LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN IV Mùa Vọng, A: Người công chính trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa

Đời sống công chính của thánh Giuse mà Tin Mừng nói đến, là một minh hoạ thực tiễn cho thấy khi con người quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Thánh nhân là người sống công chính với việc: tuân giữ Luật Chúa, sống lề Luật và thi hành ý Chúa.

 

 

 

NGƯỜI CÔNG CHÍNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

(Mt 1,18-24)

 

M. Giuse Tuấn

 

Hôm nay, Chúa Nhật IV Mùa Vọng, báo hiệu lễ Noel lại về, biết bao niềm vui đã đến với mọi người và mọi nhà. Noel, một từ cổ của tiếng pháp có nguồn gốc Latin (natalis) có nghĩa là “sinh ra”. Từ này nói đến ngày giáng sinh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Đây là biến cố trung tâm của lịch sử Cứu độ và của toàn bộ lịch sử thế giới.

 

Cùng với biến cố trung tâm của lịch sử Cứu độ ấy, Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta sống công chính để chờ đợi ngày giáng sinh của Ngôi Lời Nhập Thể. Tin Mừng nêu lên mẫu gương sống công chính của thánh Giuse, để cho thấy vị trí của thánh Giuse trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh nhân được chọn làm cha của Chúa Giêsu theo luật pháp, là cha của Con Một Thiên Chúa, đã nhập thể trong cung lòng Trinh nữ Maria nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tại sao thánh Giuse lại được chọn để cộng tác cách đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? Thưa, vì thánh Giuse là người công chính. Theo thánh Matthêu: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).

 

Theo lẽ thường, người sống công chính là người sống đạo đức, tức là sống trong tình yêu thương và sống theo công lý của Chúa, để làm vui lòng Chúa và tin vào Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, cũng có nhân vật tên là Giuse (con của tổ phụ Giacóp), cũng được mệnh danh là “người sống công chính” khi từ chối thoả mãn xác thịt với bà vợ của một vị quan trong triều đình, và chấp nhận án oan rồi bị tống giam; rồi sau khi giải mộng cho vua Pharaô, Giuse được cất nhắc lên chức tể tướng và quản lý lương thực của Aicập. Trong Tân Ước, khi gọi thánh Giuse là người công chính, có nghĩa là người đã giữ đức công bình và trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha. Như vậy, danh hiệu “người công chính” gán cho ông Giuse thời Cựu Ước, thì nay được thánh Mátthêu gán cho thánh Giuse.

 

Tuy nhiên, trong sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay tường thuật, câu “Giuse là người công chính” (Mt 1,19) nên hiểu ra sao? Chúng ta thấy, Kinh Thánh nói: “Giuse là người sống công chính”. Bàn về vấn đề này, các nhà Thánh Kinh đưa ra ít là vài cách giải thích về sự công chính của thánh Giuse trong bản văn của thánh Matthêu: thứ nhất, ông Giuse không biết cái thai trong lòng cô Maria là do từ đâu, vì là người công chính, nên ông không nhận đứa con ấy là của mình. Và do đó ông bỏ đi. Ông giữ đúng lề luật, lìa bỏ Maria cách âm thầm, không tố cáo. Thứ hai, khi ông biết cái thai ấy do từ Thiên Chúa, vì tôn trọng sự cao cả của công trình thần linh, thấy mình không xứng đáng, ông âm thầm bỏ đi. Ông là người công chính khi biết tôn trọng kế hoạch thần linh. Do đó, thánh Giuse không chỉ là người công chính trong biến cố truyền tin nhưng là công chính trong suốt cuộc đời của ngài (x. Lm Giuse Cao Minh Triết và các Tác Giả, Tâm Tình Dâng Cha, Nxb Đồng Nai, tr. 26-27).

 

Thật vậy, Giuse được gán cho hạn từ ‘người công chính’ chỉ vì luôn hành xử theo đúng luật pháp Môsê cách đường đường chính chính. Nói như Linh Mục Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB: “Thánh Giuse không muốn và cũng không thể chấp nhận bất kỳ lối sống nào không công minh chính đại. Dầu có kính nể Maria tới mấy, việc vợ ông đã thành hôn nhưng chưa về nhà chồng chung sống lại mang thai là không thể chấp nhận được… Luật pháp đã tiên liệu cho các ông chồng rơi vào hoàn cảnh này, hoặc tố giác hoặc đơn giản bỏ phế cuộc hôn nhân… và để cho xã hội hành xử theo đúng qui định đối với trường hợp ngoại tình. Lời sứ thần Chúa đòi ông phải hành xử như một người cha thực thụ: “đón Maria vợ ông về nhà.., ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu”, tức là đòi ông không còn ‘công chính’ theo đòi hỏi của luật pháp nữa”. Đây là một đòi hỏi quá lớn đối với một người ‘công chính’ như ông. Giuse phải quyết định: giữa một bên là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đang được khai mở ‘vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’ và bên kia là sự công chính theo luật pháp của bản thân ông. Tuy nhiên, ông đã bỏ ý riêng mình để chấp nhận cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

Hơn nữa, sự công chính của thánh Giuse không thể hiểu đơn giản là sự công chính theo lề Luật nhưng là sự công chính tôn giáo. Thánh nhân là người công chính, vì tôn trọng sự công chính của Thiên Chúa nơi Đức Maria, ngài thấy mình không có quyền lấy người mà Thiên Chúa đã dành riêng. Ngài không tiết lộ mầu nhiệm thần linh nơi Đức Maria. Trước sự việc, thánh Giuse phản ứng như bao người công chính khác trong Kinh Thánh: Môsê cởi giày trước bụi gai bốc cháy, Phêrô sợ hãi trước mẻ cá lạ phải thốt lên: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là người tội lỗi”. Hay như Isaia khiếp đảm trước sự xuất hiện của vị Thiên Chúa ba lần Thánh, như Êlisabét tự hỏi tại sao mình được mẹ Chúa viếng thăm[1]… Thánh Giuse là người công chính, âm thầm từ chối coi mình là cha đứa trẻ mà ngài biết là con Thiên Chúa, vì sợ mang tiếng là người chiếm đoạt vai trò Chúa ủy thác. Tuy nhiên, ngài không từ chối ý định của Thiên Chúa mời gọi ngài tham gia vào chương trình cứu độ. Sự công chính của thánh Giuse là tôn trọng và nghe theo Chúa, đón nhận Chúa Giêsu.

 

Tóm lại, đời sống công chính của thánh Giuse mà Tin Mừng nói đến, là một minh hoạ thực tiễn cho thấy khi con người quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Thánh nhân là người sống công chính với việc: tuân giữ Luật Chúa, sống lề Luật và thi hành ý Chúa. Người sống công chính sẽ được Thiên Chúa chúc phúc, được ở lại trong sự quan phòng của Thiên Chúa trên mọi nẻo đường cuộc đời. Nói một cách thực tiễn đây là một câu chuyện tình chàng thanh niên Giuse đầy thử thách, bí ẩn và phiêu lưu, nhưng khi thánh Giuse được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ, ông không chối từ, dù ban đầu có chút ngại ngùng vì chưa thông hiểu, nhưng khi nghe những lời chia sẻ của sứ thần, ông đã mạnh dạn thưa xin vâng: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24).

 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống công chính như thánh Giuse. Vì thánh Giuse là người sống công chính, sống tuân giữ luật Chúa, và thi hành Luật Chúa theo thánh ý của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài. Sống công chính như thánh Giuse có nghĩa là chúng ta cũng phải biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa đến trong cuộc đời của mình. Chúa đang ở bên ta, hiện diện với chúng ta, điều quan trọng là mỗi người chúng ta có nhận ra Chúa và đón nhận Ngài hay không? Chúng ta hãy noi gương và chiêm ngưỡng tấm gương thánh Giuse, vì thánh nhân là người sống công chính trước mặt Thiên Chúa, một người gia trưởng mẫu mực và là một con người của niềm tin luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa và để thực thi Lời của Ngài.

 

Lạy Chúa là Đấng cứu độ chúng con, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết noi gương thánh cả Giuse, sống công chính thánh thiện trước mặt Chúa, biết tận tuỵ phục vụ mỗi người. Xin cho chúng con những lúc gặp khó khăn thử thách, nguy khốn trong cuộc sống cũng biết chạy đến cùng thánh Giuse, để được ngài hướng dẫn phù trợ để chúng con có thể trở nên người công chính, sống công chính trong cuộc sống hằng ngày. Amen. 

 

 

__________________________

 

[1] F.X Vũ Phan Long OFM, Các bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng vụ, Nxb Tôn Giáo Hà Nội – 2007, tr. 23.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á