LỜI CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên B (Bảo Tâm)

Người khôn là người biết chọn lựa cái nào hơn.

 

Mc 10, 17  - 27

Tiền của và khôn ngoan

Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.(Mc10,17)

Ngày nay người ta thường quan niệm: “Có tiền mua tiên cũng được”, câu  nói cho thấy cách nhìn sai lầm của một loại người quá đề cao sự giàu có và sung túc. Họ cho rằng tiền bạc có thể mua được mọi thứ, kể cả hạnh phúc. Quan niệm như vậy thật sai lầm, vì con người đâu chỉ là xác thân, đâu chỉ tìm miếng ăn, đâu chỉ là vật chất phôi pha như phù vân. Chính vì thế, Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã cảnh tỉnh những con người quá coi trọng tiền bạc mà quên đi cứu cánh cuộc đời. “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.(Mc10,17) Một câu hỏi khá thú vị của một người giàu có. Câu hỏi cho thấy sự thiện chí của người giàu kia, nhưng cũng là bài học cho mỗi người chúng ta phải sử dụng tiền bạc thế nào cho khôn ngoan, theo ý định của Thiên Chúa.

Tiền của vật chất theo quy luật tự nhiên là phương tiện cho đời sống con người. Đức Giêsu không lên án tiền bạc một cách ngây thơ và không thực tế. Ở Nagiarét Người đã có một nghề nghiệp, làm mộc giúp cha mẹ kiếm tiền để sinh sống. Người đã trải qua kinh nghiệm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được miếng cơm manh áo. Nhưng ở đây, Đức Giêsu muốn ta có thái độ nào khi sử dụng tiền bạc? Chúa lên án con người nhìn tiền của là một thứ vạn năng, mang lại sự hưởng thụ thỏa mãn con người. Điều này vừa có nghĩa tiền có sức mạnh khống chế và chi phối tất cả những suy nghĩ, hành động của con người, khiến cho con người nô lệ trong lòng tham và ham mê tột độ. Nó có sức hủy diệt con người. Bởi tiền của không mua được sự sống đời đời. Nhưng có một cách mua được Sự sống đời đời, đó là “cho đi”. Mua bằng cách là “cho đi”. Đằng nào cũng vậy thôi. Mua thì cũng phải mất tiền; cho đi thì ta cũng mất tiền thôi. Thế nhưng nghe nói “cho đi” thì ta lại thấy tiếc và không làm được, như chàng thanh niên trong bài Tin mừng: buồn rầu và bỏ đi. Nghĩa là bỏ sự sống đời đời. Như thế thì có khôn ngoan không?

 Người khôn là người biết chọn lựa cái nào hơn.

Ta hãy thử tính xem cái nào hơn. Ta bỏ tiền ra mua những thứ ở đời này, giá cả cũng ba cọc, ba đồng. Có thứ tiền triệu, tiền tỉ. Đó là những thứ dùng cho sự sống đời này. Giỏi lắm là 100 năm là cùng. Còn sự sống đời đời, cả 1000 năm, mãi mãi, đời đời, kiếp kiếp, đương nhiên giá cả phải mắc hơn chứ. Vậy thì ta sẽ đầu tư vào cái nào thì khôn ngoan đây?

Tiền của làm cho ta dại; tiền của không mua được sự khôn ngoan. Ngay cả sự khôn ngoan của con người. Muốn khôn thì phải học, chứ không mua được. Ta dùng tiền để học, chứ không dùng tiền để mua. Có tiền chưa chắc ta đã khôn ngoan, nếu ta không lấy tiền đó đóng học phí. Còn có khôn ngoan chắc chắn sẽ có tiền và có nhiều tiền. Vì biết cách suy nghĩ, biết tìm tòi những cách làm mà người khác không nghĩ ra.

Có tiền mà không có khôn ngoan, cũng khó mà giữ tiền; không biết xài tiền, không biết đầu tư, thì có bao nhiêu tiền rồi cũng hết. Ăn xài phung phí, sẽ “tiền mất, tật mang”, sẽ mang bệnh này, bệnh nọ. Nếu không qua khỏi mà chết đi; tiền của cũng không mang theo được, để lại cho người khác dùng. Rốt cuộc tay “trắng vẫn hoàn trắng tay”, đời này không được gì, mà đời sau cũng không luôn.

Giàu có mà dại hay nghèo khó mà khôn, ta chọn cái nào?

 Thật ra người giàu họ cũng khôn nhưng đó là cái khôn của con người.

Người khôn mà nghèo khó, (không phải là nghèo mạt rệp, không có gì ăn) là họ không đầu tư vào trần gian này, họ đầu tư vào thiên đàng. Đến lúc chết thì mới biết ai khôn hơn ai.

Thực tế mà nói, ai đầu tư vào thiên đàng là người khôn, vì ai ai cũng phải chết và muốn được lên thiên đàng. Muốn được lên thiên đàng ta phải có sự khôn ngoan của Chúa. Đức khôn ngoan của Chúa thì hơn tất cả, hơn cả vương trượng, ngai vàng; hơn cả trân châu bảo ngọc. Vàng trên thế giới so với Đức khôn ngoan chỉ là cát bụi; bạc so với Đức khôn ngoan chỉ bùn đất thôi (Kn7,8-9). Và cùng với Đức khôn ngoan, mọi sự tốt lành sẽ đến với tôi (Kn7,11). Quả thật, được sống trong bình an và hạnh phúc thì không có gì bằng. Có nhiều tiền mà bất an; có nhiều của mà bất phúc thì có ích lợi gì. Lại nữa không mua được Nước trời; không có được sự sống đời đời thì khốn khổ và thất bại. Được một chút đời này mà mất cả đời sau thì không khôn ngoan chút nào. Sự khôn ngoan này ta không cần mất tiền để mua, ta cần phải xin Chúa và thực hành Lời Chúa.

Vậy ta phải có sự khôn ngoan của Chúa. Nhưng sự khôn của Chúa dạy ta hôm nay là gì? Có phải đem hết tiền bạc, của cải đem bố thí hết cho người khác không? Không phải thế, đem bố thí hết thì ta lấy gì mà sống. Ta phải giữ các điều răn Chúa dạy và nhất là không coi tiền của là Chúa của mình. Người ta thường nói: “Tiền là một tên đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu”. Tiền của mà làm chủ, làm Chúa của ta thì nguy, vì như thế vì tiền ta có thể làm bất cứ việc gì dù xấu hay ác. Tiền phải là đầy tớ của ta mới được. Ta hãy dùng tiền của mà mua lấy sự sống đời đời. Ta theo Chúa và phụng sự Chúa chứ không theo tiền của và phụng sự chúng. Đó chính là sự khôn ngoan của Chúa. Ta sẽ được cả đời này lẫn đời sau.

Vì thế, hơn bao giờ hết người môn đệ Đức Giêsu hôm nay phải nhớ rằng tất cả của cải vật chất và tinh thần đều xuất phát từ Thiên Chúa trao, Ngài ban cho chúng ta quản lý, cho nên, một đàng ta phải thận trọng giữ gìn và phát triển những thứ ấy, đàng khác ta phải trung thành và khôn ngoan sử dụng nó theo ý Chúa là dùng để làm vinh danh Thiên Chúa cũng như làm lợi ích hồn xác của ta và anh em mình. Ngay trong mối tương quan của chúng ta với những thực tại cần thiết cho cuộc sống thế tạm, Thiên Chúa vẫn phải chiếm vị trí mang tính quyết định. Ta được mời gọi đừng để cho những lo toan về các nhu cầu của cuộc sống, hoàn toàn chi phối tâm trí chúng ta, đến nỗi chúng ta đánh mất sự tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha chúng ta.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á