LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN II PS, Ga 20,19-31: Gặp Đấng Phục Sinh

Tám ngày trước, cho dù vì bất cứ lý do gì khiến Tôma không tin, thì bây giờ, khi gặp được Chúa, ông đã hoàn toàn thay đổi, ông không còn cứng lòng, ngờ vực, cũng không chán nản, dỗi hờn, nhưng mạnh mẽ tuyên xưng thầy Giêsu là Thiên Chúa.

 

 

GẶP ĐẤNG PHỤC SINH

(Ga 20,19-31)

 

M. Michael Hội

 

Hôm nay, ngày cuối cùng của tuần Bát Nhật Phục Sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta tôn kính lòng thương xót của Chúa. Lòng trắc ẩn của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét nơi công trình cứu chuộc nhân loại, qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Hình ảnh minh họa cụ thể cho lòng thương xót của Chúa là nước và máu chảy ra từ cạnh sường của Chúa Giêsu, khi trái tim Ngài bị đâm thâu trên thánh giá. Đấng bị đâm thâu đó đã chết cho tội lỗi chúng ta và đã phục sinh để cho chúng ta được sống muôn đời.

 

Trong suốt một tuần vừa qua, chúng ta được mừng trọng thể mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm quan trọng bậc nhất của Kitô Giáo. Quả thật, nếu như Đức Kitô không sống lại, thì mọi lời rao giảng về Ngài đều vô nghĩa và niềm tin của chúng ta đặt nơi Ngài cũng hư vô, trống rỗng (x. Cr 15,14). Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa đến gặp nhóm môn đồ thân tín, sau khi đã hiện ra với một số cá nhân như cô Maria Mácđala (Mc 16,9), Phêrô (Lc 24,34) hay với hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,13-31). Cùng với sự kiện ngôi mộ trống, những lần Chúa Giêsu hiện ra với các chứng nhân là hai dấu chỉ giúp chúng ta xác tín rằng Chúa đã phục sinh.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cho biết rằng, Thầy Giêsu bất ngờ xuất hiện giữa các môn đệ và nói „Schalom[1] - bình an cho anh em“ (Ga 20,19). Vẫn câu nói cũ, vẫn câu chào hỏi thông thường khi gặp nhau, nhưng hôm nay sao lạ lắm! Tâm trạng các môn đệ lúc này vừa hoảng hốt vừa vui sướng. Hốt hoảng vì các ông biết chắc chắn Thầy mình đã chết, đã được mai táng trong mộ, đang lúc các ông hoang mang tuyệt vọng, ẩn mình trong phòng vì sợ người Do Thái, bỗng dưng Thầy Giêsu xuất hiện giữa các ông như một “bóng ma” (x. Lc 24,37). Nhưng các môn đệ cũng rất đỗi vui mừng vì được gặp lại Thầy, được động chạm vào những thương tích của Thầy, được chứng thực rằng Thầy đã sống lại đúng như lời đồn. Điều này chứng tỏ Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần, thân xác Ngài đã phục sinh nhưng không còn giống như xưa. Mặc dù vẫn còn lưu giữ các thương tích của cuộc “vượt qua”, nhưng thân thể Đức Giêsu giờ đây trở nên siêu việt, vượt trên không gian và thời gian. 

 

Một người trong nhóm tên là Tôma, không có mặt ở đó khi Chúa hiện ra. Khi nghe các môn đệ khác nói đã được gặp Chúa, ông đã không tin: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20,25). Có thể vì Tôma là một người thực tiễn nên ông đã thẳng thừng từ chối tin vào những điều chưa được xác thực bằng các giác quan, hay chưa được chứng minh bằng thực nghiệm. Hoặc vì đã bỏ lỡ cơ hội được gặp Chúa nên ông đã giận dỗi khước từ lời chứng của anh em mình. Có vẻ lời giải đáp thứ hai cũng rất hợp lý, vì khi được thấy Chúa và bị Ngài khiển trách, ông lập tức tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) mà không cần “test” lại. Tám ngày trước, cho dù vì bất cứ lý do gì khiến ông không tin, thì bây giờ, khi gặp được Chúa, Tôma đã hoàn toàn thay đổi, ông không còn cứng lòng, ngờ vực, cũng không chán nản, dỗi hờn, nhưng mạnh mẽ tuyên xưng thầy Giêsu là Thiên Chúa (Adonai[2]).

 

Thực ra các tông đồ khác cũng không hơn gì Tôma. Qua lời kể của mấy bà đạo đức hay của vài người trong nhóm, các ông cũng đã nghe về sự kiện Chúa phục sinh, nhưng còn bán tín bán nghi vì chưa được thấy Chúa (x. Mc 16,9-13). Chúa còn khiển trách các ông quá cứng lòng, không chịu tin vào các chứng nhân Chúa Phục Sinh (x. Mc 16,14). Nhưng khi được Chúa đích thân hiện đến, được thấy, được sờ, được đụng chạm vào các vết thương của Thầy, các ông mới xác tín và vui mừng. Nhờ cuộc gặp gỡ này, các tông đồ đã làm chứng bằng cả tính mạng cho niềm tin của mình. Nhờ đó chúng ta, những hậu thế, cũng tin vào Đức Giêsu Kitô, Ngài đã chết và đã sống lại. Thật là phúc cho chúng ta vì không thấy mà tin (x. Ga 20,29)!

 

Sự phục sinh của Đức Giêsu không chỉ là nền tảng cho các mầu nhiệm trong Kitô học, mà còn là sự bảo đảm cho cuộc sống đời đời của những người tin vào Ngài. Vì Đức Giêsu không chỉ là Con Thiên Chúa, mà còn là con người theo nghĩa trọn vẹn nhất. Ngài chính là Ađam mới, một con người hoàn hảo. Thật vậy, chỉ trong Đức Giêsu, Ngài là con người thật, đã kinh qua sự chết, câu hỏi về kiếp người mới tìm được lời giải đáp. Và cũng chỉ Đức Giêsu, Ngài là Thiên Chúa thật, đã chiến thắng tử thần mới có quyền năng ban cho con người sự sống mới, sự sống đời đời vì được kết hiệp với Đấng Hằng Hữu (JHWH). Chỉ trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta mới tìm được lời giải cho câu hỏi về sự chết và cánh chung của con người. Đấng Phục Sinh chính là hình mẫu, là quy chuẩn và là cùng đích của con người, vì Ngài là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). “Ai tin vào Người Con, kẻ đó có được sự sống đời đời” (Ga 3,36; 5,24). Chỉ khi tin và thực thi lời Ngài, con người mới đạt tới sự sống mới, sự sống tròn đầy và viên mãn của kiếp nhân sinh.

 

Lạy Chúa, xưa kia Chúa đã hiện đến với các Tông đồ để ban bình an và củng cố niềm tin cho các ông, thì nay xin Chúa cũng ngự đến nơi tâm hồn mọi ngươi chúng con. Xin cho mỗi người chúng con có được cảm nghiệm sâu xa về Chúa, để chúng con luôn tin tưởng vững vàng vào Chúa. Nhờ đó, chúng con cũng loan truyền niềm tin ấy cho mọi người bằng lời nói, hành động và cả cuộc sống của chúng con.

 

 

________________________

 

[1] Nguyên ngữ: שלום (Schalom), đây là lời chào hay lời chúc thông thường của người Do Thái khi gặp nhau.

[2] Thuật ngữ Adonai (אֲדֹנָי) thường được người Do Thái dùng để nói về Thiên Chúa thay thế cho danh xưng JHWH.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á