LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B: TỈNH THỨC ĐỢI CHỜ CHÚA ĐẾN

“Tỉnh thức” trông chờ Ơn cứu độ, nó phải xuyên suốt cả màn đêm tăm tối, xuyên suốt cả giấc ngủ của ta, xuyên suốt cả những khi ta ngập lặn trong vũng tội; sợi dây này Thiên Chúa đã kết cho chúng ta, để khi ta bị thần dữ lôi kéo, ta còn sợi dây này để bám. Thức tỉnh là lời mời gọi tha thiết nhất của Chúa trong Tin Mừng hôm nay! Khi Chúa đã mời gọi, thì Người cũng sẽ nâng đỡ chúng ta trong lúc ta mê muội, yếu đuối. Khi ta cảm thấy bất lực, hãy bám chặt vững chắc vào Chúa Kitô và hãy mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa (x. Ep 6,13), đó là cách tự vệ đích thực khỏi những cuộc tấn công của các quyền lực tối tăm, khỏi cơn cám dỗ bị thời gian hiện tại tái chiếm, thì chúng ta sẽ tỉnh thức và sẽ sẵn sàng để đón chờ Chúa đến.

 

 

TỈNH THỨC ĐỢI CHỜ CHÚA ĐẾN

(Mc 13,33-37)

 

 

Sỹ Thọ

 

Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B, Giáo hội muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta thanh luyện tâm hồn để đón mừng ngày Chúa đến; thanh luyện bằng cách rủ bỏ quá khứ và hướng về phía trước trong hân hoan, trong hy vọng, trong ánh sáng Tin Mừng. Chúa Giêsu trong Tin mừng Marcô hôm nay kêu gọi chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào Chúa đến, thời cứu độ đến”. Đây là một Tin Mừng cứu độ, vì Chúa đã nói: Người sẽ đến, và Người sẽ đem ơn cứu độ đến cho chúng ta! Chúa sẽ đến vào những lúc chúng ta không ngờ, nên chúng ta phải tỉnh thức đợi chờ, tỉnh thức đợi chờ Chúa đến.

 

Tại sao ông chủ nhà trong Tin Mừng không trở về lúc ban ngày, nhưng lại cảnh báo với các đầy tớ là: ông sẽ trở về vào lúc ban đêm, vào những lúc mà con người chìm trong giấc ngủ? Ông trở về ban đêm có dụng ý gì? Tại sao tác giả Tin Mừng lại chú trọng vào ban đêm? Có phải đây là nét ẩn dụ mà Chúa Giêsu muốn đem bóng tối để biểu trưng Ánh sáng cứu độ? Vì ai ở trong bóng tối mới cần ánh sáng soi chiếu, và ai ngụp lặn trong bóng tối mê lầm mới nghiệm được ánh sáng cứu độ, ánh sáng đem lại sự sống đời đời?

 

Ý nghĩa của đêm tối và hệ lụy của nó

 

Theo quan điểm của dân Thiên Chúa, giai đoạn hiện tại thường được biểu trưng như là một đêm tối, tương lai như một ngày hay một buổi sáng. Thánh vịnh 104, 20 được sách Talmud chú giải câu “Người dẫn lại tối tăm, thế là đêm đến”; thế giới hiện thời có thể sánh như là đêm. Những lời Cựu ước nói về đêm tối theo nghĩa đen, thường được áp dụng cho “đêm tối thế gian” này. Thí dụ câu nói của Boaz với bà Ruth: “Hãy qua đêm ở đây” (R 3,13) được R. Meir (năm 150 sau công nguyên) dẫn trích và cho là nói về “cái thế giới hoàn toàn là đêm tối” này...

 

Trong văn chương Do thái đương thời thường có phản ảnh ý thức về bóng tối ngự trị trong thế gian. Điều này đặc biệt đúng đối với các văn tập Qumran. Trong đó người ta gặp một trong các tư tưởng chính yếu là: cuộc sống hiện tại bị đặt dưới quyền lực của bóng tối; bao gồm những cám dỗ, hiểm nguy, thử thách đủ loại. Nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài mãi mãi. Theo các quan điểm phổ thông nơi người Do Thái lúc đó, thời gian của tăm tối một ngày kia sẽ chấm dứt đối với những kẻ được chọn, sẽ đảo lộn mọi sự thời cánh chung, bóng tối sẽ biến thành ánh sáng cho họ; cuộc sống tương lai đối với họ là một cuộc sống ngập tràn ánh sáng vĩnh cửu. Bóng tối hay đêm tối ở đây, nhắm đến tình trạng đầy cám dỗ, thử thách, khổ đau mà người Israel ngụp lặn trong đó; họ bị các nước thế gian chà đạp và áp bức, nhưng họ lại tin tương lai cánh chung sẽ đảo ngược tình thế và Israel sẽ được chiến thắng, danh dự và vinh quang, ngày đó sẽ phải đến cho dân của Thiên Chúa!

 

Sang Tân ước, não trạng Kitô hữu đã đổi mới: “Cuộc chiến đấu để đối phó trong ngày xấu xa bằng vũ khí thần thiêng và binh giáp của Thiên Chúa” (x. 6, 12-23).

 

Trong Tân ước cho thấy: “Toàn thể thế gian này đều lụy quyền kẻ dữ” (1 Ga 5,19), thủ lãnh của nó là kẻ thù của Thiên Chúa. Thế gian đã quay lưng lại với Thiên Chúa là nguồn ánh sáng; nó quyến rũ chúng ta và lôi kéo chúng ta về đường trái bằng mọi giá. Nếu ta ‘không thức tỉnh’, ‘không coi chừng’, chúng ta cũng sẽ bị cuốn hút vào sự tối tăm mê muội của thần dữ. Nhưng dẫu sao, trong “đêm tối thần dữ” này, vẫn có ánh sáng; đây là việc Chúa Giêsu đã đến hoàn thành sấm ngôn: “Dân đang bước đi trong bóng tối đã thấy một ánh sáng lớn lao” (Is 9, 1; Mt 4,16).Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian” (Lc 2,32; Ga 1,5; 8,12; 12,46), “những ai tin vào Người thì không ở trong bóng tối tăm” (Ga 12,46).

 

‘Tỉnh thức’ trong Tân ước là một gột bỏ quá khứ mê lầm, trở về với Chúa Kitô; đây là cuộc vượt qua từ tối tăm để đến ánh sáng (x. Ga 3,19; Cv 26, 18; Cl 1,13; 1 Pr 2,9 . . .): “Xưa kia anh em là tối tăm, nhưng nay trong Chúa anh em là sự sáng” (Ep 5,8).

 

Qua các hình ảnh biểu tượng của Tin mừng hôm nay, ta có một thí dụ trong dụ ngôn của các giáo sĩ về bà chủ nhà và cô tớ gái người Êthiôpia, một dụ ngôn khá tương tự với dụ ngôn của Mc 13,4. Dụ ngôn kể rằng: một bà chủ nhà có một đứa tớ gái người Êthiôpia. Chồng bà đi du lịch hải ngoại. Suốt đêm, đứa tớ gái nói với bà chủ: ‘Tôi đẹp hơn bà, nhà vua yêu tôi hơn bà’ và bà chủ đáp: ‘Hãy chờ đến sáng mai chúng ta sẽ biết ai đẹp hơn ai, nhà vua yêu ai hơn’. Song đối với câu chuyện: các dân nuớc trần gian nói với Israel rằng: ‘những hành động của chúng tôi đáng khen ngợi, và Đấng Thánh hài lòng về chúng tôi hơn’. Lúc thời gian ấy tới, sẽ mặc khải cho biết ai được Đấng Thánh hài lòng[1].

 

Cũng như trong Mc 13,33-37 hôm nay, dụ ngôn trình bày một ông chủ đi xa lâu ngày, rồi bất ngờ chuyển hướng tất cả sự chú ý vào đêm tối, như vào tình cảnh của người vợ (Israel) với tớ gái trong đêm, và vào sự thay đổi lớn lao sẽ xẩy ra ban sáng khi tình yêu của nhà vua đối với vợ được tỏ lộ.

 

Cũng như câu chuyện trên, Tin mừng Marcô 13,33-37 được Chúa mời gọi mọi tín hữu hãy “tỉnh thức” ngay cả những quan điểm và phán xét thiếu hiểu biết trong đêm tối. Hãy đợi đến sáng, đợi chờ ngày Chúa đến, Người sẽ cho biết ai là người được chọn, được cứu độ.

 

Chính vì thế, những người tin theo Chúa, làm việc cho Chúa, dù là người đầy tớ, là người vợ hay là loại người nào đi chăng nữa, cũng không chắc là mình được Chúa hài lòng. Cho nên, các tín hữu đều phải thận trọng việc giữ đạo, luôn tỉnh thức, cầu nguyện và luôn xét mình hơn là xét người. Từ hôm nay ta phải sống trong tỉnh thức, vui vẻ chu toàn công việc Chúa trao, để làm sao khi Người trở về, ta không có gì đáng trách cứ.

 

Con cái ánh sáng và sự thức tỉnh

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không căn dặn những ai khác ngoài các môn đệ cũng như chúng ta (x. c. 33; 37). Thực sự, chúng ta đã được Chúa Giêsu mời gọi thức tỉnh đợi chờ Người đến; thức tỉnh vào những canh đêm, thức tỉnh ngay trong những lúc mê mệt nhất! Theo thánh Phaolô: “Nếu chúng ta là con cái ánh sáng, vậy chúng ta đừng ngủ mê như những kẻ khác, nhưng hãy canh thức và tỉnh táo; ta thuộc về ngày, ta hãy tỉnh táo, mặc lấy áo giáp đức tin, đức mến và mũ chiến là lòng trông cậy cứu rỗi. Vì chưng, Thiên Chúa không giành ta cho án thịnh nộ, nhưng là để chiếm lĩnh phúc cứu rỗi nhờ Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta” (1 Tx 5, 6-10).

 

Thánh Phaolô cũng sử dụng hình ảnh biểu tượng đêm tối để mô tả thời gian từ hiện tại cho đến ngày quang lâm. Rõ rệt nhất là trong Rm 13,12: “Đêm hầu tàn, ngày sắp đến. Vậy ta hãy vất bỏ những việc tối tăm và hãy mặc lấy khí giới sự sáng”. Theo văn mạch thì, ‘ngày’ ở đây là ngày cánh chung, thời gian hoàn thành ơn cứu độ; và ‘đêm’ là thời gian hiện tại. Phaolô khuyến khích tín hữu Rôma: “Đã đến giờ anh em phải tỉnh ngủ thức dậy, bởi vì nay ơn cứu thoát đã gần ta hơn là khi ta mới tin” (13, 11). Trong 1 Tx 5,4 cũng thế: “Con cái sự sáng phải thức tỉnh”, dù có phải ở trong những canh đêm: “Còn anh em, anh em không ở trong tối tăm, làm cho kẻ trộm bắt chộp anh em, vì anh em hết thảy là con cái sự sáng và con cái của ban ngày, chúng ta không thuộc về đêm và tối tăm”.

 

“Điều Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: hãy canh thức” (c. 37). Sở dĩ các Kitô hữu được mời gọi tỉnh thức, chính là vì trong khi bước đi trong thế giới đêm tối, họ phải thể hiện ơn gọi và ân huệ đã lãnh nhận với tư cách là con cái ánh sáng, và hướng cái nhìn về đằng trước, tới sự trở về của Chủ và tới tới thời cứu độ đang đến gần.

 

Sự tỉnh thức rõ ràng mang một tính cách cánh chung, nó hoàn toàn hướng tới trước, hướng tới ngày Quang lâm của Chúa Kitô và sự hoàn thành cuối cùng của ơn cứu độ. Tỉnh thức ở đây không tính toán thời khắc (x. Mc 13,32), nhưng là một thái độ sống, nhằm luôn luôn giữ hình ảnh cuộc trở về của Chúa Kitô; thái độ sống ấy được dụ ngôn trình bày dưới khía cạnh một “sự phục vụ chủ”. Người gác cửa đã chấp nhận canh thức chờ đợi chủ về: không chỉ bằng việc phục vụ chủ một cách máy móc, nhưng với cả tấm lòng yêu thương, trung tín. Trong dụ ngôn, tỉnh thức chính là có một đời sống được ghi dấu bởi cái đang đến, bởi nghĩa tình gắn bó với chủ, bởi ngày và bởi ánh sáng ban ngày; sống ngay từ bây giờ như thể trước kỳ hạn sự sống của ngày sắp đến (x. Rm 13,13). Thái độ cánh chung không bao giờ phát sinh sự chối bỏ thế gian, nhưng phát sinh một sự tự do lành mạnh đối với tất cả những gì xung quanh, Thiên Chúa đã dựng nên.

 

Đây là một cách diễn tả tình trạng cánh chung của các Kitô hữu đang sống trong thế gian: họ đã được giải phóng khỏi những gì làm nên ban đêm, họ hướng tới cuộc trở về của Con Người và tới thời cứu độ. Khi một người, nhờ việc trở về với Chúa Kitô, vượt qua từ bóng tối đến ánh sáng, thì không có nghĩa là họ chẳng còn tiếp xúc gì với bóng tối nữa. Mặc dù đã được rứt ra khỏi quyền lực của tối tăm (Cl 1,13), đã trở thành một người con của ánh sáng và của ban ngày (1 Tx 5,5), nhưng kẻ đó vẫn còn sống trong thời gian ban đêm, nghĩa là vẫn còn ở trong một tình trạng bị thử thách cám dỗ. Bất cứ thời nào, các môn đồ của Chúa Kitô đều có thể bị sa ngã, nhượng bộ các quyền lực tối tăm, bị sự ác của thế gian lôi kéo.

 

Trong thế giới hiện tại, con người không thể tỉnh thức mà không chiến đấu. Tư tưởng này được diễn tả trong nhiều đoạn văn Tân ước, trích dẫn Rm 13,11: song song với lời khuyên hãy rút ra khỏi giấc ngủ, ta tìm thấy trong đó lời mời gọi, hãy cởi bỏ những công việc của tối tăm để mặc lấy những khí giới của ánh sáng.  Tỉnh thức bao hàm một sự chiến đấu chống lại các quyền lực đang hoạt động trong bóng đêm này (x. Ep 6,12.). Những khí giới ta sử dụng chẳng phải là những cái ngoại tại với đời sống Kitô giáo, mà chính là những thực tại căn bản của đời sống đức tin, đức ái, đức cậy, chân lý, công bằng . . . (x. 1 Tx 5,8; Ep 6,13).

 

Đến đây ta có thể nói được rằng: “sợi giây tỉnh thức” là một chuỗi ngày trông chờ Ơn cứu độ, nó phải xuyên suốt cả màn đêm tăm tối, xuyên suốt cả giấc ngủ của ta, xuyên suốt cả những khi ta ngập lặn trong vũng tội; sợi dây này Thiên Chúa đã kết cho chúng ta, để khi ta bị thần dữ lôi kéo, ta còn sợi dây này để bám. Thức tỉnh là lời mời gọi tha thiết nhất của Chúa trong Tin Mừng hôm nay! Khi Chúa đã mời gọi, thì Người cũng sẽ nâng đỡ chúng ta trong lúc ta mê muội, yếu đuối. Khi ta cảm thấy bất lực, hãy bám chặt vững chắc vào Chúa Kitô và hãy mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa (x. Ep 6,13), đó là cách tự vệ đích thực khỏi những cuộc tấn công của các quyền lực tối tăm, khỏi cơn cám dỗ bị thời gian hiện tại tái chiếm, thì chúng ta sẽ tỉnh thức và sẽ sẵn sàng để đón chờ Chúa đến.

 

Như vậy, tỉnh thức trong đêm tối của thời gian hiện tại để chờ đợi Chúa sắp trở về, đó là một sự giải phóng. Đó cũng là một niềm vui, một nỗi vui mừng không lệ thuộc và những đổi thay của cuộc đời, vì nó phát ra từ một nguồn vĩnh cửu. Đó cũng là một sự bình an dù sống giữa cuồng phong, sự bình an đã được Đấng phải đến bảo đảm: “Ta để bình an lại cho các con, Ta ban bình an của Ta cho các con; không phải thế gian ban cho thế nào thì Ta cũng ban cho như vậy đâu” (Ga 14,27). Cuối cùng đó cũng là một niềm hy vọng, dù đang sống trong thời đại nguyên tử, bởi vì ánh mắt ta vẫn đăm đăm nhìn về trước, tới thế giới đang đến, tới ngày cứu độ đang đang gần kề.

 

 _______________________

 

[1] x. FX Vũ Phan Long OFM, Các bài Tin Mừng Máccô dùng trong Phụng Vụ, Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 319.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á