LỜI CHÚA

Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai, Tuần IV MV, A: Kiên trì và tin tưởng vào Chúa

Qua hai câu chuyện về Samson và Gioan Tẩy Giả chúng ta thấy cha mẹ của hai ông đã rất kiên trì cầu nguyện và sống đẹp lòng Chúa. Qua đó, chúng ta cũng phải biết tin tưởng vào Chúa, kiên trì cầu nguyện và sống đẹp lòng Chúa.

 

 

KIÊN TRÌ VÀ TIN TƯỞNG VÀO CHÚA

(Tl 13,2-7.24-25a; Lc 1,5-25)

 

Tùng Linh

 

Chúng ta đang sống trong tuần cao điểm Mùa Vọng, chuẩn bị đón mừng Ngôi Hai Giáng Sinh. Chúng ta biết có những nhân vật trong Kinh Thánh liên quan đến Chúa Giêsu, cả trong Cựu ước lẫn Tân ước. Một trong những vị có tương quan gần nhất với Chúa Giêsu Hài Đồng, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Tin Mừng hôm nay thuật lại thời thơ ấu, nói đúng hơn sự thụ thai đặc biệt của bà Êlisabeth, mẹ của ngài. Gọi ngài là Tiền Hô vì đó tên gọi theo sứ vụ: dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến.

 

Giống như việc sinh hạ Gioan Tiền Hô, Bài đọc I kể cho chúng ta nghe câu chuyện về Samson. Sách Thủ Lãnh thuật lại: “Có một người đàn ông ở Xorơa, thuộc chi tộc Đan, tên là Ma-nô-ác. Vợ ông son sẻ và không sinh con. Sứ giả của Đức Chúa hiện ra với người vợ và nói với bà: “Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai. Vậy bây giờ phải kiêng cữ: đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch. Vì này bà sẽ có thai và sinh một con trai. Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một Nadia của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philitinh” (Tl 13,2-5).

 

Trong bài Tin Mừng, thánh Luca thuật lại cho chúng ta nghe câu chuyện về Gioan. Cha ngài, ông Giacaria, và mẹ ngài là Elisabeth đều là những người công chính, thánh thiện, tuân giữ nghiêm ngặt luật Chúa không thể chê trách được. Dầu tuổi cao nhưng họ lại không có con. Một ngày kia khi Giacaria thi hành phận vụ tại đền thờ, một thiên thần đã hiện ra và nói với ông: Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin: bà Êlisabeth vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Nó sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần (Lc 1,13-17). Thánh Kinh ghi nhận rằng: Gioan lớn dần, tinh thần dũng mạnh và ở trong hoang điạ cho đến ngày thi hành sứ vụ. Khi ấy, ông đi khắp vùng quanh sông Giođan rao giảng sám hối và thực hiện phép thanh tẩy (x. Lc 3,1-18). Thật vậy, cuộc đời thánh Gioan gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: Gioan loan tin nhưng Chúa Giêsu là thông điệp; Gioan “dọn đường”, nhưng Chúa Giêsu chính là “Đường”; Gioan là “là tiếng kêu trong hoang địa” để loan báo về Chúa Giêsu, là “Lời ban sống sự sống đời đời”; Gioan nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu làm hoàn hảo lời hứa đó; Gioan rao giảng thúc dục người ta sám hối, nhưng Chúa Giêsu mang lại ơn tha thứ; Gioan làm phép rửa tỏ lòng sám hối là để báo trước Phép Rửa tha tội mà chính Chúa Giêsu sẽ lập khi Ngài đến nhận phép rửa của Gioan nơi dòng sông Giođan[1]. Cuối cùng, ngay cả cái chết của Gioan để“làm chứng” cho công lý và sự thật, cũng là một phần không thể tách rời khỏi sứ mạng“dọn đường” cho Chúa Giêsu.

 

Nhìn vào hai người đàn bà son sẻ, vợ của Giacaria và Manoac, tuổi đã già vậy mà sinh được hai người con, là Gioan Tẩy Giả và Samson. Qua hai câu chuyện về Samson và Gioan Tẩy Giả chúng ta thấy cha mẹ của hai ông đã rất kiên trì cầu nguyện và sống đẹp lòng Chúa. Qua đó, chúng ta cũng phải biết tin tưởng vào Chúa, kiên trì cầu nguyện và sống đẹp lòng Chúa. Trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, nhiều khi niềm tin của chúng ta bị thử thách bằng thời gian, đôi khi trong sự chờ mong của chúng ta bị đánh đổi bằng đau khổ và nước mắt. Thiên Chúa để chúng ta chờ mong như vậy, không có nghĩa Ngài là vị Thiên Chúa vô cảm, nhưng qua đó, Thiên Chúa muốn biểu lộ quyền năng mạnh mẽ hơn.

 

Thiên Chúa quyền năng mạnh mẽ đó đã nhập thể làm người trong cung lòng trinh nữ Maria qua biến cố truyền tin, để Đức Maria mang thai Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhìn lại biến cố truyền tin này, chúng ta có một sự so sánh nhỏ với biến cố truyền tin cho ông Dacaria. So sánh sự kiện truyền tin cho Dacaria và Đức Maria ta thấy rõ sự khác biệt:

 

Hoàn cảnh gia đình, ông Dacaria là một tư tế, cuộc sống gia đình có phần khá giả. Đức Maria là một thôn nữ nghèo.

 

Sứ thần truyền tin cho ông Dacaria trong Đền Thờ khi ông làm nhiệm vụ dâng hương. Sứ thần truyền tin cho Đức Maria trong một gian phòng nghèo nàn ở làng Nazareth.

 

Nơi sinh hạ của Gioan ấm cúng, có bà con thân thuộc đến chúc mừng. Nơi sinh hạ của Chúa Giêsu là hang bò lừa lạnh lẽo, cô quạnh, chỉ có cỏ và rơm sưởi ấm cho Ngài, không có ai thân thuộc chúc mừng ngoài những mục đồng.

 

Sứ thần Gabriel truyền tin cho ông Dacaria và cho Đức Maria về hai sự việc khó xảy ra theo suy nghĩ của con người: ông bà Dacaria có con lúc tuổi già, còn trinh nữ Maria sẽ thụ thai. Thế nhưng, thái độ của ông Dacaria và Đức Maria hoàn toàn khác nhau: đang khi ông Dacaria nặng lòng hoài nghi về điều sứ thần nói, thì Đức Maria, sau khi hiểu ý nghĩa lời sứ thần, đã mạnh dạn thưa với sứ thần: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

 

Khi so sánh, chúng ta thấy có một sự đối lập rất lớn giữa người dọn đường và Đấng sẽ đến. Qua đó ta thấy sự khiêm nhường cao thẳm của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Lời trong khi Gioan chỉ là tiếng. Chúng ta hãy nghe thánh Augustino nói:

 

Thánh Gioan là tiếng, còn Chúa ngay từ nguyên thủy đã là Lời. Thánh Gioan là tiếng trong thời gian, còn Đức Kitô ngay từ khởi đầu đã là Lời vĩnh cửu. Bỏ lời đi, tiếng còn là gì? Ở đâu không có gì để hiểu, thì chỉ là tiếng vang trống rỗng. Không có lời, tiếng chỉ đậu vào tai, chứ không cảm hóa được tâm hồn. Khi lời đã chuyển tới bạn, phải chăng âm của tiếng có vẻ như tự nhủ: Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.

 

Tiên tri Isaia đã viết: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người”. Theo như tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã biết chúng ta từ khi chúng ta từ trong lòng mẹ, và luôn có chương trình cho mỗi người chúng ta. Nhưng trong một giây phút nào đó chúng ta dùng tự do của mình ra khỏi chương trình ấy. Như Samson phải lòng nàng Dalila và bị nàng dụ dỗ. Thiên Chúa có chương trình cho ông giải phóng Israel khỏi quân Philitinh nhưng vì một phút yếu lòng, ông đã sa ngã. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi ông, Ngài ban cho ông sức mạnh và ông đã giết chết hết quân Philitinh. Gioan Tẩy Giả cũng được Chúa ban cho sứ vụ làm ngôn sứ của Đấng Mesia, và sứ vụ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa. Nhưng trong một khoảnh khắc lạc vào đêm tối đức tin, ông đã phân vân không biết Đức Giêsu có phải là Đấng Mesia không? Tuy nhiên ông đã thỉnh ý Chúa và có câu giải đáp. Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn cũng trong một khoảnh yếu lòng đã thưa lên với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được thì cho con khỏi uống chén này”. Nhưng cùng lúc đó Ngài bừng tỉnh: “Nhưng đừng theo ý con mà vâng theo ý Cha”. Cho dù chúng ta có tội lỗi, có đi lạc lối thì Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn yêu thương, chăm sóc chúng ta như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, như mục tử đi tìm con chiên lạc.

 

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta gặp biết bao biến cố xảy ra trong cuộc sống xã hội, trong Giáo Hội và ngay cả trong tâm hồn mỗi người. Xin Chúa củng cố lòng tin trong mỗi người chúng ta để chúng ta nhận ra uy quyền của Chúa và suy phục Chúa, để chúng ta biết tin vào Chúa, tin vào nhau và cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, đặc biệt trong những ngày Mùa Vọng này.

 

 _______________________

 

 

[1] Lm Gioan B. Vũ Quốc Đạt - Nhóm suy niệm BC, gpbuichu.org

 

 

Thiết kế Web : Châu Á