LỜI CHÚA

Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, B: PHÉP RỬA CỦA GIOAN VÀ CỦA CHÚA GIÊSU

Phép rửa của Chúa Giêsu được thực hiện trong Thánh Thần. Chính Thánh Thần là tác nhân chính, hướng dẫn Chúa Giêsu thực hiện Công trình cứu độ loài người; cũng chính Thánh Thần được ban cho các tín hữu trong Bí tích Rửa tội, để biến họ thành chứng nhân của Chúa Kitô.

 

 

PHÉP RỬA CỦA GIOAN VÀ CỦA CHÚA GIÊSU

(Is 55,1-11; 1 Ga 5,1-9; Mc 1,7-11)

 

Sỹ Thọ

 

Tôi làm phép rửa bằng “nước”, nhưng có Đấng đến sau tôi sẽ làm phép rửa cho anh em bằng “Thánh Thần”, đó là lời tuyên bố của Gioan Tẩy Giả. Làm phép rửa bằng nước là một nghi thức của tuyền thống Do Thái, lấy nước rửa con người bên ngoài, nhưng còn ý nghĩa biểu tượng là rửa sạch vết thương tội lỗi trong tâm hồn. Như thế, phép rửa bằng nước là một nghi thức bên ngoài để làm dấu chỉ thanh luyện con người bên trong; phép rửa này chính Gioan đã làm và mỗi thành viên trong Giáo hội Công giáo cũng có thể làm; nhưng từ phép rửa bằng nước này cộng với niềm tin xác tín vào Đấng có quyền phép tẩy luyện tâm hồn, và nhờ đó, con người sẽ được cứu độ. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, Đấng có thể thanh luyện tâm hồn con người đã hiện diện qua lời tuyên bố của Gioan: “Đấng đó là Đấng làm phép rửa bằng Thánh Thần”. Làm phép rửa bằng nước, người phàm có thể làm được; nhưng làm phép rửa bằng Thánh Thần thì chỉ có Thiên Chúa mới làm được.

 

Làm phép rửa bằng nước

 

Thánh Gioan Tẩy Giả cho dù có thuộc về phong trào Êxêni ở Qumrân hay không, nhưng phép rửa của ngài tương tự phép rửa của người Êxêni, cả hai đều diễn tả một sự hoán cải nội tâm: hành vi của con người vừa là ân huệ của Thiên Chúa; hoán cải để chuẩn bị tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Tuy nhiên, Gioan khác người Êxêni hai điểm: không nghĩ tội lỗi gây nên một sự ô nhơ nơi thân xác; không buộc các hối nhân phải sống một năm thử thách; mà ở đây chỉ ban phép rửa một lần, vì đây là hành vi chuẩn bị cuối cùng để đón Đấng Mêsia ngự đến[1].

 

Tương hợp với Isaia nói về tiếng nói của ‘người loan báo’, hoạt động của Gioan được mô tả như là việc “hô to”, “công bố”, “phổ biến”. Hành vi này đã đưa ông tới gần Đức Giêsu, các môn đệ, Tin Mừng và các sứ giả đức tin. Cùng với sự đối lập giữa phép rửa của ông với phép rửa của Đấng Mêsia, ông đã loan báo: có Đấng quyền thế hơn ông đang đến và những việc kỳ diệu mà Đấng đó làm là cả một việc lớn lao hơn ông gấp bội phần, đến nỗi, quai dép của Người ông cũng không xứng đáng cúi xuống để cởi (x. c.7). Gioan cho rằng, phép rửa của ông không phải là một phép tha tội, nhưng chỉ là phương thế giúp người ta bày tỏ lòng thống hối và quyết tâm thay đổi đời sống[2]. Làm phép rửa bằng nước của Gioan như một nghi thức trong Giáo hội Công giáo thường làm, còn gọi là Bí tích Rửa tội. Nghi thức rửa tội này là dấu chỉ bề ngoài để thanh luyện và thánh hóa con người bên trong; Giáo hội Công giáo đã lập một quy ước chung như thế, để các tín hữu khi chịu Bí tích này sẽ được lãnh nhận ơn siêu nhiên của Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa đã sinh ra trong lòng chúng ta khi chúng ta tin Người. Từ lời tuyên tín khi chịu phép thanh tẩy bằng nước, đã cho ta gia nhập vào Hội thánh và làm con Thiên Chúa, vì đó là hành vi của niềm tin, cho dù việc làm phép thanh tẩy đó từ tay người phàm. Chúa Giêsu cũng chẳng khác chúng ta trong niềm tin vào Thiên Chúa, cùng chịu phép rửa từ tay người phàm, nhưng hành vi của Chúa Giêsu chịu là một hành vi thánh, hành vi cứu độ, hành vi tự hạ. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (c.11), đã hạ mình xuống làm một con người phàm nhân, để cứu chuộc tất cả con người phàm nhân. Chính vì thế, phép rửa trong nước từ tay Gioan Tẩy Giả đối với Chúa Giêsu như một cuộc giao duyên trong trời đất:

 

“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,

 Hòa bình công lý đã giao duyên,

Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,

Công lý nhìn xuống tự trời cao“ (Tv 84).

 

Hành vi dìm Đức Giêsu trong nước sông Giođan chính là hình ảnh tiên trưng cho cái chết của Đức Giêsu sẽ thực hiện sau này trong cuộc thương khó. Kiểu diễn tả ‘vừa lên khỏi nước’ là hình ảnh tiên trưng cho ‘sự chỗi dậy từ trong kẻ chết’ của Đức Giêsu. Từ hai hành động đầy tính biểu tượng này của Chúa Giêsu đã được tiếp diễn bằng sự cộng tác đặc biệt của Ba Ngôi Thiên Chúa: ‘Thánh Thần ngự xuống, chính là quà tặng của Chúa Cha, để đồng hành với Chúa Giêsu trên hành trình sứ vụ’; có tiếng từ trời phán: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (c. 11): hai hành động đầy tính biểu tượng đối với Chúa Giêsu cho thấy sự can thiệp trong Ba Ngôi Thiên Chúa, và là sự xác quyết sứ vụ của Chúa Giêsu. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu đã và đang thực hiện là hoàn toàn đúng với Ý Chúa Cha và trong Chúa Thánh Thần.

 

Từ nghi thức của Gioan Tẩy Giả làm phép ‘thanh tẩy trong nước’ bước sang việc ‘Thánh tẩy trong Thánh Thần’ của Chúa Giêsu là một ‘cung bậc của niềm tin’, là một chuỗi xác tín trong trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa! Một sự tiệm tiến trong ơn cứu độ, Chúa Giêsu đã hạ xuống bước đi từ nhịp bước đầu tiên của con người qua phép ‘thanh tẩy bằng nước’ từ tay người phàm. Nhưng Gioan Tẩy Giả đã cho chúng ta biết Chúa Giêsu là “Đấng Quyền thế”, “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (c. 7-8).

 

Phép rửa bằng Thánh Thần

 

Trong bài đọc 1 hôm nay cho ta màu sắc mới của thời cứu độ, của Đấng Cứu độ mà Ngôn sứ Isaia đã loan báo từ ngàn xưa với giọng khích lệ cho những người Israel sắp được hồi hương từ Babylon trở về để tái thiết đất nước: “Nước đã sẵn đây hỡi những ai đang khát… đến mua rượu mua sữa không phải trả đồng nào…”. Trong thời đại mới đó, Đức Chúa còn bảo đảm cho dân được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị, được sống, được xót thương, được hưởng phúc vinh hiển; được như vậy nếu họ lắng tai nghe, biết tìm kiếm, biết kêu cầu Đức Chúa; được như vậy nếu họ biết từ bỏ đường lối gian ác, tư tưởng phù phiếm và việc bất lương của mình. Thời đại cứu độ mà Đức Chúa hứa ban còn là thời hoạt động đầy năng động của Lời: những tâm hồn quảng đại biết đón nhận Lời của Người, chắc chắn sẽ đâm chồi nẩy lộc, để rồi được sinh hoa kết quả dồi dào. (x. bài đọc 1)

 

Trong bài đọc 2, tác giả thư thứ nhất của thánh Gioan nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ tin vào Đức Giêsu dưới hai chiều kích bổ sung cho nhau: tư cách Con Thiên Chúa, nghĩa là người được Thiên Chúa sinh ra, không chỉ lệ thuộc vào tình yêu của họ dành cho Chúa cũng như cho anh chị em của mình, nhưng trước hết phải dựa trên “thái độ tin vào Chúa Giêsu là Đấng Kitô”. Và ai là người thắng được thế gian nếu không phải là “người đã tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”. Dựa trên Tin Mừng hôm nay cũng như thư thánh Gioan, chúng ta thấy: chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng: Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới chiến thắng thế gian. Niềm tin này được xác tín trong câu kết của các lời nguyện cuối giờ kinh phụng vụ cũng như lời nguyện trong thánh lễ: “Chúng con cầu xin ‘nhờ’ công nghiệp chịu chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con”. Thật vậy, chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể đưa chúng ta tới gần Thiên Chúa, về với Thiên Chúa nhờ cuộc tái sinh của Người. (x. bài đọc 2).

 

Thái độ tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa trong Tin Mừng hôm nay đặt nền tảng trên lời chứng của chính Thiên Chúa Cha: Thần Khí, Đấng đã hiện diện để chứng thực tư cách Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu trên sông Giođan (x. c 9); còn sự tái sinh bằng máu làm ta nhớ đến cái chết của Người trên thập giá. Đây là sự kết hợp của nghi thức làm phép rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả với sự Tái sinh từ cõi chết sang cõi sống của Chúa Giêsu.

 

Phép rửa của Chúa Giêsu được thực hiện trong Thánh Thần. Chính Thánh Thần là tác nhân chính, hướng dẫn Chúa Giêsu thực hiện Công trình cứu độ loài người; cũng chính Thánh Thần được ban cho các tín hữu trong Bí tích Rửa tội, để biến họ thành chứng nhân của Chúa Kitô. Khác với các bản văn Nhất Lãm Mt 3,11; Lc 3,16: được nói đến “Thánh Thần” và “lửa”. Hình thức “gió và lửa” chủ ý mô tả biến cố triều đại Cánh chung của Thiên Chúa ngự đến. Còn Mc chỉ quan tâm đối lập nghi thức chuẩn bị của Gioan Tẩy Giả với việc thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ hoạt động của Đức Kitô, mà không nói đến phán xét chung thẩm. Bởi đó, Gioan đã nhắm đến một cuộc tái sinh tích cực bên trong con người phải nại đến “phép rửa trong Thánh Thần. Cuộc “tái sinh” cuối cùng trong Thánh Thần của Chúa Giêsu là cuộc tái sinh “từ cõi chết” bước qua “Phục sinh vinh hiển”.

 

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là cột mốc đánh dấu sự khai mở thời kỳ hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Đồng thời, Thiên Chúa Cha đã mở cửa trời và cho Thần Khí của Thiên Chúa đồng hành với Chúa Giêsu trong công cuộc Cứu độ (c. 10). Một luồng sinh khí mới đã thổi vào thời đại chúng ta như mưa nhuần tưới gội đất đai khô cằn. Khi xưa, Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi con người hoán cải để đón Đấng Mêsia và loan báo Đấng Cứu chuộc muôn dân trong việc Thánh Tẩy, thánh hóa, tái sinh con Người trong Thánh Khí và trong Máu đổ ra trên thập tự giá của Người sau đó; thì nay, chúng ta cũng xin Thần Khí tốt lành của Thiên Chúa ngự xuống chúng ta như Người đã ngự trên Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và uốn nắn chúng ta trong niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa; tin vào Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng Thánh Tẩy chúng ta trong Thánh Thần, Đấng thánh hóa và biến đổi chúng ta thành con người mới trong Nước Thiên Chúa.

 

Sau biến cố phép rửa ở sông Giođan, Chúa Cha đã mở cửa trời và cho Chúa Thánh Thần đồng hành với Chúa Giêsu trong mọi hoạt động cứu chuộc nhân loại (x. c. 10). Trong triều đại của Chúa Thánh Thần này, xin cho mọi người đang thành tâm tìm kiếm chân lý, biết lắng nghe sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần mà tin nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thân Chúa và là Đấng cứu chuộc nhân loại; đồng thời, xin Người mở trí lòng chúng con nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy, để chúng con có vốn liếng sống đạo và loan tin đạo của Chúa cho người khác.

 

Hội thánh là một cộng đoàn những người đã chịu phép nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn trung thành và nhiệt tâm với sứ mạng đã được ủy thác khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, cộng tác với ơn đã lãnh nhận và làm cho phát sinh hoa quả thiêng liêng cho bản thân và Giáo hội; đồng thời nhiệt tình giới thiệu Chúa cho những người chưa nhận biết Người như thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu.

 

Xin cho chúng ta, một khi đã lãnh nhận phép rửa tội, được làm con Chúa trong lòng Giáo hội, biết sống với tình con thảo của Cha trên trời, biết thi hành Thánh ý của Người như Chúa Giêsu và được Người yêu thương và cứu độ; để mỗi khi Thiên Chúa dõi mắt nhìn xem chúng ta đều nhìn với ánh nhìn trìu mến và nói với một lòng từ ái như Người đã nói với Chúa Giêsu: Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con!

 

______________________

 

[1] x. FX Vũ Phan Long OFM, Các bài Tin Mừng Máccô dùng trong Phụng Vụ, Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 14.

[2] Sđd, tr. 18.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á