LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN XVII TN, B: BỞI VÌ BIẾT SẺ CHIA

Hãy mở rộng “tấm lòng vàng”, để biết sẻ chia là chúng ta đã làm nên “phép lạ” cứu sống anh chị em mình, cũng chính là chi thể của chúng ta. Chỉ cần một sự cộng tác, sẻ chia nhỏ bé và tầm thường của chúng ta, nhưng dưới tác động của Chúa, nó sẽ trở nên to lớn và rất có giá trị trước mặt Thiên Chúa và người khác.

 

 

BỞI VÌ BIẾT SẺ CHIA

(Ga 6,1-15)

 

Minh An

 

Một Giáo xứ kia có treo băng rôn trước cổng Nhà Thờ, trên băng rôn viết rằng: “Gánh nhau mùa Covid”. “Gánh nhau mùa Covid” là gánh cái gì vậy? Thì ra là hội Caritas của giáo xứ này, họ chuẩn bị nhiều đồ ăn, thức uống và các đồ dùng khác để giúp cho những người bị đói, khát, gặp khó khăn trong cơn đại dịch Covid-19. Ai cần thì đến lấy một phần đủ dùng cho ngày hôm đó và còn có thể tiếp tục.

 

Cách gánh nhau trong đại dịch Covid của anh chị em trong hội bác ái Caritas của giáo xứ kia đã thể hiện được chân lý sống của Kitô Giáo là bác ái yêu thương, sẻ chia huynh đệ theo lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Chỉ vì có trái tim yêu thương của Chúa, họ gánh nhau cách nhẹ nhàng khi tha nhân gặp khó khăn.

 

Khi Sài Gòn rơi vào cảnh khủng hoảng bởi con virus Vũ Hán tàn phá, người nhiễm bệnh mỗi ngày một gia tăng, sự sống nhiều người bị đe dọa, người chưa bị nhiễm bệnh cũng sống trong lo sợ, mất bình an, phải chịu cảnh cách ly, phong tỏa…Nguồn lương thực, nhất là rau, củ, quả khan hiếm, nhiều người có tiền cũng không thể mua được. Có nhiều người cũng chỉ vì tham tiền, lợi dụng đại dịch Covid nâng cao giá bán các đồ dùng, vật dụng. Quả đúng là khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng không vì thế mà người Sài Gòn phải chịu cảnh đau khổ, tuyệt vọng vì vẫn còn đó nhiều “tấm lòng vàng” biết sẻ chia.

 

Đúng vậy, khi người Sài Gòn nói riêng, các tỉnh khác nói chung gặp khó khăn, gian khổ ta mới thấy được “tấm lòng vàng” của rất nhiều người trên mọi miền của tổ quốc hướng về họ để sẻ chia. Từng đoàn xe chở người, chở lương thực, thực phẩm đến Sài Gòn, các tỉnh khác để giúp đỡ, sẻ chia trong bối cảnh khó khăn gian khổ này, thể hiện tình người, tình đồng bào: “Bầu ơi, thương nấy bí cùng…”. Những cử chỉ yêu thương, sẻ chia như thế sẽ làm cho người Sài Gòn “no lòng, ấm dạ”, đó chính là dấu lạ giữa đời thường, chứ không phải là phép lạ trong viễn vông, trong mơ tưởng.

 

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, trong lá thư với tựa đề “Thương Quá Sài Gòn Ơi”, kêu gọi đồng bào cả nước, nhất là các Kitô hữu hướng về Sài Gòn, đồng lòng chung tay, góp sức, sẻ chia cho người Sài Gòn vượt qua khó khăn khi bị dịch bệnh Covid Vũ Hán tàn phá. Ngài viết: “Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng về thành phố đáng yêu này. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại, hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm. Tôi kêu gọi tín hữu công giáo, mọi thành phần dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện Bác ái - Caritas… Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi…”. Lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse đó thật đáng trân trọng và lắng nghe, rồi làm theo, để thi hành Lời Chúa: “Cho thì có phúc là hơn nhận” (Cv 20,35).

 

Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã nhìn thấy đám đông vất vưởng theo Người, họ đang bị cái đói hành hạ, cơn khát cháy cổ. Người kêu gọi các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giêsu, các ông đã tìm ra được năm chiếc bánh và hai con cá từ một em nhỏ đóng góp và Người đã thực hiện một dấu lạ vĩ đại làm no thỏa lòng người. Có thể gọi phép lạ đó là do “tấm lòng vàng” của con người ta biết sẻ chia. Đúng thế, nhờ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé góp vào mà đã có phép lạ xảy ra.

 

Đọc kỹ bản văn Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận thấy, thánh Gioan diễn tả nhiều tâm trạng khác nhau của con người lúc đó. Đám đông hơn năm ngàn người đi theo Chúa nhiều ngày, họ đói, khát và rất mệt mỏi. Tâm trạng của Chúa Giêsu thì chạnh lòng thương và muốn cho họ ăn. Còn giải pháp của các Tông đồ thì giải tán đám đông, để họ vào làng mạc mà kiếm thức ăn. Cũng có giải pháp khác là dùng 200 quan tiền mua đồ ăn cho họ, nhưng ít quá làm sao cho đủ? Và giải pháp cuối cùng hợp nhất với Chúa Giêsu khi môn đệ phát hiện ra một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá để cho họ ăn: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” (Ga 6,10). Làm sao năm chiếc bánh và hai con cá có thể nuôi sống hơn năm ngàn người đây? Thật là khó quá đối với con người!

 

Nhưng, đối với Thiên Chúa thì không có gì là khó, không có gì mà Người không làm được (x. Lc 1,37). Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé thì đúng là ít thật, nhưng khi biết sẻ chia, đóng góp phần mình vào thì nó sẻ trở thành to lớn. Chúa Giêsu đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá này để thực thi một dấu lạ vĩ đại làm cho hơn năm ngàn người được ăn no nê và còn dư mười hai thúng đầy. Đúng là ngoài sức tưởng tượng của loài người, nhưng lại là dấu lạ của lòng thương xót Chúa và là phép lạ từ “tấm lòng vàng” của con người khi biết đóng góp, sẻ chia. Tạ ơn Chúa Giêsu vì lòng thương xót, cám ơn em bé vì “tấm lòng vàng” biết sẻ chia đóng góp để Thiên Chúa ban dấu lạ cho con người được sống và sống dồi dào.

 

Còn chúng ta, những tông đồ, những Kitô hữu của Chúa, chúng ta sẽ nghĩ gì, làm gì khi đồng loại đang gặp khó khăn, đói khát? Chắc chắn chúng ta không có hũ gạo của bà góa thành Xarepta được ngôn sứ Elia làm phép lạ, phân phát hoài mà không hết. Chúng ta cũng chẳng có túi tiền không bao giờ cạn như ngân hàng nhà nước. Nhưng, chúng ta có “tấm lòng vàng”, có trái tim yêu thương của Chúa để chúng ta biết làm gì cho kế hoạch yêu thương. Nếu không có “tấm lòng vàng” để biết sẻ chia, không có trái tim yêu thương, để cho đi thì chẳng có phép lạ nào xảy ra cả. Một lời nói dễ nghe, một nụ cười tươi vui, một lời động viên khích lệ, một cử chỉ cảm thông, một lời nguyện chân thành, một ý hướng giúp đỡ… cũng có thể hoá nên “phép lạ” giữa đời thường để làm cho người khác được ấm bụng, no lòng, chắc dạ.

 

Nhờ có “tấm lòng vàng” và biết sẻ chia, góp phần từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé cách đây hơn hai ngàn năm mà có phép lạ xảy ra cách thực tế trong đời thường, Chúa đã nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê. Nhưng còn sâu xa hơn phép lạ đời thường lúc đó, chính là dấu chỉ huyền nhiệm trong tương lai, tức là phép lạ Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể bằng chính Mình, Máu Thánh Người, để nuôi sống linh hồn con người ta tiến về quê trời.

 

Thánh Thể chính là bí tích của sự sẻ chia, của tình bác ái yêu thương, của sự hiệp thông nối kết tình Chúa và tình người, để trở nên duy nhất trong cùng một Chúa, một đức tin và cùng tiến về chung hưởng Nước Trời.

 

Thực vậy, khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã phán với các môn đệ: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Thầy… Anh em hãy cầm lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy…” (Mt 26,26-28). Như vậy, khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta cùng được chia sẻ một của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn mình, và được trở nên duy nhất trong Chúa và trong anh em mình. Chính thánh Phaolô đã dạy: “Chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và trở nên một thân thể trong Đức Kitô” (1Cr 10,17). Vì là nên một thân thể trong Đức Kitô, nên khi anh em đau, thì ta cũng đau, khi anh em gặp khốn khó thì chính ta cũng thông vào sự khốn khó đó, khi anh em đói thì chi thể của ta cũng trở nên suy nhược, ốm yếu (x. 1Cr 12, 26-27) do đó, cần có “tấm lòng vàng” để biết sẻ chia.

 

Vậy nên, hãy mở rộng “tấm lòng vàng”, để biết sẻ chia là chúng ta đã làm nên “phép lạ” cứu sống anh chị em mình, cũng chính là chi thể của chúng ta. Chỉ cần một sự cộng tác, sẻ chia nhỏ bé và tầm thường của chúng ta, nhưng dưới tác động của Chúa, nó sẽ trở nên to lớn và rất có giá trị trước mặt Thiên Chúa và người khác.

 

Ước mong sao, mọi người biết mở rộng tấm lòng quảng đại, tuy nhỏ bé từ phía mình, nhưng lại là điều kiện đủ để Chúa có thể ra tay thi thố lòng quảng đại trong tư cách một Vị Mục Tử nhân lành luôn lo lắng cho đàn chiên. Và cũng ước mong sao, tôi luôn tích cực đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công việc của Chúa, để ơn cứu độ của Thiên Chúa được thành tòan và có nhiều người đón nhận.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á