LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng CN II Mùa Vọng, A: HÃY CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG

Cho dù sứ mệnh có cao trọng, thân phận đáng được mọi người kính nể, Gioan Tẩy Giả vẫn không quên nhiệm vụ của mình là dọn đường cho Chúa đến bằng cách kêu gọi người ta ăn năn sám hối, tin vào Đấng sẽ đến sau mình.

 

HÃY CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG

(Mt 3,1-12)

 

 

Hoài Nguyên

 

Khi nhắc đến Mùa Vọng thì phải nhắc đến một nhân vật hết sức đặc biệt mà ta không thể bỏ qua, đó chính là người dọn đường cho Chúa đến: Gioan Tiền Hô.

 

Khuôn mặt Gioan Tiền Hô nổi bật trong suốt thời gian Mùa Vọng, vì ông là vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước, là người “duy nhất trong các tiên tri chỉ cho thấy Đấng mình loan báo, là Đấng Cứu độ thế gian, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Kinh Tiền tụng lễ thánh Gioan tẩy giả).

 

Để hiểu việc xuất hiện của Gioan, cần nhớ rằng vào thời ấy, thời đô hộ của đế quốc Rôma, thời ra oai tác quái của vua Hêrôđê, người Do thái tìm mọi cách để được giải phóng. Giữa lòng Do thái giáo và đặc biệt tại Giêrusalem, nhiều "phe phái" dần dần thành hình.

 

Cho dù sứ mệnh có cao trọng, thân phận đáng được mọi người kính nể, Gioan Tẩy Giả vẫn không quên nhiệm vụ của mình là dọn đường cho Chúa đến bằng cách kêu gọi người ta ăn năn sám hối, tin vào Đấng sẽ đến sau mình. Còn tôi, tôi có đang nhớ đến bổn phận của mình không? Hay mượn danh nghĩa của Chúa để đánh bóng tên tuổi của mình. Khởi sự là làm việc cho nhà Chúa, nhưng sau cùng chỉ nhắm đến là được mọi người ca tụng và tán dương mình thôi. Tôi có đang làm sứ giả cho Chúa không? Hay tôi đang làm cho khuôn mặt của Chúa bị méo mó biến dạng vì cái tôi ích kỷ của mình.

 

Ông Gioan không hề giấu diếm thân phận của mình, ông khẳng định ngay: tôi rửa cho anh em bằng nước, còn Đấng đến sau tôi sẽ rửa cho anh em bằng Thánh Thần và Lửa...tôi không đáng xách dép cho Người...Những ai đang quá đề cao mình, kẻ đó không thể làm sứ giả cho Chúa được. Như lời của ông Gioan "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".

 

Phép rửa của ông Gioan không phải là phép rửa Kitô giáo, vì thế nó cũng không thể tha thứ tội lỗi cho ai được, nhưng nó chỉ diễn tả một tấm lòng biết thống hối ăn năn. Và đó chính là điều kiện tiên quyết để có thể lãnh nhận được ơn của Chúa Thánh Thần khi Đức Kitô đến ban tặng cho nhân loại. Tại sao Chúa Giêsu lại khẳng định những cô gái điếm và những người thu thuế lại vào Nước trời trước những người Pharisêu, Luật sĩ và Biệt phái? Nếu chẳng phải là vì họ đã có lòng sám hối thẳm sâu. Làm gì có Bí Tích hòa giải, nếu ai ai cũng cho mình là vô tội. Như thế Đức Kitô đã không cần đến thế gian làm chi...

 

Có một điều làm cho tôi thắc mắc, tại ông Gioan lại vào trong hoang địa mà hô hào người ta bỏ tà quy chính mà không phải là vào đô thị, thành phố, ở đó sẽ có nhiều người hơn chứ? Sự hoán cải mà ông Gioan nhắm đến là sự hoán cải tận căn, tự thẳm sâu trong cõi lòng chứ không phải những thứ đầu môi chót lưỡi. Chỉ trong cô tịch người ta mới có thể phơi bày ra con người thật của mình. Trái lại, những chốn phồn hoa đô thị dễ làm cho con người bị ảo giác, sống hùa và rất dễ đánh mất cả lương tri vì chỉ mãi mê chạy theo vật chất.

 

Hố sâu hãy lấp cho đầy, chỗ quanh co hãy làm cho ngay thẳng...ngay lúc này tôi có đang làm chuyện gì quanh co, mờ ám không? Tôi có giả điếc làm ngơ trước những mảnh đời đau thương khống khổ không?

 

Để kết xin mượn lời của Linh mục Thiên Phúc: Sám hối không chỉ là quay trở về với quá khứ, mà còn hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Sám hối không chỉ là hướng tới đời sống thánh thiện, mà là trở về với một đấng thánh: Chúa Giêsu Kitô.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á