LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN VIII PS: Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Với tính chất của Gió và Lửa, Chúa Thánh Thần đã thánh hóa, biến đổi hoàn toàn các Tông đồ từ những con người nhút nhát, thiếu tự tin, ít học, bất toàn, yếu đuối trở nên những con người tự tin, can đảm, khôn ngoan, quyền năng, làm phép lạ và nói các tiếng lạ để đi đến khắp nơi, khắp các dân tộc thực hiện sứ mạng loan báo Tin mừng của Đức Kitô phục sinh.

 

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

 

Phaolô Nguyễn Minh Thông

 

Bài Tin mừng hôm nay thánh Gioan thuật lại biến cố Chúa phục sinh và hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ. Sau khi được bà Maria Magdala báo tin và thuật lại những gì Chúa nói với bà. Cũng vào chiều hôm ấy, chiều ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ tập trung lại trong một ngôi nhà đóng kín, ngoại trừ sự vắng mặt của Thomas, với tâm trạng đầy lo sợ vì những gì người Do Thái đã gây ra cho Thầy của mình. Với thân xác phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã xuất hiện giữa các ông mà không qua bất kỳ trung gian vật chất nào. Sau khi cho các ông xem tay và cạnh sườn, Đức Giêsu nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:” Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (cc.21-23).

 

Vậy Chúa Thánh Thần là Đấng nào?

 

Trong kinh Tin Kính, chúng ta đã tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa ngôi ba, là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

 

Nếu nói về Chúa Thánh Thần, chắc chắn không tri thức hay sách vở nào chứa đựng cũng như diễn tả hết được. Đồng quan điểm đó, thánh Thomas Aquino tiến sĩ nói: “Hiện tại chúng ta không thể nào hiểu thấu vì mầu nhiệm ấy vượt quá khả năng hạn hẹp của trí khôn con người”.

 

Trong các bài đọc hôm nay, Chúa Thánh Thần được tỏ hiện qua 3 biểu tượng: Hơi thở, Gió và Lửa.

 

- Biểu tượng Hơi thở

 

Hơi thở chính là sự sống, sự sống chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, chính nhờ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa mà chúng ta được sống. Trong buổi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam là con người đầu tiên, để Ađam có được sinh khí và linh hồn. Chúa Giêsu phục sinh cũng đã lập lại hành động ấy khi Người xuất hiện giữa các môn đệ, thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống, sức mạnh và tinh thần của Thiên Chúa. Vì Thánh Thần chính là Thần Khí và là Hơi Thở của Thiên Chúa.

 

- Biểu tượng Gió

 

Chúa Giêsu đã ví Chúa Thánh Thần như cơn gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi...Chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3,8). Với tính chất của gió là vô hình, chẳng thể thấy được bằng con mắt phàm nhân. Nhưng sẽ nhận biết qua những gì gió tác động đến. Cũng vậy, chẳng ai có thể thấy được Chúa Thánh Thần nhưng sẽ nhận biết Ngài qua những dấu vết hoạt động mà Chúa Thánh Thần tác động đến.

 

- Biểu tượng Lửa

 

Ông Gioan Tẩy giả, người đi trước Chúa đã loan báo Đức Kitô là Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16), trong Đấng là Thần Khí mà Đức Giêsu sẽ nói về Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”(Lc 12,49). Dưới những hình lưỡi giống như “lưỡi lửa”, Chúa Thánh Thần ngự trên các môn đệ vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần, “và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).

 

Với tính chất của Gió và Lửa, Chúa Thánh Thần đã thánh hóa, biến đổi hoàn toàn các Tông đồ từ những con người nhút nhát, thiếu tự tin, ít học, bất toàn, yếu đuối trở nên những con người tự tin, can đảm, khôn ngoan, quyền năng, làm phép lạ và nói các tiếng lạ để đi đến khắp nơi, khắp các dân tộc thực hiện sứ mạng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), “anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).

 

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là cơ hội thuận tiện để chúng ta tự vấn chính mình về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Mặc dầu Chúa Thánh Thần được cầu khấn trước khi chúng ta bắt đầu làm công việc gì đó, nhưng dường như chỉ là thói quen máy móc và ý thức về sự hiện diện của Ngài có lẽ mờ nhạt trong lòng chúng ta. Vì sao như vậy? Chính vì chúng ta chưa chịu lắng nghe, vâng theo sự chỉ dạy và hướng dẫn của Ngài. Vậy làm sao để Chúa Thánh Thần có một chỗ đứng quan trọng trong cuộc đời chúng ta? Thánh Phaolô nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau,nhưng chỉ có một Thần Khí” (1 Cr 12,4). Như vậy, mỗi thành phần trong Giáo hội là những chi thể của Đức Kitô đều có những vai trò khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu như nhau là xây dựng thân thể Hội thánh, thân thể Đức Kitô. Chúa Giêsu đã cử Chúa Thánh Thần xuống cư ngụ trong mỗi người chúng ta. Ngài là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi nhưng không làm thay cho chúng ta, mà Ngài cần chúng ta cộng tác bằng cách từ bỏ ý riêng, tự nguyện dấn thân hoàn toàn.

 

Thánh Ambrosio nói: “Hãy nhớ, bạn đã lãnh nhận ấn tín thiêng liêng của Chúa Thánh Thần là thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, thần trí dạy cho biết kính sợ Thiên Chúa. Hãy gìn giữ những gì bạn đã lãnh nhận. Chúa Cha đã ghi ấn tín của Người nơi bạn. Chúa Kitô đã tăng sức cho bạn và đặt trong bạn bảo chứng của Chúa Thánh Thần”.

 

Lạy Chúa, Chúa đã đến ném lửa xuống thế gian và mong ước lửa đó bùng lên. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần ngự xuống để đốt lửa kính mến trong lòng chúng con và đổi mới bộ mặt trái đất này. Amen.

 



Thiết kế Web : Châu Á