LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN IV MV, B: FIAT - LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MARIA

Với lời “Fiat” của Đức Maria, Mẹ đã để cho Thiên Chúa bước vào cuộc đời của Mẹ, biến đổi hoàn toàn suy nghĩ, hành động và cả cuộc đời Mẹ. Qua lời xin vâng của Đức Maria, Thiên Chúa đã biến đổi hoàn toàn thế giới. Dẫu rằng, Đức Maria, có một ý muốn rất tốt lành là sống cuộc đời trinh khiết, nhưng Thiên Chúa đã muốn Mẹ đính hôn với Giuse, để qua cuộc đính hôn này, Thiên Chúa trao gửi Con của Ngài vào cung lòng của Mẹ để ý định của Thiện Chúa được hiện thực.

 

 

FIAT - LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MARIA

(Lc 1,26-38)

 

Hữu Quỳnh

 

Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta nghe lại câu chuyện sứ thần Gabriel được sai đến truyền tin cho Đức Maria: Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Đây là một lời chào rất kỳ diệu giữa sứ thần của Thiên Chúa được sai đến với con người. Lời chào đầy bất ngờ của sứ thần Thiên Chúa mang đến cho nhân loại niềm hy vọng trong sự chờ đợi Đấng Mesia sẽ đến. Lời chào đó mang ý nghĩa giao thoa giữa Cựu và Tân Ước, và là điểm nối kết giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người, giữa lời hứa với hiện thực, giữa ân sủng và tội lỗi. Quả thật là một điều kỳ diệu, kỳ diệu bởi không phải là câu chuyện do con người tạo ra trong trí tưởng tượng, nhưng là câu chuyện được thực hiện bởi chính Thiên Chúa và sự cộng tác của con người xảy ra trong không gian và thời gian. Điều kỳ diệu bởi tình yêu nhưng không của Thiên Chúa - Đấng “Emmanuel” đến ở với con người.

 

Thoạt nghe lời sứ thần chào bất ngờ, Đức Maria mang trong mình tâm trạng bối rối, bàng hoàng và hơi chút hoảng sợ, không hiểu lời chào như vậy có ý nghĩa gì. Đặc biệt khi sứ thần ngỏ ý: “Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.  Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người.  Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận” (Lc 1,31-33). Đức Maria lại càng thêm kinh hoàng, xao xuyến, vì Mẹ đã đoan hứa sống cuộc đời thanh tịnh dù đã đính hôn với thánh Giuse. Đức Maria thắc mắc: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!(Lc 1,34). Thế nhưng khi nghe lời trấn an của sứ thần Gabriel, Đức Maria đã biết, đã hiểu, và Mẹ đáp trả bằng lời “Fiat”, tức là xin vâng. Lời xin vâng của Mẹ mang ý nghĩa gì trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa?

 

Lời “Fiat” của đức Maria là một lời xin vâng tự do, mang tính chủ động. Mẹ không xin vâng một cách tối mặt, nhưng lời “Fiat” của Mẹ là để Thiên Chúa thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi thưa “xin vâng”, lời thưa của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại. Thánh Bernarđô đã kêu lên: “Ôi lạy Mẹ, Mẹ là đấng cứu chuộc chúng con. Vì khi Mẹ thưa xin vâng, lập tức chúng con được giải thoát. Toàn thể địa cầu trông đợi lời xin vâng của Mẹ. Lời ấy sinh ra Ngôi Lời Hằng Hữu. Thiên Chúa muốn nghe Mẹ tự do trả lời, Mẹ “đầy ân sủng”, khi Mẹ thưa: Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền!” (Lc 1,38).  Từ ấy Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công trình của Con Mẹ, hôm nay vai trò Trung Gian của Mẹ khởi đầu. Kể từ đó Mẹ trở nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô (Gl 3,28). Lời “Fiat” của Mẹ mang đến cho nhân loại niềm vui cứu độ, Thiên Chúa khước từ ngai vàng Thiên Chúa để xuống thế làm người và ở với con người.

 

Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy có ba lời “Fiat” ở ba thời kỳ khác nhau, nhưng cùng chung đích điểm thực hiện hoá lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Tiếng thứ nhất được phán ra khi Chúa sáng tạo: “Fiat lux” - hãy có ánh sáng (St 1,3)[1]. Tiếng thứ hai do Đức Mẹ đáp lại qua sứ thần Gabriel truyền tin, nói lên sự đón nhận hoàn toàn điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ cho công cuộc cứu độ của Ngài: “Fiat mihi secumdum verbum tuum” - Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Tiếng thứ ba được phát ra từ chính Đức Giêsu trên thập giá: “Fiat voluntas tua” - “Xin vâng ý Cha” (Mt 26,42). Hẳn thât, đó là một trong những tiếng “Fiat” trọng đại trong lịch sử cứu độ. Đặc biệt lời “Fiat” của Đức Maria đã ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Thánh Augustinô viết như sau: “Ngài đã chọn một người Mẹ mà Ngài đã tạo dựng, Ngài đã tạo dựng người Mẹ mà Ngài đã chọn” (x. Bài giảng 69, 3, 4). Thật là cơ hội để chúng ta nhìn vào Nazareth, hầu cảm nhận được sự hiện diện của một trinh nữ mà muôn đời khen là có phúc (x. Lc 1,48). Đây là tiếng “Fiat” của một người đã sẵn sàng dấn thân, một người sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đặt cược tất cả những gì mình có, mà không có gì chắc chắn hơn ngoài việc biết rằng mình nhận một lời hứa, lời hứa từ Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” với lòng yêu mến cao vời và sự khiêm hạ tột cùng của Mẹ không những đã hứng lấy tràn trề sự sống mà còn chứa đựng chính Đấng ban sự sống. Mẹ đã trở nên dòng suối đầu nguồn của sự sống nhiệm mầu cho tất cả sinh linh. Ôi, diệu kỳ thay, chỉ có hai tiếng “Fiat” nơi một con người tầm thường để Chúa làm nên điều phi thường. Mẹ đã góp phần vào ơn cứu độ thế giới, không phải qua việc hoàn thành công trình của mình, nhưng là dâng hiến bản thân mình, sẵn sàng phục vụ cho sáng kiến của Thiên Chúa. Ca ngợi Mẹ Maria chính là để ca ngợi lòng ưu ái nhân hậu vô biên của Thiên Chúa trên đời sống của Mẹ[2].

 

Với lời “Fiat” của Đức Maria, Mẹ đã để cho Thiên Chúa bước vào cuộc đời của Mẹ, biến đổi hoàn toàn suy nghĩ, hành động và cả cuộc đời Mẹ. Qua lời xin vâng của Đức Maria, Thiên Chúa đã biến đổi hoàn toàn thế giới. Dẫu rằng, Đức Maria, có một ý muốn rất tốt lành là sống cuộc đời trinh khiết, nhưng Thiên Chúa đã muốn Mẹ đính hôn với Giuse, để qua cuộc đính hôn này, Thiên Chúa trao gửi Con của Ngài vào cung lòng của Mẹ để ý định của Thiện Chúa được hiện thực. Là Kitô hữu, chúng ta hãy thưa “xin vâng” như Mẹ với Chúa trước những bổn phận và trách nhiệm của mình bằng cả con tim và lý trí, cụ thể đó là yêu thương chăm sóc những người đau yếu, nghèo khổ, người già cô thân, cô thế... Họ là hiện thân của Chúa Kitô: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,35-36). Bởi vậy, trong Tông thư gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Tôi yêu cầu tất cả mọi thành phần của Giáo hội: ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời. Cả một nhân loại đang chờ đợi: những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh.. ... Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩn trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi trao ban sự sống, tìm thấy hy vọng khi trao ban hy vọng, tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương” (Phần II, số 4).

 

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa gửi cho ta một sứ điệp đó là lời “Fiat”, lời “Fiat” là thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rằng: “Đức Maria là câu trả lời mà Thiên Chúa ban trong mầu nhiệm nhập thể làm người; đó cũng là câu hỏi mà con người tự đặt ra về Thiên Chúa và về chính mình”. Mẹ là tấm gương cho chúng ta về việc lắng nghe, suy gẫm lời Chúa và là niềm hy vọng cho những ai chờ mong Chúa đến. Lời “Fiat” của Mẹ được Thiên Chúa  đến ở “trong” và ở “cùng” chúng ta. Khi lắng nghe Lời Chúa, Mẹ đã cho chúng ta thấy chiều kích quan trọng của thiên chức làm mẹ qua việc thực ý muốn của Thiên Chúa là lắng nghe và thi hành: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,49-50). Là Kitô hữu, là đan sĩ chính là trở nên một người ngày đêm hướng lòng mình lắng nghe tiếng Chúa và thực thi ý Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ giúp đỡ chúng ta có được cung cách thái độ lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa, ngõ hầu chúng ta luôn sẵn sàng và sẵn lòng mang Đức Kitô đến cho đời như Mẹ đã đáp lời “fiat” để Chúa ngự vào. Amen.

 

 

 _______________________________

 

 

[1] St 1,3: „Dixitque Deus fiat lux et facta est lux“

[2] http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/47NhungDieuKyDieuNoiMaria2.htm

 

 

Thiết kế Web : Châu Á