LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIV, Thường Niên, năm B: "THẦY LÀ ĐẤNG KI-TÔ" (Viết Huy)

Vác thập giá là vui vẻ đón nhận và chịu đựng những khổ đau tinh thần cũng như thể xác. Nhất là, dám đối diện với những khó khăn, thách đố như: bị cố cáo, tẩy chay, khai trừ, bắt bớ, đánh đập... cũng có thể là hy sinh cả tính mạng khi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chân Lý.

 

Mc 8, 27-35

 

 “Thầy là Đấng Kitô”

 

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thánh Marcô thuật lại sự kiện tông đồ Phêrô tuyên xưng đức tin “Ðức Giêsu là Đấng Kitô”. Và Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Người, cũng như đưa ra điều kiện cho những ai muốn theo Người.

 

*Thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin.

 Sau một thời gian dài được ở bên Chúa, được nghe những lời Chúa giảng dạy, và được chứng kiến những việc Chúa làm. Nay đến lúc Đức Giêsu muốn các tông đồ phải bày tỏ lòng tin. Vì vậy, Đức Giêsu đã đặt ra câu hỏi cho các ông: “Người ta bảo Thầy là ai?”. Các tông đồ trả lời: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (c. 27-28). Đây là những câu trả lời chung chung, mơ hồ... nó chỉ diễn tả được một khía cạnh nào đó về con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Đối với dân chúng, Đức Giêsu mới chỉ là một ngôn sứ, có một sứ mạng cao cả, chứ chưa phải là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai mà toàn dân đang mong chờ. Chính vì vậy, Đức Giêsu muốn các tông đồ phải có câu trả lời chính xác về Con Người. Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 29). Đại diện cho Nhóm Mười Hai, thánh Phêrô đã tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô”. Vậy, đâu là nền tảng để thánh Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô”? Và Đâu là ý nghĩa của từ “Kitô”.

Để trả lời cho vấn nạn, đâu là nền tảng để thánh Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô”. Trước hết, ta có thể khẳng định: đây là hồng ân mặc khải đến từ Thiên Chúa dành cho ông. Chính Đức Giêsu đã minh xác điều này, khi Người nói: “Này anh Simon con ông Giô-na, anh thật là có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 18). Sau nữa, có thể nói, thánh Phêrô nhờ xác tín vào những lời Đức Giêsu đã giảng dạy, và cảm nghiệm được các phép lạ Người đã làm, được chứng kiến các biến cố trong hành trình theo Chúa (nhất là biến cố Hiển Dung)... mà ông đã dũng cảm tuyên tín Đức Giêsu chính là Đấng Kitô.

Ý nghĩa  từ  Kitô: “Kitô” là tước hiệu bởi từ Hy-lạpkhristos” mà ra, có nghĩa là “xức dầu”, trong tiếng Do-thái là Mesia, có nghĩa là “được xức dầu”. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia vì Người được Thiên Chúa thánh hiến, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần. Trong tư cách Mêsia, Đức Giêsu vừa là Vua, là Tư Tế Tối Cao, là Mục Tử Nhân Lành duy nhất, cuối cùng và vĩnh viễn của dân Israel, đã được Thiên Chúa sai đến theo lời Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước. Với sứ mệnh của Đấng Mêsia, Người đến để phục vụ, yêu thương và cứu chuộc dân Người (x. Mt 20, 28).

Thánh Phêrô nhận biết Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa Hằng Sống và chính Người là sự sống (x. Mt 16,16), nên ông đã tuyên tín một cách mạnh mẽ mà không sợ sai lầm. Lời tuyên tín của thánh Phêrô đã nói lên tất cả  mọi chân lý về con người và sứ vụ của Đức Giêsu, đây chính là câu trả lời Đức Giêsu muốn nghe, khi Người đặt ra câu hỏi cho các môn đệ.

 

* Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn.

Sau lời tuyên xưng niềm tin của thánh Phêrô, Đức Giêsu liền tiên báo về cuộc khổ nạn của Người: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại”(c. 3). Lời tiên báo về cuộc khổ nạn, nói lên rằng, chính Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Đấng Kitô đích thực. Người chính là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã báo trước trong Cựu Ước (x. Isaia 53, 7). Người phải đi Giêrusalem để chịu bắt bớ, hành hạ và bị kết án tử hình, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại, đó là con đường mà Chúa Cha đã định sẵn cho Người phải đi. Con đường qua đau khổ đến vinh quang!

Để gánh tội trần gian và cứu chuộc muôn người, Đức Giêsu chấp nhận đi qua con đường  khổ giá: “Người đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (x. Pl 2, 8). Trên thập giá, từ con tim bị đâm thâu của Đức Kitô, một nguồn mạch phong phú ơn cứu độ đã trào ra và tràn xuống cho muôn người.

Chính qua con đường khổ giá, còn đường tử nạn và phục sinh, Thiên Chúa nói lên tình yêu của Người với con người một cách trọn vẹn nhất.  Vì yêu, Đức Kitô đã tự nguyện bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa Cha,  xuống gian trần đồng hành, chia sẻ những khổ đau, và chịu chết trên thập giá để đền thay tội lỗi cho muôn người. Vì vậy, có thể nói: Tình yêu mà không trải qua đau khổ, hy sinh là tình yêu giả dối, vinh quang mà không đổ máu là vinh quang giả tạo.

Đức Giêsu yêu không chỉ bằng lời nói suông, nhưng bằng hành động cụ thể. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá nói lên tất cả bằng chứng Thiên Chúa luôn yêu thương con người và hy sinh, chịu chết vì hạnh phúc của con người. Đây là một tình yêu tự hiến, yêu vô vị lợi, yêu nhưng không: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13). Bằng tình yêu và ngang qua con đường tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu đã hoàn thành sứ vụ của Đấng Mêsia. Người đã dùng chính máu mình để rửa sạch tội lỗi muôn người, và dùng cái chết làm giá chuộc nhân loại về cho Thiên Chúa.

 

* Điều kiện để theo Chúa.

Ngay sau khi Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn sắp đến với mình, Người gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và đưa ra điều kiện để theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(c. 34). Vậy thế nào là từ bỏ chính mình, vác thập giá mình theo chân thầy Giêsu?

Từ bỏ mình là từ bỏ con người cũ, con người của những gì là nhỏ nhen, hẹp hòi, tội lỗi... nhất là từ bỏ tất cả những ý muốn, sở thích và ngay cả chính bản thân mình, để chỉ sống cho Thiên Chúa và vì Thiên Chúa. Không những từ bỏ những gì ngay trong chính con người của mình, nhưng cũng phải từ bỏ những gì làm cản trở, vướng mắc trên bước đường theo Chúa như: của cải, danh vọng, thú vui trần thế... thậm chí ngay cả cha mẹ, vợ con, anh em.

Vác thập giá là vui vẻ đón nhận và chịu đựng những khổ đau tinh thần cũng như thể xác. Nhất là, dám đối diện với những khó khăn, thách đố như: bị cố cáo, tẩy chay, khai trừ, bắt bớ, đánh đập... cũng có thể là hy sinh cả tính mạng khi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chân Lý.

Tóm lại: Đức Giêsu khi làm người, Người phải chịu nhiều đau khổ, chịu chết, rồi mới được Thiên Chúa tôn vinh. Là người môn đệ của thầy Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Người trên con đường tiến về Giêrusalem, và vác thập giá lên đồi Can-vê. Trên con đường đó, chúng ta uống cùng một chén đắng, chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy (x. Mt 20, 23). Đó là con đường qua đau khổ rồi mới bước vào vinh quang phục sinh. Vì vậy, chúng ta không thể viện lý do để né tránh con đường từ bỏ chính mình, con đường vác thập giá mình mỗi ngày để bước theo thầy Giêsu.

 

Lạy Chúa, lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô” ngày xưa, cũng là lời tuyên xưng đức tin của chúng con hôm nay. Đó là nền tảng và là cùng đích mà lòng tin của mọi Kitô hữu  phải vươn tới. Xin cho chúng con luôn biết sống và làm chứng cho niềm tin đó bằng  con tim đón nhận thấp giá từng giây phút của cuộc đời trong tình liên kết với cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô.

 

 M. Viết Huy

Thiết kế Web : Châu Á