LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN III TN, B: MỜI GỌI SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

Thánh Marcô cho biết công việc của Đức Giêsu chuẩn bị cho sứ vụ của Ngài là mời gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng. Đó cũng là chủ đề chính nổi bật trong bài giảng của Ngài. Để đón nhận nước Thiên Chúa và nhận biết Đức Giêsu, chúng ta cần phải sám hối. Đó là bước đầu tiên phải có để đón nhận Tin Mừng. Bởi vì, sám hối chính là thái độ từ bỏ lối sống cũ, mà trở về với con người mới.

 

 

MỜI GỌI SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

(Mc 1,14-20)

 

M. Ambrosio Vũ

 

Có thể nói được rằng, Đức Giêsu tiếp tục sứ vụ của Gioan Tiền hô bằng việc rao giảng Tin Mừng. Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Ngài bắt đầu làm một nhiệm vụ duy nhất và cao cả nhất, đó là sứ vụ đi loan báo Tin Mừng. Hôm nay tại miền Galilê, Ngài không ngừng kêu gọi và rao giảng cho mọi người Tin Mừng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Thời kỳ đã mãn nghĩa là thời kỳ của Cựu ước, thời gian chuẩn bị cho Đấng cứu thế đã chấm chứt và bây giờ bước sang thời kỳ của Tân ước, thời kỳ của Đấng cứu thế, tức là Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài. Chính Ngài đi rao giảng chứ không phải các ngôn sứ hay những tiên tri nào rao giảng nữa.

 

Trước tiên, thánh sử Marcô cho biết công việc của Đức Giêsu chuẩn bị cho sứ vụ của Ngài là mời gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng. Đó cũng là chủ đề chính nổi bật trong bài giảng của Ngài. Để đón nhận nước Thiên Chúa và nhận biết Đức Giêsu, chúng ta cần phải sám hối. Đó là bước đầu tiên phải có để đón nhận Tin Mừng. Bởi vì, sám hối chính là thái độ từ bỏ lối sống cũ, mà trở về với con người mới. Nghĩa là trước hết chúng ta phải trở thành con người mới, có một cái nhìn mới, và một tinh thần mới. Như vậy, chúng ta mới có thể đáp trả đòi hỏi của Tin Mừng. Sám hối chính là mở lòng ra đón nhận lời Chúa, là sự trở về. Bởi vì, chúng ta không thể đón nhận Tin Mừng với một con người cũ như ta đã sống.

 

Thứ đến, tin vào Tin Mừng là tin vào Đức Giêsu - Con Thiên Chúa, nghĩa là biết lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Đứng trước lời mời gọi của Đức Giêsu, chúng ta phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết, tránh xa những gì xấu xa tội lỗi đang trói buộc mình và những gì đi ngược lại với Tin Mừng đòi hỏi. Bởi vì, sứ điệp của Đức Giêsu là một lời cấp bách phải hoán cải để đón nhận trong đức tin, hoán cải bằng việc thay đổi não trạng, thói hư tật xấu, biến đổi cốt yếu nơi con người để trở về với Thiên Chúa. Chính sự hoán cải mới giúp chúng ta có khả năng tin vào Tin Mừng, đón nhận Tin Mừng và dấn thân phục vụ Tin Mừng. Đó là biến cố cứu độ hệ tại một thái độ duy nhất là đức tin. Vì Tin Mừng là quyền năng của Thiên Chúa để cứu thoát mọi kẻ tin (Rm 1,16).

 

Tiếp theo thánh sử Marcô cho biết, liền sau khi rao giảng những điều trên để chuẩn bị công cuộc loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Hai cặp anh em Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê, những người này được Đức Giêsu mời gọi bước đi theo Ngài, để ở với Ngài, lắng nghe và được sai đi trong sứ vụ của Ngài. Thánh sử Máccô nói, chính Đức Giêsu đi tìm và chọn các môn đệ, trong lúc các ông đang còn làm việc, đang quăng chài xuống biển vì kế mưu sinh thì được Đức Giêsu gọi mời: “Hãy theo ta”. Điều muốn nói ở đây là thái độ các môn đệ lập tức, sẵn sàng đáp lại tiếng kêu gọi đó một cách mau mắn, không chần chừ, không so đo tính toán hơn thiệt, không còn cân nhắc lợi nhuận nhiều hay ít. Giờ đây các môn đệ lập tức mau mắn đi theo, và cũng đồng nghĩa với việc vứt bỏ tất cả, đoạn tuyệt với cái nghề cũ, đoạn tuyệt với quá khứ. Đến nỗi hai anh em Giacôbê và Gioan bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ nghề nghiệp, bỏ luôn cả người cha già. Người cha đã sinh thành dưỡng dục, hy sinh cả đời nuôi con khôn lớn, chỉ mong sao khi về già được các con bên cạnh chăm sóc đáp đền công ơn sinh thành. Nay vì nước trời, tất cả phải hy sinh, nhưng chính Đức Giêsu chọn lựa một cách rất tự do những kẻ muốn theo Ngài (Mc 3,13). Đối với các môn đệ, trong thâm tâm các ông chỉ có Đức Giêsu là Thầy, các môn đệ không chỉ lãnh nhận lời dạy, mà còn chia sẻ sứ mạng với Đức Giêsu. Theo Đức Giêsu, các ông sẵn sàng từ bỏ tất cả (Mc 10,28), phải liều cả mạng sống (Mc 8,34). Bởi vì, dấn thân theo Đức Giêsu là một lời tuyên xưng đức tin rồi. Cho nên chúng ta mới thấm thía đòi hỏi của Đức Giêsu: “Ai yêu cha me hơn Thầy, thì không xứng với Thầy…. còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,37-39).

 

Tóm lại, sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Tuy nhiên không nhất thiết tất cả các vị thánh bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả phải ý thức về tội lỗi và sự mỏng giòn yếu đuối của mình. Vì càng ý thức tội lỗi bất toàn của mình thì chúng ta càng nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Bởi vì sám hối sửa soạn cho lòng tin. Sám hối nhìn về quá khứ để thấy đúng hay sai, tốt hay xấu và nhìn về tương lai để quyết tâm sống tốt hơn. Sám hối để trở nên khiêm tốn, nhỏ bé, đặt tất cả niềm tin vào hạnh phúc nước trời, vào ơn cứu độ Tin Mừng Đức Giêsu mang đến. Trong cuộc sống, chúng ta lãnh nhận biết bao nhiêu ơn huệ của Chúa. Thiên Chúa ban những ơn huệ đó một cách nhưng không. Ơn huệ Chúa ban những ơn huệ đó không phải vì chúng ta tài giỏi hay tự sức mình hoặc xứng đáng lãnh nhận mà là do bởi tình yêu và lòng thương xót của Chúa, vì chúng là con người bất toàn cần được xót thương. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á