LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN XX TN, C: “THẦY ĐÃ NÉM LỬA VÀO MẶT ĐẤT…”

Chỉ khi nào ngọn lửa Đức Tin của chúng ta bừng cháy, người khác mới dễ nhận ra: Thiên Chúa đang ở trong tôi; Thiên Chúa đang hiện diện nơi bạn; Thiên Chúa đang hiện diện khắp mọi nơi trong vũ trụ; Thiên Chúa đang đồng hành với nhân loại qua từng biến cố.

 

 

 

“THẦY ĐÃ NÉM LỬA VÀO MẶT ĐẤT…”

(Lc 12,49-53)

 

 

M. Huy Mỹ

 

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra nhiều khía cạnh và mong muốn các môn đệ cộng tác và can đảm chọn lựa để xây dựng Nước Thiên Chúa nơi trần thế, một vương quốc công lý, thánh thiện, bình an và tràn đầy tình thương của Thiên Chúa ngự trị.

 

Một trong những khía cạnh mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới, đó là: “Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Chúng ta cùng dừng lại và suy niệm khía cạnh này. Với tâm tình khát vọng của Ngài: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Lời đó như tiếng chuông đánh thức chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình trong sứ mệnh: SỐNG và LOAN BÁO Tin Mừng trong bối cảnh xã hội đang biến động, nhiều thách đố của thời đại hôm nay.

 

Với tâm tình thao thức của Chúa Giêsu: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”, chúng ta tìm hiểu LỬA ở đây là gì và mang ý nghĩa thế nào mà Chúa Giêsu lại thao thức và mong mỏi cho ngọn lửa ấy được bùng cháy?

 

Lửa có rất nhiều ý nghĩa và giá trị đối với cuộc sống nhân sinh và khơi động mọi lãnh vực liên quan đến cuộc sống con người và vũ trụ. Nếu chúng ta tra cứu Google, sẽ thấy ý nghĩa của LỬA rất phong phú và có giá trị quá sức tưởng tượng của chúng ta.

 

Trong Kinh thánh, LỬA là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa: LỬA chỉ sự thánh thiêng, nơi Thiên Chúa ngự trị (x. Xh 3,2); LỬA là sự hiện diện của Thiên Chúa che chở Dân Ngài (x. Xh 13,21); LỬA hiện diện trong Giao ước (x. Đnl 1,33; 4,11-12.36; 5,22); LỬA, dấu chỉ Thiên Chúa lắng nghe (x. 1V 18,20-39); LỬA là sức mạnh của Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,3-4); LỬA trong ngày của Chúa (x. 1Cr 3,13; Mt 3,11-12). LỬA còn mang ý nghĩa thanh luyện (x. 1Pr 1,7); LỬA thiêu hủy (x. St 19,24); LỬA phán xét trong ngày thế mạt (x. Lc 17,29) ...vv...

 

Trong Giáo Hội, LỬA diễn tả sự linh thánh (x. Nghi thức làm phép lửa đêm vọng Phục Sinh); LỬA biểu tượng của tình yêu (x. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Lửa, tr. 436).

 

Vậy, sự thao thức của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”, chúng ta có thể cùng nhau cảm thức với Chúa Giêsu qua hai tâm tình sau đây:  

 

1. “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”, là khát mong mà Chúa Giêsu mong muốn tất cả Kitô hữu hãy trở nên chứng tá của Tin Mừng; hãy bừng cháy lên ngọn lửa ĐỨC TIN trong chính cuộc sống của mình, để thế gian nhận ra: Thiên Chúa rất gần gũi và đang hiện diện trong mọi người; Thiên Chúa đang lắng nghe và đồng hành với con người; Thiên Chúa đang có mặt và can thiệp qua từng biến cố của nhân loại…

 

2. “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Đó là tâm thức đầy khát vọng mà Chúa Giêsu hằng mong muốn các môn đệ của Ngài: hãy làm cho ngọn lửa Tình Yêu của Thiên Chúa được bừng cháy và lan tỏa khắp cùng mặt đất này.

 

Có thể nói, hai tâm tình vừa gợi nên trong sự cảm thức của chúng ta với Chúa Giêsu: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”, là hai tâm tình gắn liền với bổn phận của người Kitô hữu mà Chúa Giêsu đã trối lại cho chúng ta trước khi Ngài về Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

 

Nhưng trong thời lượng của bài chia sẻ Tin Mừng hôm nay, chúng ta chỉ cùng nhau suy niệm tâm tình thứ nhất mà thôi. Đó là: Hãy làm cho ngọn lửa ĐỨC TIN của chúng ta được bùng cháy trong cuộc sống hằng ngày, để qua ngọn lửa đó, mỗi người Kitô hữu hãy trở thành ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,14).

 

Khi chúng ta cảm thức với tâm tình khát vọng của Chúa Giêsu: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”, là lúc chúng ta nhìn lại chính mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và mọi người, đồng thời trách nhiệm và bổn phận của chúng ta được đánh thức, để chu toàn.

 

Ngày hôm nay, nếu nhìn lại tình trạng sống thực tế của thời đại, chúng ta sẽ nhận ra một lối sống VÔ THẦN THỰC TIỄN đang thịnh hành. Một loại vô thần mà Công Đồng Vaticano II nêu lên trong Hiến Chế Gaudium et Spes. Đó là lối sống lừa đối lương tâm, cố tình loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi lòng mình, sống như không có Thiên Chúa hiện diện (x. Số 19). Nhiều lúc, con người còn lợi dụng Thiên Chúa như phương tiện để tìm kiếm vật chất, danh vọng, quyền lực và hưởng thụ. Không ít người quan niệm: nhân phẩm thua nhân sâm; chân lý không bằng chân giò; lương tâm không quan trọng bằng lương tháng; trăm lời nói không bằng một làn khói xe hơi; chân lý của kẻ mạnh; có tiền là có quyền;...

 

Trong một thời đại mà lòng người bị tục hóa và mất ý thức về thần linh như vậy, chúng ta là người Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta đáp trả thế nào trước sự thao thức đầy khát vọng của Chúa Giêsu: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

 

Sứ mệnh mà Chúa Giêsu trao vẫn luôn gắn liền với đời sống đức tin của chúng ta: “Anh em sẽ là chứng tá của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giu-đê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Sứ mệnh đó không gì khác hơn là chúng ta trở nên chứng nhân cho Ngài bằng cách: hãy làm cho ngọn lửa ĐỨC TIN của chúng ta trong cuộc sống được bùng cháy. Vì qua ngọn lửa đức tin, chúng ta mới có khả năng để sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai muốn chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Pr 3,15). Vì chỉ khi nào ngọn lửa Đức Tin của chúng ta bừng cháy, người khác mới dễ nhận ra: Thiên Chúa đang ở trong tôi; Thiên Chúa đang hiện diện nơi bạn; Thiên Chúa đang hiện diện khắp mọi nơi trong vũ trụ; Thiên Chúa đang đồng hành với nhân loại qua từng biến cố.

 

Chính đời sống đức tin của con cái Chúa ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống VÔ THẦN THỰC TIỄN của thế gian và làm cho thế gian phải suy nghĩ: ngoài sự sống nơi trần thế này có còn sự sống nào khác nữa không? Đâu là giá trị đích thực mà con người cần phải theo đuổi? Con người chết sẽ về đâu? Ai là người trả lại công bằng tuyệt đối cho con người?

 

Trong sứ mệnh loan báo tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta biết hoa trái của chứng nhân sẽ giúp người khác hướng về Thiên Chúa: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

 

Nhưng chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi cho chính mình: làm sao chúng ta có thể làm cho ngọn lửa đức tin của mình được bùng cháy trong thời đại hôm nay vì đức tin là một thách đố không hề nhỏ, nhiều khi còn phải trả giá bằng cả mạng sống? Câu trả lời là hình ảnh của các môn đệ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ cũng là con người như chúng ta, nhưng tại sao các ngài lại làm được? Có thể nói: ba nguyên nhân sau đây đã làm cho các môn đệ thay đổi não trạng và trở thành chứng nhân của Tin Mừng:

 

1. Cầu nguyện: các môn đệ cầu nguyện cùng với mẹ Maria trong nhà tiệc ly. Điều đó nói lên rằng: sự kết hợp với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện rất cần thiết để Chúa trao ban ơn thánh của Ngài.

 

2. Đón nhận: các môn đệ đón nhận Chúa Thánh Thần, nhắc cho chúng ta rằng trong cuộc hành trình đức tin, ơn Chúa và chính Chúa mới có khả năng biến chúng ta trở thành chứng nhân đích thực của Ngài.

 

3. Tinh thần ra đi loan báo Tin Mừng. Các môn đệ vui mừng vì được làm chứng cho Chúa Giêsu. Các ngài chịu trăm chiều thử thách, nhưng vẫn trung kiên vì có Chúa ở cùng các ngài.

 

Lạy Chúa Giêsu, qua lời thao thức của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”, xin cho mọi người chúng ta luôn đáp lại lời khát mong của Chúa bằng chính cuộc sống chứng tá niềm tin của mình. Đồng thời xin Chúa cho chúng ta biết khôn ngoan luôn nương tựa đời mình nơi Thiên Chúa và để cho Chúa hướng dẫn đời mình theo tinh thần của Ngài. Vì với Chúa và trong Chúa, đức tin mới có thể lớn lên được.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á