LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm C (M. Duy Khang)

Hãy sám hối và biết trở về với Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương và làm hòa với những người thân cận mình như chính Chúa đã làm gương cho chúng ta.

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, NĂM C

(Lc 13, 1-9)

 

M. Duy Khang

Mùa Chay - 40 ngày chay tịnh là thời gian hướng về ngày lễ Phục Sinh bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro, cũng là khoảng thời gian linh thiêng cho các cộng đoàn Kitô giáo. Đây là ngày lễ đặc biệt dành để tưởng niệm cái chết và phục sinh của Chúa Kitô qua Tam Nhật Vượt Qua. Đó chình là thực hành việc sám hối công khai qua cử chỉ xức tro lên đầu để biểu lộ lòng thống hối, ăn năn. Thật vậy, bụi đất - hình ảnh của tội lỗi là sự mong manh của con người, qua những gì còn lại của thân xác sau khi ngọn lửa sự sống vụt tắt đi (x. St 3,19; 18,27). Mùa Chay đã trở thành một cuộc hành trình tiến về Thiên Chúa, một con đường vòng băng qua hoang mạc, một cuộc chiến đấu với những cám dỗ trong đời sống qua ba yếu tố chính: cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ. Với khẩu hiệu: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn con người nắm lấy cơ hội Thiên Chúa ban để ăn năn sám hối và thăng tiến không ngừng. Mặc dù trong bài Tin Mừng có rất nhiều ý tưởng và nhiều khía cạnh để suy niệm. Nhưng người viết xin dừng lại điểm chính yếu đó là sám hối và tin vào Tin Mừng.

1. Sám hối

Hoán cải là trở lại với sự thống hối, khiêm tốn nhận biết sự sai lầm trước đó (cải tà quy chánh). Sám hối đón nhận lại nguồn gốc tinh tuyền ban đầu của niềm tin. Như dân Israel đã xa dần niềm tin vào Thiên Chúa thủơ ban đầu, coi trọng những lề luật phụ thuộc hơn là hai giới răn quan trọng nhất: kính Chúa và yêu người. Thật vậy, dụ ngôn cây vả càng làm tăng thêm lời cảnh báo về sự khẩn trương phải sám hối để mỗi người đón nhận sự sống mới nơi chính mình. Người làm vườn sẵn sàng chống lại những dư luận và thậm chí nài xin người chủ vườn để được chăm sóc cây vả với hy vọng qua năm nó sẽ sinh nhiều hoa trái. Đức Giêsu đã lấy hình ảnh cây vả để răn dạy chúng ta với ý muốn đã là cây ăn trái thì phải có trái. Đức Giêsu muốn loại bỏ nơi chúng ta những thành kiến, sự khao khát sống vinh quang ở đời chóng qua này mà phải biết hướng tới vinh quang đời sau nơi chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống.

Cũng vậy, các sự kiện những người Galilê bị Philatô giết hay chuyện mười tám người bị tháp Silôa đổ xuống đè chết không thể không làm cho Chúa Giêsu suy nghĩ. Chúa Giêsu khác với người đương thời, Chúa Giêsu không lên án những người bất hạnh đó là do tội lỗi hay sự dữ của họ nên Thiên Chúa trừng phạt họ, nhưng những trường hợp của họ có thể coi như một sự rủi ro. Chúa Giêsu không lên án những người bất hạnh kia, mà trái lại, Chúa lên án những người đương thời khi nói: Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi mọi người sám hối và rao giảng cho nhân loại lời chân lý “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Lời mời gọi đó được Chúa Giêsu thực hiện khi Ngài vâng phục Chúa Cha và sẵn sàng chịu chết nhục nhã trên thập giá để minh chứng cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa nơi nhân loại. Vì thương yêu nhân loại, khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại cho Giáo hội các bí tích để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu, nâng đỡ khi họ yếu đuối, chữa lành họ khi bị vấp ngã, bị thương tích. Còn chúng ta, chúng ta đã thực sự yêu mến Chúa qua Bí tích Thánh Thể hay chưa? Chúng ta còn dửng dưng với Chúa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hay không quan tâm đến ân phúc của Chúa ban cho nhân loại.

2. Tin vào Tin Mừng

Chính vì thế, Thiên Chúa muốn chúng ta sám hối và biến đổi cuộc đời mình để nét đẹp Tin Mừng được tỏa sáng cho những người chưa nhận biết Chúa chung quanh chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn rộng lượng và bao dung, tận tụy và nhất mực kiên trì, chờ đợi người con hoang đàng trở về với Chúa. Lời Chúa luôn vang vọng trong mỗi người chúng ta, chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các Bí tích. Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta biết sống lương thiện và bác ái với nhau. Hơn nữa, chúng ta phải loại bỏ não trạng trọng vọng những cái thuộc về bề ngoài như danh vọng, bằng cấp, địa vị, sang hèn... mà đón nhận Lời Chúa mời gọi qua những sứ giả Ngài gửi tới, dù họ là người hèn kém hơn mình, nhưng nếu họ nói đúng và thực thi sứ vụ Chúa trao, chúng ta cần phải đón nhận.

Dù chúng ta tội lỗi nhưng Thiên Chúa vẫn chờ đợi và mời gọi chúng ta hoán cải để quay về với Chúa. Nhưng dường như chúng ta thường phớt lờ sứ điệp yêu thương đó. Tiếng Chúa vẫn khe khẽ vang vọng, mời gọi và thôi thúc tự trong lòng ta trở về với Chúa, vì Chúa có lòng xót thương, nhẫn nại và bao dung. Chúa Cha hiện tại hóa nơi Đức Giêsu, và Đức Giêsu chuyển cầu và than vãn trước nhan Thiên Chúa. Chúa Giêsu quan phòng và dẫn dắt chúng ta như hình ảnh người làm vườn kiên nhẫn chăm bón cho cây vả không sinh trái để qua năm nó tốt tươi và sinh nhiều trái thơm ngọt lành. Vì thế, chúng ta là những kẻ tội lỗi nên phải biết hồi tâm nhận định, biết khiêm tốn đón nhận và thực thi điều công chính vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Trái tim ta biết thổn thức nhìn lại bản thân vì tội mình đã phạm để sám hối và tin vào Tin mừng như Chúa mời gọi. Hãy chân nhận những khuyết điểm và quyết tâm sửa đổi để được “ở lại trong tình thương của Chúa” (Ga 15,9), Đấng giàu lòng xót thương. Từ đó hồng ân của Thiên Chúa ban xuống qua sự thiện toàn để thánh hóa bản thân chúng ta sống tốt như Tin mừng mong muốn.

Qua dụ ngôn cây vả cho ta thấy hình ảnh người làm vườn thân thiện đó chính là Thiên Chúa hằng sống. Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta bỏ lối sống vô luân để trở về với Chúa vì chính Chúa là tình yêu. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta và Chúa không ngần ngại mở rộng đôi tay để đón nhận chúng ta vào lòng. Vì vậy, Thiên Chúa không bao giờ mất kiên nhẫn khi chúng ta lầm lạc trở về và sự cằn cỗi của cõi lòng với những qúa khứ không sinh hoa trái thánh thiện nơi chúng ta.

Hai thảm hỏa của những người Galilê bị Philatô giết hay chuyện mười tám người bị tháp Silôa  đổ xuống đè chết là lời cảnh báo của Chúa Giêsu cho những người đương thời, cần phải sám hối khi thời gian còn cho phép không thì chính chúng ta cũng chết như những người ấy. Dù cây vả hiền hòa nhưng vì không sinh hoa kết trái nên phải chặt bỏ nó đi. Chúa dùng hình ảnh cây vả để mời gọi chúng ta không nên trì hoãn mà phải hoán cải để sinh hoa kết trái trong ý định của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chối bỏ sự giáo hóa và khuyến cáo của Thiên Chúa, là chối bỏ chân lý, là loại trừ Thiên Chúa thì chúng ta mất tất cả... Chúa mời gọi chúng ta biết yêu thương những người thân cận của mình, nhất là người tội lỗi như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Hãy sám hối và biết trở về với Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương và làm hòa với những người thân cận mình như chính Chúa đã làm gương cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết mến Chúa và yêu người như Chúa dạy. Chúng con tin rằng, Chúa luôn hiện diện và yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết sống cho tha nhân và biết làm việc lành để chúng con luôn là cây vả có trái ngọt cho cộng đoàn, cho anh chị em mình. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á