LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN XV TN, B: SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

Chúa Giêsu sai từng hai người một đi rao giảng Tin Mừng: sứ vụ mà nhóm Mười Hai lãnh nhận là từ chính Đức Giêsu. Các ông không tự mình ra đi nhưng là được sai đi. Chính trong ý nghĩa này mà các ngài được gọi là Tông Đồ.

 

 

SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

(Mc 6,7-13)

 

M. Alexis Thiện

 

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Đây là mục đích chính yếu của việc Đức Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai, như chính thánh sử Maccô ghi lại: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng…” (Mc 3,14). Như thế, sau những ngày tháng học tập môn “mục vụ truyền giáo” cùng với giáo sư Giêsu, hôm nay mười hai “sinh viên” được sai đi thực tập tại các làng mạc chung quanh. Đây là dịp để các ông thực hành những gì mình đã được học, được nghe, được thấy nơi thầy mình. Qua việc sai đi của các Tông Đồ chúng ta có nhiều điều để suy gẫm, suy gẫm về sứ vụ của các ông và của chính mình:

 

+ Chúa Giêsu sai từng hai người một đi rao giảng Tin Mừng: sứ vụ mà nhóm Mười Hai lãnh nhận là từ chính Đức Giêsu. Các ông không tự mình ra đi nhưng là được sai đi. Chính trong ý nghĩa này mà các ngài được gọi là Tông Đồ. Vì tông đồ theo nguyên nghĩa Hy Lạp nghĩa là sứ giả, người được sai đi – apostolos. Chính nơi Đức Giêsu mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh cho mình một ơn gọi và sứ vụ. Nhưng dù ơn gọi và sứ vụ nào cũng bao hàm việc ra đi loan báo Tin Mừng. Ở đây, chúng ta như nghe vang vọng lại lời của Chúa Giêsu trong tin mừng thánh Gioan: “…Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16); “như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

 

+ Các động từ: gọi, sai đi, ban quyền năng, chỉ thị mà Chúa Giêsu thực hiện đối với nhóm Mười Hai cũng gợi lại cho chúng ta về ơn gọi và sứ vụ của mỗi người: chúng ta cũng được chính Chúa gọi, được sai đi, được ban một quyền hạn, quyền lợi nào đó, kèm theo những chỉ thị cần thiết qua Giáo Hội để rao giảng Tin Mừng trong hoàn cảnh sống và bậc sống của mình.

 

+ Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.  Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. Đối chiếu đoạn Tin Mừng này với đoạn Tin Mừng ở chương 1, 14 - 45, nói về những hoạt động của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của Người, chúng ta nhận thấy các môn đệ ra đi, rao giảng cùng một thông điệp như Chúa Giêsu rao giảng; làm những việc Chúa Giêsu đã làm. Như thế, rao giảng Tin Mừng không gì khác hơn chính là sống và hành động như những gì Chúa Giêsu đã sống và hành động. Rao giảng Tin Mừng là giới thiệu hình ảnh Chúa Giêsu cho người khác. Chính Chúa Giêsu mới là nội dung chính yếu của lời rao giảng chứ không phải chúng ta. Chúng ta chỉ là những người đang cố gắng họa lại hình ảnh, lời nói và hành động của Chúa Giêsu mà thôi. Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Christus vivit, khi nói về tầm quan trọng của việc giới thiệu Đức Kitô cho những người trẻ đã lưu ý: “Đối với rất nhiều người trẻ, những từ “Thiên Chúa”, ‘tôn giáo’ và ‘Giáo hội’ dường như không có ý nghĩa gì, nhưng họ lại bị đánh động bởi nhân vật Giêsu, khi họ được nghe giới thiệu cách hấp dẫn và thiết thực về Người”. Vì thế, điều cần thiết là Hội Thánh đừng quá bận tâm về mình, nhưng trước hết phải phản ánh Đức Giêsu Kitô” (Christus vivit, số 39).

 

+ Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh: Các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng những hành động đem lại bình an, niềm vui và sự chữa lành cho người khác. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của các Kitô hữu ngày hôm nay cũng thế. Chúng ta không phải đem lại cho người khác những lời rao giảng suông, những lý thuyết thần học, nhưng còn cần hành động để môi trường mình sống có được bình an, trật tự, vui tươi, an ủi và chữa lành qua sự cảm thông và chia sẻ với cuộc sống của tha nhân. Xây dựng một xã hội tốt đẹp là tiền đề cho việc rao giảng Tin Mừng.

 

+ Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.  Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”: Chúa Giêsu đã thấy trước rằng Lời Ngài sẽ không luôn luôn được đón nhận nhưng sẽ có nhiều người từ chối. Người ta không chỉ không đón nhận lời rao giảng của các Tông Đồ nhưng chính Đức Giêsu nhiều lần đi rao giảng cũng bị dân chúng từ chối. Như thế, công cuộc rao giảng Tin Mừng luôn là là một công việc trường kỳ, khó khăn. Do đó cần có sự kiên nhẫn và cần cù như người nông dân kiên nhẫn chờ đợi vụ mùa vậy, thậm chí những người ra đi gieo trồng chưa hẳn là những người thu được kết quả do công khó của mình nhưng là những người đến sau.

 

Lạy Chúa Giêsu! Mỗi người chúng con đều nhận lãnh từ Chúa ơn gọi và sứ vụ loan báo Tin Mừng, nhưng việc loan báo Tin Mừng không gì khác hơn là giới thiệu Chúa cho mọi người. Xin ban ơn trợ giúp chúng con trung thành với sứ vụ ấy và giới thiệu Chúa cho anh chị em mình cách chân thật nhất.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á