LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN II TN, A: Đức Giêsu - Chiên Thiên Chúa

Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội.

 

 

 

ĐỨC GIÊSU KITÔ – CHIÊN THIÊN CHÚA

(Ga 1,29-34)

 

Tùng Linh

 

Mùa Giáng Sinh, trong ngày lễ Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình ra trong hình ảnh một Hài Nhi nằm trong máng cỏ cho các mục đồng và ba vị đạo sĩ Phương đông qua sự giới thiệu của các thiên thần và dưới sự hướng dẫn của ngôi sao lạ. Trong ngày lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một lần nữa Chúa lại tỏ mình ra trong sự giới thiệu của Chúa Cha: “Đây là Con Ta rất yêu dấu…”. Chúa Nhật II Thường Niên hôm nay, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu lại được Gioan Tẩy Giả giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Chiên Thiên Chúa là gì? Xóa tội trần gian như thế nào?

 

Trong bài đọc I, tiên tri Isaia phác họa hình ảnh Đấng Messia, như một người tôi tớ của Giavê. Người tôi tớ đó đã được Đức Chúa đặt làm ‘Ánh sáng muôn dân’ để đem ơn cứu độ đến tận cùng thế giới.

 

Bài đọc II hôm nay, thánh Phaolô nhắc nhở Kitô hữu giáo đoàn Côrintô qua bức thư thứ nhất của ngài về ơn gọi và vai trò cao quí của họ là: “Những người được thánh hiến trong Chúa Giêsu Kitô và được kêu gọi là một dân thánh” [1].

 

Phúc Âm Thánh Gioan của Chúa Nhật II Mùa Thường Niên Năm A hôm nay cho thấy Gioan Tiền Hô, tiêu biểu cho các tiên tri thời Cựu Ước, đã xác nhận Chúa Giêsu “là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Ngài chỉ vào Chúa Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.

 

Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.

 

Thời Cựu Ước, trong ngày lễ Ðền tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị tư tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó tư tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội (x. Lv 1,4).

 

Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.

 

Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.

 

Khi Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Ngài cũng gợi nhắc về hình ảnh con chiên bị sát tế rất hiền lành và khiêm tốn, một con chiên bị đem đi xén lông mà không kêu ca mở miệng. Đức Giêsu đến như một người tôi trung của Đức Chúa. Chúng ta nhớ lại một vài câu của Is 53 nói về nhân vật huyền bí này: Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (x. Is 53,6-7.12).

 

Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc[2]. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp[3].

 

Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống[4].

 

Thánh Phaolô đã nói về con chiên cứu độ đó chính là Đức Giêsu như sau: “Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng Đại lễ” (1Cr 5,7-8).

 

Đức Giêsu sẽ thay mọi người gánh lấy tội lỗi và các hậu quả của tội lỗi. Người im lặng, không hề phản kháng, Người mang trên mình tất cả những đau khổ và hiến dâng chính mạng sống mình.

 

Người chính là Chiên Thiên Chúa đến để xóa bỏ tội trần gian và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta nhờ cái chết và phục sinh của Người. Bởi thế, thánh Phêrô quả quyết rằng: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1Pr 1,18-19).

 

Qua các Bí tích, Chúa Giêsu tiếp tục tha thứ và xóa bỏ tội lỗi của chúng ta khi chúng ta đón nhận các Bí tích, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và Bí tích Hòa Giải. Bí tích Rửa Tội xóa bỏ tội nguyên tổ và các tội riêng chúng ta phạm. Phép Rửa là “cửa dẫn vào các Bí tích”. Chúa Giêsu xóa bỏ tội lỗi của chúng ta trong Bí tích Hòa Giải khi chúng ta đến xưng thú tội lỗi với các linh mục[5].

 

Giới thiệu Đức Giêsu không phải chỉ là nói về một con người lịch sử, nhưng phải làm chứng Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian. Nếu Đức Giêsu chỉ được giới thiệu như một nhân vật thuần túy lịch sử đã qua, thì chẳng có liên quan gì đến với con người thời nay. Việc giới thiệu Ngài phải đi liền với những gì Ngài đã làm cho trần gian. Trước đây, Đức Giêsu đã tha thứ, chúc lành, chữa bệnh…thì hôm nay qua Giáo hội, Ngài vẫn đang tiếp tục thực hiện những công việc ấy.

 

 

__________________________

 

[1] www.giaophanbaria.org, Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn - Lm. Đaminh Cao Tấn Tĩnh

[2] www.giaophanbaria.org, Đây Chiên Thiên Chúa– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

[3] www.giaophanbaria.org, Đây Chiên Thiên Chúa– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

[4] www.giaophanbaria.org, Đây Chiên Thiên Chúa– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

[5] Muối Cho Đời, Lm Phêro Nguyễn Văn Hương

 

 

Thiết kế Web : Châu Á