LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN III TN, B: SỨ VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

Đức Giêsu đã không chọn những người thông thái làm môn đệ của Ngài để loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội thánh nhưng chọn những người ngư phủ ít học, lại làm nghề chài lưới và giao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho họ.

 

 

SỨ VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

(Mc 1,14-20)

 

M. Duy Khang

 

Khi thi hành sứ vụ công khai để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu bắt đầu tuyển chọn các môn đệ, để các ông thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu và để xây dựng Hội thánh qua việc loan báo Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân. Đây là một sứ vụ đặc biệt và quan trọng nhưng đầy thử thách khi thi hành sứ vụ. Sứ mệnh loan báo Tin Mừng Nước Trời thật khẩn thiết qua lời mời gọi của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chính sự kiện “ông Gioan Tẩy Giả bị nộp”, nói lên thời gian đã mãn, có nghĩa vừa “đã đến”, lại cũng vừa “sắp đến”, tức chỉ cả quá khứ và tương lai. “Triều Đại Thiên Chúa” đã đến gần, có nghĩa là chính Thiên Chúa là Chúa tể vũ hoàn, Đấng làm chủ thời gian và không gian, từ khởi thủy cho đến tận thế.

 

Triều Đại Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa đã gần đến vì Chúa Giêsu đã đến trong trần gian. Nước Thiên Chúa gần đến vì nước đó cần có thời gian để phát triển, để hướng tới sự viên mãn trong ngày tận thế, nghĩa là ngày Chúa Giêsu đến lần thứ hai trong vinh quang để kết thúc mọi sự. Có ba sự hành động nơi Đức Giêsu: hành động sám hối là hành vi đầu tiên ta phải có, đó là cuộc trở về với Chúa, trở về với anh anh em và trở về với chính ta. Hành động tin vào Tin Mừng vì Tin Mừng là giáo huấn khuôn vàng thước ngọc, không những là giáo huấn mà nó còn cho chúng ta một sức mạnh để biến đổi và sám hối, tức là trở về với Chúa. Hành động Tin có nghĩa dành hết ý chí, nghị lực cho việc sống và thực thi Tin Mừng trong Giáo hội.

 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô đã đề cập đến các sự kiện: Gioan Tẩy Giả bị bắt và các môn đệ đầu tiên: Phêrô và Anrê; Giacôbê và Gioan được kêu gọi làm môn đệ tại Biển hồ Galilê. Đó là bốn môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu cũng là bối cảnh của Bài Tin Mừng hôm nay nói lên: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại” (Ga 15,16). Các môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi để trở thành kẻ lưới người như lưới cá. Khi Đức Giêsu gọi các môn đệ thì các muôn đệ vẫn trong tư thế làm việc, chỉ có điều chuyển từ chài lưới cá thành chài lưới người. Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Khi nghe lời mời gọi hãy theo Ta”, các môn đệ lập tức bỏ mọi sự đàng sau mà theo Đức Giêsu. Các môn đệ đã trở thành những nhà truyền giáo tuyệt vời. Không phải các ngài học cao hiểu rộng, không phải có bằng cấp này bằng cấp kia nhưng bằng chính cuộc đời dấn thân triệt để, bằng chính cuộc đời biến đổi đời mình để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân.

 

Đức Giêsu đã không chọn những người thông thái làm môn đệ của Ngài để loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội thánh nhưng chọn những người ngư phủ ít học, lại làm nghề chài lưới và giao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho họ. Chúng ta nhìn vào các môn đệ đầu tiên, chúng ta thấy các môn đệ chỉ là những người bình thường, không thuộc hàng quí tộc, không có học thức cũng chẳng giàu có. Các môn đệ chỉ là ngư phủ, nghĩa là những con người tầm thường, bình dị.

 

Tại sao Đức Giêsu lại chọn các ngư phủ làm môn đệ đầu tiên? Phải chăng, các môn đệ là những người ngư phủ dày dặn sương gió, sống giản dị và chất phác. Họ có thể chịu đựng được mọi sự khắc nghiệt oi bức của những buổi nắng trưa hè hay chịu được những phong ba bão táp trong cuộc đời? Họ không sợ khó khăn giăng mắc, không sợ mọi nghịch cảnh xẩy đến? Vì các ông, dù cuộc sống khó khăn nhưng vẫn một lòng trung tín với Chúa, không đắn đo và mau mắn đáp trả tiếng Chúa mời gọi và đón nhận sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các môn đệ sẵn sàng từ bỏ tất cả khi được Chúa. Các ông bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ sự nghiệp đã từng gắn bó bao nhiêu năm… Các môn đệ từ bỏ những gì là vật chất, nghề nghiệp còn dễ hiểu nhưng bỏ cha mẹ già thật không dễ chút nào! Dù khó khăn vướng mắc trong việc thảo kính cha mẹ nhưng không vì thế mà làm các ông chùn bước. Các môn đệ dấn thân cho sứ vụ, một lòng xác tín và tin tưởng vào Chúa quang phòng để bỏ lại tất cả sau lưng và tiến tới ơn gọi của mình, vì họ tin tưởng rằng ơn của Thầy đủ cho con”. Được đầy tràn ân sủng, các môn đệ ra đi và loan báo Tin Mừng: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết”, và các môn đệ xác tín điều đó và tin vào Thiên Chúa.

 

Thật vậy, ơn gọi làm tông đồ luôn cần thiết và cấp bách, bởi vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Thế nên, ơn gọi của người môn đệ được Chúa mời gọi nói riêng và các tín hữu nói chung cần phải luôn sống trong tâm tình “các con hãy xin Chủ ruộng ban thêm nhiều thợ gặt ra gặt lúa về”. Lời mời gọi của Đức Giêsu thật cấp bách vì thời gian có sức biến đổi con người trở nên tốt hay xấu hơn. Nếu biết dùng thời gian mà nắm lấy cơ hội, con người sẽ đạt được kết quả như mong muốn, còn không sẽ nhận lãnh hậu quả xấu cho sứ vụ người môn đệ. Đây là một ơn gọi cao quý bắt nguồn từ Thiên Chúa qua lời mời gọi của Đức Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Chính từ ơn gọi được sai đi ấy, người môn đệ phải khôn ngoan, điềm đạm, biết thích nghi được với mọi môi trường khắc nghiệt khi loan báo Tin Mừng. Biết vận dụng khối óc và con tim cũng như hấp thụ được những tinh hoa Lời Chúa nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, người môn đệ phải có một đời sống đạo đức, có kiến thức và nhất là có ân sủng của Đức Giêsu vượt ra những vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng Nước Trời, hầu Giáo hội được hình thành và lớn lên. Như lời Đức Giêsu mời gọi: “Các con hãy làm chứng cho Thầy trên cùng cõi đất”(Cv 1,8).

 

Hơn nữa:“Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,37-39). Các môn đệ đi rao giảng, “kêu gọi mọi người ăn năn sám hối”. Chính vì vậy, người môn đệ của Đức Giêsu luôn phải sống thanh thản, bình an, siêu thoát, tự do và sống nghèo, luôn tin tưởng vào Chúa quang phòng. Đẹp thay những bước chân của sứ giả loan báo Tin Mừng, sẵn sàng giũ bụi chân để ra đi và không nương tựa vào một sức mạnh nào khác hơn là chính Chúa:“Con chồn có hang, con chim có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Đặc tính hàng đầu của người môn đệ chính là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa, đến nỗi, hành trang của người môn đệ chỉ là chiếc áo đang mặc, cây gậy và đôi dép đi đường mà thôi. Tất cả nói lên tinh thần phó thác triệt để cho tình yêu quan phòng của Chúa và cậy dựa vào lòng tốt của tha nhân: không dính bén, không phụ thuộc…sẵn sàng và sẵn sàng lên đường. Chính vì vậy, người môn đệ Đức Giêsu là người luôn phải bám chặt vào Chúa và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho Nước Trời và không bao giờ thỏa hiệp và nhân nhượng trước bất cứ một sự dữ nào.

 

Ơn gọi của các môn đệ nói riêng và ơn gọi của người Kitô hữu nói chung luôn được Thiên Chúa mời gọi và phát xuất từ Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi và bảo vệ. Không phải chúng ta chọn Thiên Chúa mà là Thiên Chúa chọn chúng ta, để thấy rằng ơn gọi chúng ta là hồng ân Thiên Chúa ban chứ không tự sức chúng ta mà có. Như ơn gọi của các môn đệ xưa, không phải là những người tài ba xuất chúng hay những người có quyền cao chức trọng. Điều này khích lệ mỗi người chúng ta mạnh dạn đáp trả lời mời gọi là môn đệ cho Nước Trời trong xã hội hôm nay. Dẫu biết rằng chúng ta là những con người bé nhỏ bất toàn, bất xứng hơn những gì bất xứng. Dù vậy Chúa vẫn chọn gọi chúng ta nên chúng ta hãy xác tín rằng: Chúa chọn chúng ta làm môn đệ của Chúa, chỉ vậy thôi. Chúng ta cùng các môn đệ xác tín sứ vụ của mình như lời thánh Phaolo nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16) vàdù phải chết với Thầy, tôi sẽ không bao giờ chối bỏ Thầy” (Mt 26,35).

 

Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa đã thương chọn gọi chúng con làm người loan báo Lời Chúa trong thế giới hôm nay.



 

Thiết kế Web : Châu Á