LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN XVIII TN, C: HÃY LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy quay về với lòng mình để xét lại những gì chúng ta đã và đang sử dụng tài sản mà mình sở hữu như thế nào. Của cải có cần thiết cho chúng ta hay không, hay cho rằng tiền bạc lại quý hơn Thiên đàng? Vì Thiên Chúa không muốn chúng ta bảo đảm đời sống và tính mạng của mình bằng việc thu tích tiền của, vàng bạc hay bằng việc mua các loại bảo hiểm ở đời này. Trái lại, Ngài muốn chúng ta biết chia sẻ của cải để giúp đỡ tha nhân, như thế chúng ta làm giàu trước mặt Thiên Chúa ở đời này và được hưởng hạnh phúc đời sau.

 

 

 

HÃY LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA

(Lc 12,13-21)

 

Minh Tước

 

Sống đẹp lòng trước mặt Thiên Chúa là niềm khao khát của các Kitô hữu để nên thánh, từ đó mới dẫn họ đến nguồn hạnh phúc đích thực của sự sống đời đời. Bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải tránh sự tham lam tiền của để được hạnh phúc Nước trời mai sau như thế nào? Và tiền của có làm ngăn cách con đường nên thánh của người Kitô hữu không?

 

Bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta về hình ảnh anh thiên niên xin Chúa Giêsu đứng ra phân chia gia tài của gia đình cho anh để nói lên sự công tâm với mọi người thân thuộc (x. Lc 12,13-15). Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận ý định của anh, và Chúa dạy cho anh thanh niên và mọi người tránh tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy vào tiền bạc, nhưng biết làm giàu nhân đức mà bảo đảm cho tương lai đời sống hạnh phúc Nước Trời mai sau.

 

Trong thời Cựu ước, theo sách Định Nhị Luật, Môsê qui định: “Người trưởng nam, mà chia cho nó hai phần sản nghiệp: nó là hoa quả đầu đời trai tráng của người ấy, nên nó được quyền trưởng nam” (Đnl 21,17). Do đó, nên phải có một người luật sĩ hay kỳ mục đứng ra phân xử tài sản cho ai đó. Cho nên, trong bài Tin mừng, anh thanh niên đã nhờ Đức Giêsu đứng ra phân xử tài sản, nhưng Người lại từ chối và nói rằng: “Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc 12,14). Tuy nhiên, “Thiên Chúa có quyền làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,42). Và Chúa Giêsu cảnh báo mọi người về tiền của rằng: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam...” (Lc 12,15). Nhà tâm lý Erich Fromm, người Mỹ gốc Đức, nói khá chí lý rằng: “Tham lam là hố không đáy, làm kiệt sức những người nỗ lực không ngừng nhằm thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ được thỏa mãn”.

 

Cũng thế, Chúa Giêsu dạy cho anh thanh niên và mỗi người chúng ta tránh lòng tham lam của cải và tránh sự lợi dụng tiền bạc. Vì tiền bạc chỉ là phù vân: “Phù vân, quả là phù vân, Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Cho nên, sống siêu thoát của cải trần gian sẽ có thể giúp chúng ta tiến tới con đường thiêng liêng; vì con đường thiêng liêng hướng mọi người sống nên thánh để có thể giải thoát linh hồn chúng ta khỏi sự phán xét của Thiên Chúa, và sẽ cứu được linh hồn chúng ta khỏi luyện ngục.

 

Đời sống thiêng liêng là lối sống đạo được Thiên Chúa ban cho mọi người Kitô hữu để sống nên thánh trong cuộc đời này và được hưởng hạnh phúc mai sau trên Thiên Quốc. Do đó, để làm giàu đời sống thiêng liêng ở đời này và là niềm hạnh phúc cho đời sau, mỗi người hãy biết hy sinh, từ bỏ tiền tài danh vọng; sống yêu thương, sẻ chia và bác ái với tha nhân. Đó cũng là “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21). Con đường nên thánh chính là mọi Kitô hữu đi vào còn đường hẹp, con đường từ bỏ, vì “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Như vậy, sống theo gương Thầy Giêsu là sống nghèo khó, sống phó thác, không có gối tựa đầu, mai đây mai đó (x. Lc 9,58). Cho nên, nếu chúng ta chạy theo tiền của, sẽ không dẫn chúng ta đến con đường nên thánh để được hạnh phúc Nước Trời. Như Lời Chúa nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

 

Tuy nhiên, tiền bạc là phương tiện trao đổi hàng hóa, giúp ích cho chúng ta làm công ích xã hội và cho Giáo hội khi làm bác ái như: giúp đỡ người nghèo khó, người đau khổ, bệnh tật,... Nếu chúng ta biết sử dụng tiền bạc đúng cách, tiền của sẽ là đầy tớ tốt, nếu chúng ta không biết sử dụng tiền bạc đúng mục đích, nó sẽ trở thành ông chủ tồi, dễ sa lầy vào con đường tội lỗi.

 

Có thể nói, có tiền mua tiên cũng được nhưng lại không mua được hạnh phúc; có tiền mua được tất cả nhưng lại không mua được giấc ngủ, có tiền mua được mọi thứ nhưng lại không mua được tình yêu,…cho nên, nó chẳng mang đến cho ta được hạnh phúc và bình an. Vì thế, trong đời sống Kitô hữu, nếu chúng ta cuốn hút chạy theo đồng tiền mà quên lãng trong đời sống đức tin, thì dần dần đời sống thiêng liêng bị phai nhạt trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta đừng thu tích của cải vật chất, nhưng “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

 

Cũng vậy, dụ ngôn người giàu có được Chúa Giêsu kể cho chúng ta hay, hình ảnh người phú hộ giàu có, dư “của ăn của để”, mà còn xây thêm kho lẫm lớn hơn để tích trữ thóc lúa đảm bảo cho tương lai, và ông nhủ lòng: “Hỡi hồn tôi hỡi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19). Nhưng Chúa Giêsu bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tai ai?” (Lc 12,20). Có nghĩa là, đêm nay Thiên Chúa sẽ gọi linh hồn ông ta ra khỏi thế gian là cái chết. Vì Thiên Chúa mới là chủ của sự sống và sự chết chứ không phải tiền bạc. Cho nên, của cải trần gian không thể bảo đảm cho chúng ta sống hạnh phúc mãi mãi ở đời này được. Khi chết, người giàu có và kẻ nghèo đều giống nhau. Do đó, người tham lam và thu tích trữ của cải là một hành động khờ dại và vô ích, mà chỉ những ai biết thu tích của cải cho mình để làm việc thiện, chia sẻ cho tha nhân và giúp ích cho những người đau khổ, đó mới là cách làm giàu trước mặt Thiên Chúa mà đem lại cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau.

 

Trong suốt cuộc đời công khai loan báo Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu không bám víu hay bận tâm đến của cải vật chất. Ngài sống thân phận của “Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20; Lc 9,58). Tuy nhiên, Chúa Giêsu có tấm lòng quảng đại và giàu lòng thương xót đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ bị xã hội loại bỏ. Ngài chạnh lòng thương những người bé mọn, đói khổ và bệnh tật, Ngài “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23). Đặc biệt, Chúa Giêsu là mẫu gương sống động cho đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện để lắng nghe và thi hành theo thánh ý Thiên Chúa Cha.

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy quay về với lòng mình để xét lại những gì chúng ta đã và đang sử dụng tài sản mà mình sở hữu như thế nào. Của cải có cần thiết cho chúng ta hay không, hay cho rằng tiền bạc lại quý hơn Thiên đàng? Vì Thiên Chúa không muốn chúng ta bảo đảm đời sống và tính mạng của mình bằng việc thu tích tiền của, vàng bạc hay bằng việc mua các loại bảo hiểm ở đời này. Trái lại, Ngài muốn chúng ta biết chia sẻ của cải để giúp đỡ tha nhân, như thế chúng ta làm giàu trước mặt Thiên Chúa ở đời này và được hưởng hạnh phúc đời sau.

 

Lạy Chúa Giêsu, có Chúa là có tất cả, vì Chúa là ông chủ giàu có nhất. Xin Chúa thương ban cho mỗi người chúng con có lương thực hằng ngày và thương ban cho chúng con biết sử dụng tiền bạc của Chúa ban, để chúng con sống tốt ơn gọi Kitô hữu, biết giúp đỡ tha nhân và làm giàu nhân đức trước mặt Thiên Chúa. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á