LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm C (M. Viết Huy)

Mục đích cuộc biến bình là Chúa muốn các Tông đồ nếm trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, và củng cố lòng tin, thêm lòng can đảm để các ông dám đối diện, chấp nhận biến cố Chúa Giêsu sắp chịu tử nạn và phục sinh.

 

SỐNG KẾT HỢP CHIỀU KÍCH TỰ NHIÊN VÀ SIÊU NHIÊN

TRÊN ĐƯỜNG VỀ THIÊN QUỐC

(Lc  9, 28b-36)

 

 M. Viết Huy

Đã mang kiếp phàm nhân, từ khi sinh ra tới lúc trở về với cội nguồn, con người không ngừng tìm kiếm niềm vui, bình an, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời sau khi từ giã trần thế.  Vì vậy, trải qua bao thế hệ, con người hằng mơ ước về một thế giới bồng lai tiên cảnh, một thế giới cực lạc... trong đó không còn đau khổ, chết chóc. Đó là lý do con người cố gắng xây dựng một mô hình xã hội trừu tượng như một đối tượng của lý trí, hay thêu dệt nên những chuyện cổ tích, thần thoại, lâu đài tình ái...hầu thỏa mãn phần nào khát vọng đó. Mô hình xã hội ấy có lúc tưởng chừng nằm trong khả năng của con người, nhưng kỳ thực nó mãi mãi vẫn chỉ là giấc mơ. Vì con người mang trong mình hai chiều kích linh hồn và thân xác. Đúng vậy, chính Aristote đã nói: “Con người trọn vn là hn và xác”. Hồn thì bất diệt, tinh anh, trường tồn vĩnh cửu, còn xác thì bất toàn, chịu sự tác động của không gian và bị mai một theo thời gian. Vì thế, ước mơ về một thế giới không còn lo âu, khổ đau, bệnh tật, ly biệt… đó là một điều bất khả kháng. Vậy, đâu là lối đi để con người đạt tới hạnh phúc đích thực và đời sống vĩnh hằng?

Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại biến cố Đức Giêsu hiển dung, trong đó có ba môn đệ thân tín của Ngài là: Phêrô, Gioan và Giacôbê. Các ông đã được diễm phúc chứng kiến, ngắm nhìn vinh quang Thiên Chúa và thông phần vào thế giới Thiên Linh. Trong niềm hạnh phúc chiêm ngắm vinh quang thần tính của Đức Giêsu, Phêrô đã quên mình đang hiện hữu ở thế giới thực tại, và ông đã thốt lên một điều ước. Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (c. 34). Từ trong vô thức, Phêrô khát vọng và ước mong duy trì niềm hạnh phúc trong thế giới huyền linh, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Vì vậy, ông xin Thầy mình dựng lên ba cái lều để lưu lại nơi này. Nhưng ước mơ của ông đã không được hiện thực! Đức Giêsu muốn các môn đệ phải hoàn thành cuộc lữ hành trần thế rồi mới được vào hưởng hạnh phúc Thiên giới. Vì thế, Đức Giêsu đã đem các ông xuống núi, trở về với thực tại của đời sống thường ngày, để cùng Thầy tiếp tục hoàn thành sứ vụ lên Giêrusalem, hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.

Mục đích cuộc biến bình là Chúa muốn các Tông đồ nếm trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, và củng cố lòng tin, thêm lòng can đảm để các ông dám đối diện, chấp nhận biến cố Chúa Giêsu sắp chịu tử nạn và phục sinh. Bởi vì khi Chúa Giêsu loan báo về cái chết của mình, các môn đệ đã hoang mang, sợ hãi, chưa sẵn sàng đón nhận, thậm chí Phêrô đã bước ra ngăn cản Thầy mình: “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22). Thế nên nhờ biến cố hiển dung, Chúa tỏ cho các ông biết Người sẽ vinh quang chói lọi như mặt trời, sau cuộc khổ nạn đau thương. Nhất là Người muốn các ông biết rằng, để đạt tới vinh quang (Thiên Đàng), phải trải qua cuộc biến đổi trong thử thách, đau thương của cuộc sống trần thế. Nhất là giúp các môn đệ xác tín, phải vượt qua ngày thứ sáu tử nạn, thì mới đạt tới Chúa Nhật Phục Sinh; nếu có tủi nhục, sẽ có vinh quang; nếu dám chết đi, sẽ được sống lại: Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 25). Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, mà còn phải chịu đau khổ mới đạt tới vinh quang, thì các môn đệ không thể khác, cũng phải trải qua đau khổ, thử thách mới được vào cõi phúc. Tóm lại, muốn được sống trong “vinh quang hiển dung” thì các ông phải cùng Thầy tiến về Giêrusalem vác lấy “thập giá”.

Giáo hội của Chúa Kitô tuy vẫn đang trên đường lữ hành trần gian, nhưng luôn là một “Giáo hội thánh thiêng , cộng đoàn của niềm tin, hy vọng và bác ái” xuất hiện ở trần gian “như một cơ cấu hữu hình”, đồng thời vừa là một “xã hội có tổ chức phẩm trật” vừa là “nhiệm thể Chúa Kitô”, vừa là “đoàn thể hữu hình” vừa là “cộng đồng thiêng liêng”, vừa là “Giáo hội tại thế”, vừa là “ Giáo hội tràn đầy ân sủng trên trời”. Giáo hội được kết thành bởi hai chiều kích khác biệt nhau, nhưng luôn bổ sung cho nhau và bất khả phân ly. Thế nên, Giáo hội lữ hành phải phát triển Giáo hội Thiên quốc qua việc sống tròn đầy hai chiều kích hữu hình và vô hình, siêu nhiên và tự nhiên, nhân loại và thần thiêng, nhân tính và thần tính. Hơn nữa, Giáo hội còn có nhiệm vụ phải sống, làm chứng, đem Tin Mừng vào thế giới và biến đổi thế giới bằng cuộc tử nạn và niềm vui phục sinh, chứ không chỉ hướng về quê hương trên trời mà quên đi quê hương trần thế.

Chúng ta là Kitô hữu, là con cái của Giáo hội, chúng ta cũng phải sống tròn đầy hai chiều kích siêu nhiên và tự nhiên, thần linh và trần thế, chiều dọc và chiều ngang, mến Chúa và yêu người. Chúng ta đón nhận sức mạnh của “chân lý” và được sống trong tình yêu Thiên Chúa qua chiều kích Thiên Linh, thì chúng ta phải có nhiệm vụ sống và làm chứng cho “chân lý” ấy ngay cuộc sống trần thế. Vì vậy có thể khẳng định, muốn hưởng vinh quang hiển dung, thì trước hết phải sống tròn đầy cuộc lữ hành trần thế.

Chính Đức Kitô đã nhập thể và mang lấy tất cả những đau khổ của kiếp người, sống trọn vẹn các chiều kích nhân tính và Thiên tính, để cảm thông và cứu độ con người. Thế nên, mọi Kitô hữu cũng phải xác tín rằng: siêu nhiên và tự nhiên, sự chết và phục sinh, khổ giá và vinh quang hiển linh là hai mặt của một thực tại cứu độ không thể tách rời nhau. Vì, vinh quang mà không có đau khổ, thì là vinh quang của thế tục, vinh quang giả tạo. Ngược lại, khổ nạn mà không có vinh quang, không đem lại phục sinh thì vô nghĩa, là thất bại. Vì vậy, tiên vàn chúng ta cần chuẩn bị cho vinh quang Thiên Quốc bằng những việc hy sinh trong Đức Kitô ngay ngày hôm nay và tại trần thế này.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa cho chúng con hưởng nếm vinh quang phục sinh qua biến cố hiển dung. Xin cho chúng con luôn biết hướng về vinh quang Nước Trời là chính Chúa, nhưng cũng đừng quên nhiệm vụ nơi thế trần. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á