LỜI CHÚA

Suy niệm Tin mừng CN VII TN, A: LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Qua hai lời mời gọi nên thánh trong sách Lêvi và trong Tin Mừng chúng ta nhận thấy, nên thánh là ơn gọi phổ quát của dân thánh chứ không phải thuộc về một nhóm người nào. Thiên Chúa không kêu gọi chi tộc Lêvi hay một chi tộc nào khác phải nên thánh nhưng là toàn dân. Đức Giêsu cũng không mời gọi những môn đệ thân tín hay các Tông đồ nên thánh mà thôi nhưng là tất cả những ai là môn đệ của Người.

 

 

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

(Lv 19,1-2.17-18; 1 Cr 3,16-23; Mt 5,38-48)

 

 

Đức Thiện

 

Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có lần nói: “Thành công nhất của đời người là nên thánh”. Nên thánh là ơn gọi mà mỗi người Kitô hữu phải hoàn thành và mục đích cuối cùng cần đạt đến. Như thế, nên thánh là một bổn phận mà người Kitô hữu phải chu toàn. Đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn và kêu gọi con người thực hiện. Bài đọc một và bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta nhận thấy điều đó.

 

Ơn gọi nên thánh

 

Trong bài đọc một theo sách Lêvi, Thiên Chúa muốn dân phải trở nên thánh thiện: “Đức Chúa phán với ông Môsê rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.”

 

Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ phải thánh thiện như Thiên Chúa – Cha trên trời – là Đấng thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

 

Qua hai lời mời gọi nên thánh trong sách Lêvi và trong Tin Mừng chúng ta nhận thấy, nên thánh là ơn gọi phổ quát của dân thánh chứ không phải thuộc về một nhóm người nào. Thiên Chúa không kêu gọi chi tộc Lêvi hay một chi tộc nào khác phải nên thánh nhưng là toàn dân. Đức Giêsu cũng không mời gọi những môn đệ thân tín hay các Tông đồ nên thánh mà thôi nhưng là tất cả những ai là môn đệ của Người. Đây là điều rất rõ ràng nhưng ngày nay ít người nhận ra hoặc không muốn hiểu như thế. Không biết từ lúc nào trong Giáo hội, các Kitô hữu nghĩ rằng nên thánh là ơn gọi chỉ dành cho một số người được tuyển chọn như các vị giáo sĩ và tu sĩ, còn người Kitô hữu giáo dân thì không đươc mời gọi hay không buộc phải nên thánh. Hẳn đây là cách suy nghĩ không chính xác. Công đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân đã tái khẳng định lại điều này: “Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất…Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái” (LG 40).

 

Như thế, ơn gọi nên thánh là ơn gọi dành cho tất cả mọi người và từng người. Mỗi người tùy theo bậc sống và ơn gọi riêng của mình mà đạt được hoa trái của sự thánh thiện như Chúa muốn. Đó có thể là giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, những người sống trong bậc vợ chồng và làm cha mẹ hay những quả phụ, những người sống độc thân. Nên thánh cũng không phân biệt hoàn cảnh sống nào, dù cho đang hạnh phúc, bình thường hay gặp đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền đau yếu hay những thử thách khác. Nhờ đó, qua những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn... (x. LG 41).

 

Con đường nên thánh 

 

Trong bài đọc 1 cũng như trong bài Tin mừng, lời mọi gọi nên thánh đi kèm với những điều cần phải làm để nên thánh thiện như Thiên Chúa, nói cách khác đó là tiêu chuẩn để có thể gọi là thánh: Đức ái.

 

Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,17-18).

 

“Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi…hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,39- 42. 44-45).

 

Có lẽ chúng ta cũng tự hỏi làm sao chúng ta có thể sống thánh thiện như Thiên Chúa Cha được? Thiên Chúa là Đấng toàn thiện còn chúng ta là con người có giới hạn nên chúng ta được mời gọi nên thánh trong khả năng của mình mà thôi. Và điều làm cho chúng ta thánh thiện giống Thiên Chúa là yêu thương hết mọi người dù đó là người thân cận hay kẻ thù nghịch.

 

Trong cuộc sống thường ngày, không để lòng thù ghét người anh em hay làm điều tốt đẹp cho mọi người dường như là một điều quá tốt đẹp rồi. Dẫu vậy, Thiên Chúa còn muốn chúng ta làm được nhiều hơn thế, phải yêu người khác như chính mình, hay xa hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù và chúc phúc cho người ngược đãi mình. Đó quả là một điều quá “xa xỉ”, nếu không muốn nói là bất khả với bản tính con người. Tuy nhiên, chính Đức Giêsu đã nêu gương mẫu cho chúng ta về điều này. Khi chịu đóng đinh vào thập giá, Người đã không trách những người lý hình nhưng đã cầu xin và bào chữa cho họ với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Trong Giáo hội cũng có rất nhiều mẫu gương sáng ngời về đức ái để chúng học đòi bắt chước và áp dụng trong đời sống của mình như thánh Kolbe, Mẹ Teresa Calcutta...

 

Như thế, sống thánh là sống đức ái, đi trên con đường yêu thương là đi trên con đường hoàn thiện. Đạt đến sự thánh thiện là đạt đến đỉnh cao của đức ái trọn hảo trong bậc sống của mình. Dẫu vậy, bài học yêu thương luôn là một bài học khó thuộc và lời mời gọi sống yêu thương như Chúa muốn luôn là lời mọi gọi đầy thách đố cho người Kitô hữu. Xin Chúa giúp đỡ mỗi người chúng ta trong việc sống đức ái để nên hoàn thiện như Chúa muốn. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á