LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm C (M. Thadeo Thọ)

Thánh sử Luca cho thấy, Chúa Giêsu đã phải chịu nhiều thử thách và cám dỗ trong sa mạc, nhưng vì Người luôn lắng nghe, vâng lời Thiên Chúa một cách triệt để và có lòng khiêm hạ thẳm sâu, nên Người đã vượt qua.

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”

(Lc 4,1-13)

M. Thadeo Thọ

Cứ mỗi Mùa Chay, là dịp chúng ta gột rửa tâm hồn, ăn chay hãm mình, cầu nguyện, hy sinh, thánh hóa bản thân, vượt qua mọi mưu chước cám dỗ nhằm để thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Hôm nay, ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Giáo hội cho chúng ta gẫm suy bài Tin Mừng Lc 4,1-13: “Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc”. Đức Giêsu là Chúa, mà cũng phải chịu mọi chước cám dỗ, huống hồ là chúng ta? Tuy nhiên, mọi thử thách và mọi cám dỗ, Chúa Giêsu đều đã vượt qua. Còn chúng ta, chúng ta có vượt qua được mọi thử thách và mọi chước cám dỗ giữa sa mạc cuộc đời được không?

Để biết được rằng, sự cám dỗ của ma quỉ trong sa mạc mạnh như thế nào đối với Chúa Giêsu và để biết được sự vượt qua dễ dàng qua của Người ra sao, để chúng ta noi gương bắt chước và thực hành các nhân đức của Người trong Mùa Chay thánh này.

* Sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu và các chước cám dỗ của ma quỉ

Thánh Luca muốn cho độc giả của ngài cùng với Chúa Giêsu vượt qua những cuộc cám dỗ trần thế, qua cuộc khổ nạn, để tiến đến sự phục sinh vinh hiển, tiến về quê trời Chúa Cha đã giành sẵn cho chúng ta. Thánh Luca viết khác thánh Matthêu là: “qua sa mạc” thay vì “vào sa mạc” chịu cám dỗ, tức là Người được Thánh Thần dẫn đi trong sa mạc và chịu ma quỉ cám dỗ (c.2). Đi trong sa mạc, nghĩa là phải trãi qua nhiều thử thách: sa mạc sỏi đá, khô cằn nắng cháy; sa mạc thiếu thốn của ăn, thức uống. Tin Mừng hôm nay diễn tả rõ ràng cuộc chiến đấu và liên tục trong sa mạc. Lời của thánh sử Luca xác định “trong suốt bốn mươi ngày” ăn khớp với động từ “được dẫn đưa” dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã đi suốt bốn mươi ngày trong sa mạc và chịu cám dỗ (x. Đnl 8,2-3), đó là hình thức tiêu biểu nhất của cơn cám dỗ đủ loại trong đó, nó đánh dấu cao điểm vụ tấn công của ma quỉ trong sứ vụ cứu thế của Người.

“Người ta sống không nguyên bởi bánh”. Chúa Giêsu rút ra từ nguồn Kinh thánh lời lẽ chân thật để đối đáp với ma quỉ trong chước cám dỗ đầu tiên. Khí cụ Chúa Giêsu dùng để chống lại ma quỉ không gì khác hơn là lấy Lời Chúa từ Thánh kinh, cũng như sự khiêm nhường của Người sẵn có (x. Lc 4,3-4). Chúa Giêsu có thể truyền cho hòn đá trở thành bánh, nhưng Người đã không làm! Vì “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng do bởi mọi Lời Thiên Chúa phán ra”. Chúa Giêsu sống bằng Lời và công việc của Cha Người. Chính vì thế, ma quỉ luôn nhắm tách rời Chúa Giêsu ra khỏi Chúa Cha trong sự tin tưởng, trong sự vâng phục tuyệt đối của Người. Chúa Giêsu luôn luôn khiêm nhường tuân phục Thánh ý Chúa Cha, thực thi chương trình Chúa Cha đã dọn sẵn cho Người: “Đức Giêsu đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và đã chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và tặng ban danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,3-4).

Trình thuật Tin Mừng của Luca hôm cho ta thấy, sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu trổi vượt trên sự cám dỗ của ma quỉ. Sứ mạng của Chúa Giêsu luôn đặt một niềm qui hướng về Cha trên trời, luôn vâng theo ý của Cha Người. Nên thánh sử đã nối kết với sự cám dỗ trong sa mạc liền sau “cuộc thần hiện” tại sông Gio-đan và sự “tràn đầy Chúa Thánh thần trên Người”. Địa vị làm Con Thiên Chúa và sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu đã được sáng tỏ (x. Lc 3,22). Trong địa vị làm Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã một lòng yêu thương, tin tưởng và gắn bó với Chúa Cha. Là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu để cho Thánh Thần dẫn đi: “Những ai được Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Theo Luca, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn đi trong sa mạc. Vì vậy, Người luôn hành động trong Thánh Thần và có khả năng tuôn trào Thánh Thần luôn mãi trong Giáo hội của Người một cách sung mãn (x. Lc 24,40). Tác giả muốn ta chú ý về chính quyền lực lạ lùng của Đấng vừa mới được tuyên bố là “Con Thiên Chúa” khi Người chịu phép rửa. Chính trong tình thế này mà ta mới hiểu được câu nói thâm hiểm của ma quỉ: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa”. Lời nói của ma quỉ đúng là xảo trá, thay vì nó nói: “Ông là Thiên Chúa”.

Sau khi chứng kiến các việc lạ lùng đối với Chúa Giêsu sự kiện Giáng sinh, biến cố thần hiện ở sông Gio-đan…chắc chắn ma quỉ phải biết rõ Đấng đứng trước mặt mình là ai? Ngài là Đấng Thiên sai của Israel, là Con Thiên Chúa! Đáng ra, ma quỉ phải nói: vì ông là Đấng Thiên sai, thì hãy dùng quyền lực Thiên sai để làm những việc lạ lùng có lợi cho ông. Sự xảo quyệt của ma quỉ đã được phơi bày.

* Cám dỗ về quyền lực

Lời hứa của ma quỉ nhằm cho Chúa Giêsu thừa hưởng một uy quyền tuyệt đối trên tất cả các vương quốc. Chúa Giêsu phải lựa chọn, hoặc nhận quyền thống trị thế giới ở đây, lúc này từ Satan, hoặc sau này từ tay Thiên Chúa (nhưng phải đi qua đau khổ và tử nạn). Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai sẽ đáp lại sự chờ mong của thế lực trần thế hay chấp nhận Người Tôi Tớ đau khổ mà người đời khinh chê, ngay cả thân nhân cũng không chấp nhận? Qua câu trả lời của Chúa Giêsu: “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa của ngươi”, cho thấy Chúa Giêsu đã chọn con đường thiết lập Nước Thiên Chúa vĩnh cửu, đối lập với nước của trần thế chóng qua. Tóm lại, chính Thiên Chúa là Đấng Chúa Giêsu tôn thờ, chứ không phải là ma quỉ!

Khác với thánh Matthêu, thánh Luca không muốn nhắc đến một ngọn núi cao, vì ngọn núi là nơi tuyệt đối dành riêng cho việc thông giao với Thiên Chúa nhờ cầu nguyện và thần hiện, chứ không phải là nơi cám dỗ. Vậy, thay vì nói đến một ngọn núi cao, từ đó người ta có thể thấy cả thế giới, Luca lại nói: “Ma quỉ đem Chúa Giêsu lên cao”, chỉ cho Người thấy toàn thế giới “trong nháy mắt” (c.5). Luca biết rõ, không có một ngọn núi nào mà từ đó có thể thấy được thế giới. Vì thế, ngài đã thay thế một chỉ dẫn địa dư mơ hồ bằng một ý niệm thời gian, để cho thấy, đây là một thị kiến rất nhanh, có tính siêu nhiên.

Ma quỉ hứa ban một quyền lực chính trị cho Chúa Giêsu trên mọi dân nước: quyền lực này, nó đang hoành hành trên trần thế, điều khiển các vương quốc trần thế để ngược đãi dân Thiên Chúa chọn, dân tin vào Thiên Chúa; quyền lực trên các vương quốc thờ ngẫu tượng. Quyền lực thế gian đã nằm trong tay ma quỉ, vì Thiên Chúa trao cho nó (x. Lc 22,53). Tạm thời ma quỉ sử dụng quyền lực chính trị, uy quyền và vinh quang của các vương quốc trần thế. Chính vì thế, ma quỉ cũng đã biểu dương quyền lực của nó và biếu tặng cho Chúa Giêsu quyền này.

“Hãy xin Ta và Ta sẽ sẽ cho con các dân nước làm sản nghiệp, toàn thể địa cầu làm lãnh thổ” (Tv 2,8). Không gì khác, Chúa Giêsu đã không nghe theo ma quỉ dụ dỗ bám vào quyền lực trần thế, nhưng đã lựa chọn thiết lập Nước Chúa trong sự khiêm nhường phục vụ, trong vâng phục thánh ý Chúa Cha. Giờ đây Chúa Giêsu đã lựa chọn đau khổ và từ nạn, để đi đến sự ân thưởng vinh quang Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Người. Vậy Chúa Giêsu sẽ là một Tôi tớ đau khổ đi vào trong cuộc đời, chỉ phục vụ và tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi! Người đã ứng nghiệm với câu Thánh kinh Người đã nói với ma quỉ: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (c.7).

Cám dỗ thứ ba: ma quỉ đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên nóc Đền Thờ và bảo: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy đứng đây mà gieo mình xuống đi, vì đã có lời chép rằng: “Thiên sứ sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp chân vào đá” (c.10-11),…và thiên sứ sẽ tay dỡi tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91), Luca đã thêm xác định này trong lời của ma quỉ, để đi sát với câu thánh vịnh 91. Ma quỉ đã xúi Người gieo mình từ nóc Đền thờ xuống để thử thách sự che chở của Thiên Chúa mà Thánh kinh đảm bảo (Tv 91,11) và chứng tỏ được mình có quyền năng. Nhưng trái lại, Chúa Giêsu cho rằng: đây là một cách thử thách Thiên Chúa, khiêu khích Thiên Chúa. Ma quỉ lạm dụng sự che chở của Thiên Chúa và ép buộc Người ra tay bảo vệ mình, song tinh thần của Chúa Giêsu đã vượt lên trên sự mưu mô của nó. Thực sự Người chỉ muốn phục vụ Thiên Chúa chứ không muốn lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa để mưu cầu lợi ích riêng; Người muốn vâng lời Thiên Chúa, chứ không bắt Thiên Chúa phục tùng mình. Và sự vâng lời đến cùng của Người đã đưa Người đến cái chết tại thành Giêrusalem, nơi đã xảy ra vụ cám dỗ thứ ba này. Chính tại Giêrusalem, Người đã tự hạ mình làm thân phận Tôi tớ của Thiên Chúa. Và chính tại nơi đây, Người có Thiên Chúa hoàn toàn bao bọc chở che; và đến giờ của Người, Thiên Chúa đã cho Người phục sinh và được tôn vinh đến muôn đời.

“Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”. Ma quỉ đã gài bẩy Chúa Giêsu, muốn Người biểu dương quyền lực sẵn có trong tay, để chứng tỏ mình. Nhưng Người đã thừa biết các trò bịp bợm, khiêu khích của chúng. Chúa Giêsu không lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa để trục lợi cho mình, nhưng Người đã hoàn toàn một lòng yêu mến, phục vụ và phụng thờ Thiên Chúa của Người. Chính vì thế, ma quỉ không làm gì được Người. Chúa Giêsu đã phải chịu các chước cám dỗ đủ loại trong bốn mươi ngày, nhưng Người đã vượt qua, đã chiên thắng nó. Ma quỉ chỉ là kẻ chiến bại trước quyền năng của Thiên Chúa; Ma quỉ đã thất bại ngay từ đầu sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, một viên tướng đã thất trận trong trận mạc đầy cam go của Chúa Giêsu. Như vậy, ma quỉ chỉ là một chiến binh tạm thời trong cuộc đời này chờ ngày tận thế!

Chúa Giêsu rời bỏ Gio-đan, đi vào sa mạc chịu thử thách, chịu cám dỗ, đây là một sự khai mào sứ vụ cứu thế bằng việc chiến thắng các chước cám dỗ của ma quỉ. Thời cứu độ của Chúa Giêsu khai mở ở đây, đồng thời cũng là thời đánh dấu khởi đầu ngày tàn của ma quỉ: “Ta đã thấy Satan từ trời rơi xuống như một tia chớp” (Lc 10,18). Chúa Giêsu đã ra tay hành động cứu thế, thì Satan phải nhượng bộ, phải nhường bước rút lui.

Trình thuật của thánh sử Luca kết thúc bằng một từ ngữ có vẻ bí ẩn: “đợi dịp”. Ma quỉ đã thất thủ, nhưng nó không buông tha, nó chỉ rời bỏ Chúa Giêsu cho tới khi có dịp thuận tiện. Bởi vậy, chúng ta không coi thường quyền lực bóng tối, chúng rình mò theo dõi chúng ta từng bước, để tìm hại chúng ta. Quyền lực bóng tối luôn rình rập chúng ta và sẽ vào cuộc ngay khi có dịp thuận tiện!

* Người Kitô hữu đối với mưu chước cám dỗ của ma quỉ

Thánh sử Luca cho thấy, Chúa Giêsu đã phải chịu nhiều thử thách và cám dỗ trong sa mạc, nhưng vì Người luôn lắng nghe, vâng lời Thiên Chúa một cách triệt để và có lòng khiêm hạ thẳm sâu, nên Người đã vượt qua. Còn chúng ta, chúng ta còn đầy dẫy những đam mê trần tục, ham muốn lợi lộc thấp hèn; trong khi đó, ma quỉ lại luôn bẻ khóa đức tin chúng ta, muốn tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, ra khỏi sự quan phòng Thiên Chúa, để chạy theo nó, kiếm chác quyền lực, tìm kiếm tiền tài danh vọng chóng qua ở đời này.

* Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh

Do cơn dói khát trong sa mạc, dân Thiên Chúa đã học cách “tin tưởng” và “vâng lời” Thiên Chúa; còn Chúa Giêsu, Người là Con Thiên Chúa, Người có đủ quyền năng, Người làm cho đá hóa bánh được, nhưng không làm, vì Người tin tưởng và vâng lời Thiên Chúa. Người đã học biết thế nào là vâng phục Chúa Cha (x. Pl 2,3) và không nghe theo lời dụ dỗ của ma quỉ. Nếu bây giờ Chúa Cha để cho Người phải chịu đói, phải chăng là để cho Người đến với niềm tin tưởng và vâng lời Chúa Cha! Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng Người đã tự hạ mình, mặc lấy thân nô lệ trong kiếp phàm nhân (x. Pl 2,2), Người tự hạ trong khiêm cung. Con đường dẫn Chúa Giêsu đi đến vinh quang thiên sai không đi qua lối biểu dương quyền lực như các vua chúa trần gian, nhưng đi qua nẻo vâng lời, lối khiêm nhường, phục vụ và lắng nghe những lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Ma quỉ là thần bóng tối, nó có thể làm bất cứ chuyện gì đen tối, xấu xa trong sa mạc cuộc đời chúng ta. Ma quỉ lợi dụng lúc ta mê, lúc ta say, lúc ta đói để cám dỗ chúng ta, nó xúi chúng ta xa lìa xa chính lộ và theo nhau làm chuyện suy đồi; chúng tụ tập rình mò, theo dõi từng bước, rình rập hãm hại mạng ta (x. Tv 51). Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn một niềm tin tưởng, lắng nghe Lời Chúa và phó thác trong tay Người. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ lực, chúng ta có thể vượt thắng được mọi cơn cám dỗ. Dĩ nhiên, chúng ta không nên liều mình trước những cơn cám dỗ khi không cần thiết! Đây là điều Chúa Giêsu đã không muốn làm khi ma qui xúi Người gieo mình trên nóc Đền thờ xuống, vì như vậy là thử thách Thiên Chúa. Nhưng, khi hoàn cảnh phải chịu cám dỗ, thì chúng ta không có gì phải hốt hoảng. Hãy nhớ rằng, với tư cách là môn đệ của Đấng đã chịu cám dỗ trong sa mạc, chúng ta đương nhiên phải trải qua cám dỗ. Lúc này, hãy làm như Chúa Giêsu: lợi dụng những phương thế siêu nhiên: tăng sức mạnh Lời Chúa, siêng năng cầu nguyện với Chúa Cha và cần nuôi dưỡng mình bằng Thịt và Máu của Đấng đã chiến thắng Satan, để cùng Người vượt qua được những chước cám dỗ đến với chúng ta.

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra! Chúng ta nên dẹp bỏ mọi đam mê, ước muốn tiền tài, danh vọng để được tự do bước theo Chúa mỗi ngày trong thanh thản. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa Cha, Đấng đã ban phát mọi của ăn, thức uống cần thiết cho con người, cho chim trời, cho hoa huệ ngoài đồng. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ nguyện cầu cùng Chúa Cha, Người sẽ ban cho lương thực hằng ngày (Kinh lạy Cha). Bánh ăn và lời mật ngọt của ma quỉ là điều không cần thiết đối với Chúa Giêsu! Xin cho chúng con biết tin tưởng lắng nghe và phó thác nơi Chúa và đừng nghe theo lời mật ngọt của ma quỉ mà làm những điều tác hại cho đời sống đạo của chúng con. Xin cho chúng con luôn tin tưởng Chúa và chỉ tôn thờ một mình Người mà thôi! Tiền bạc, của cải, địa vị, danh vọng, những thứ đó đều làm con người bị lôi cuốn, nhưng nhờ Ơn Chúa, chúng con sẽ được biến đổi và trở thành một con người tự do, thanh thản bước theo Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng con. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á