứ nào đó mà thôi:“Người ta nói Con Người là ai? Các ông thưa: kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ ” (Mt 16,14).

 

Dân chúng là thế và có lẽ cũng chỉ đạt đến mức độ thế thôi! Họ nhận diện về Đức Giêsu không phải là sai, nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng, vì con mắt đức tin của họ chưa được mở rõ, nên chưa thể nhận biết hết về Đức Giêsu là ai. Họ chỉ nhìn nhận được một số vai trò ít ỏi của Đức Giêsu mà thôi. Họ không thể nói hết được con người tòan diện của Giêsu như là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Và phải chăng đây là cơ hội tốt nhất để Đức Giêsu kiểm tra các môn đệ thân tín nhất của mình, khi nhìn về Thầy như thế nào.

 

Trở về với nhóm môn đệ thân tín, Đức Giêsu thăm dò ý kiến của họ về chính mình: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Phêrô, với tính tình“bộc trực”, đã từng bị khiển trách là thiếu niềm tin, đại diện cho các anh em trả lời về Thầy rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Đây là câu trả lời được xem như “chuẩn nhất”, đúng đắn nhất của Phêrô. Chính câu trả lời này của Phêrô, đã làm cho ông trở nên con người có giá trị thiết thực trong Giáo hội của Chúa, được Chúa khen ngợi ông là người có phúc. Chính lời tuyên tín cách mạnh mẽ này, đã đưa Phêrô đạt đến một giá trị cao cả mà chính “Sư Phụ” của ông đã phải khen ngợi ông: “Anh thật là người có phúc” (Mt 16,17).

 

Không những Chúa Giêsu chỉ dừng lại ở lời khen ngợi Phêrô là người có phúc, nhưng Người làm cho giá trị lời tuyên tín của Phêrô được cụ thể hóa qua việc trao cho ông làm “thủ lãnh” Tông đồ đoàn và làm nền tảng vững chắc cho Giáo hội, với quyền được tháo cởi hay ràng buộc: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

 

Thật thế, Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” đã được Phêrô tuyên tín, nghĩa là Đấng cứu thế, đã được xức dầu và phong vương, nhưng Đấng Cứu Thế đó phải chịu nhiều đau khổ, bị phỉ nhổ, chịu đánh đòn, và chết trên thập giá để cứu thoát muôn dân (x. Mt 16,21). Không phải mặc nhiên mà Phêrô đã tuyên xưng được như thế, nhưng ông đã được Chúa Cha mặc khải để tuyên bố Đức Giêsu là: “Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,17).

 

Ngày xưa, Chúa Giêsu đã kiểm chứng các môn đệ thân tín về danh tính của Người và Phêrô đã trả lời rất tốt: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Còn bây giờ, có lẽ Người cũng sẽ kiểm chứng mỗi người trong chúng ta, để xem chúng ta quan niệm về Người như thế nào? Và chúng ta sẽ quan niệm về Chúa của mình ra sao?

 

Chúng ta đang sống trong những ngày tháng hẩm hiu, đầy lo lắng vì sự dữ đang lộng hành, chiến tranh có thể xảy ra, cơn đại dịch Covid đang tàn phá khắp nơi, giết chết nhiều sinh mạng…liệu chúng ta có còn đủ niềm tin vào Thiên Chúa nữa không? Chúng ta có còn tin vào một Thiên Chúa quyền năng hay không? Thiên Chúa ở đâu mà để cho sự dữ lộng hành, sự chết can thiệp vào con người quá mạnh? Có rất nhiều nghi vấn mà không dễ gì để đưa ra câu trả lời! Ngước nhìn lên thánh giá, ta chỉ thấy một sự thất bại của Thiên Chúa! Và Thiên Chúa vẫn cứ im lặng! Đúng là niềm tin của con người bị chao đảo!

 

Là kitô hữu, chúng ta tuyên xưng Chúa của mình như thế nào? Chúng ta phác họa lại khuôn mặt của Chúa Giêsu ra sao cho thế giới nhận biết? Chúng ta sẽ đạt được giá trị cao cả như Phêrô, nếu chúng ta tuyên xưng và làm chứng cho Chúa cách thiết thực nhất, đúng đắn nhất thì lời tuyên xưng đó sẽ là chứng từ, làm cho thế giới hôm nay có đủ niềm tin vào Thiên Chúa, để vượt qua những khó khăn thử thách.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á