LỜI CHÚA

Suy niệm Lời Chúa CN XXVI TN, B: VIRUS GHEN TƯƠNG

Thái độ của tông đồ Gio-an đã cho thấy các ngài vẫn mang trong mình những suy nghĩ hết sức cục bộ, nhỏ nhen, hẹp hòi. Các ông tìm cách phản đối những ai không thuộc nhóm của mình, cho dù người khác đang làm việc tốt nhân danh Chúa Giê-su. Các tông đồ chỉ muốn rằng, việc trừ quỷ, rao giảng là việc độc quyền của thầy mình và của nhóm 12 mà thôi.

 

 

VIRUS GHEN TƯƠNG

(Ds 11,25-29, Gc 5,1-6, Mc 9,38-43.45.47-48)

 

Viết Trung

 

Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghệ thông tin. Con người như đang bị cuốn vào vòng xoái của nền công nghệ tiên tiến này. Người ta đề cao tự do cá nhân và lợi nhuận kinh tế hơn Thiên Chúa hay đời sống đạo đức nhân bản và những giá trị truyền thống tốt đẹp giữa người với người trong các gia đình và xã hội. Nó đã làm cho con người ngày càng thoái hóa về đạo đức và nhân cách sống: như sự ích kỷ, ghen tỵ, vị kỷ, vô tâm và tham lam. Lối sống ích kỷ và tự do cá nhân như những con virus đã và đang ăn sâu vào con người, không chỉ trong đời sống xã hội chính trị mà còn xảy ra trong đời sống tôn giáo hay nơi các cộng đoàn tu sĩ. Thánh Giacôbê tông đồ đã nói tới sự ghen tương rằng: “Anh em thân mến, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3,16). Không đâu xa đó chính là “Virus Ghen Tỵ”.

 

Chúng ta được trải nghiệm điều này rất rõ và thiết thực qua hai nhân vật trong các bài đọc Chúa Nhật hôm nay. Giô-suê và vị Tông đồ Gio-an đã bộc lộ sự ghen tỵ của mình với những người đã được Thần Khí giúp đỡ mà không thuộc về phe mình: “Thưa Thầy, chúng con thấy đã có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố gắng ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta” (c. 38). Và câu trả lời của Chúa Giêsu đã hướng Gio-an đến một chân trời đức ái: “Đừng ngăn cản họ”. Đó cũng là điều rất thời sự đang mời gọi mỗi chúng ta phải cố gắng sống tinh thần Kitô giáo giữa thời đại hôm nay, nhất là trong hoàn cảnh Covid hôm nay. Qua thư mục vụ của TGM Giuse Nguyễn Năng, ngài gửi cho linh mục và cộng đoàn tổng giáo phận Sài Gòn ngày 28/7/2021, ngài mời gọi gia tăng cầu nguyện và nâng đỡ tinh thần cũng như hỗ trợ vật chất cho những người đang gặp khó khăn trong đại dịch. Ngài nhấn mạnh “chúng ta đóng cửa nhà thờ, chứ không đóng cửa lòng”. Mỗi người hãy là dụng cụ cho lòng thương xót của Chúa, hãy là môi miệng của Chúa, đôi tay đôi chân của Chúa”.

 

Nhưng trong thực tế cuộc sống hằng ngày, xung quanh chúng ta luôn có sự đố kỵ và đôi khi điều ấy được sinh sôi nảy nở trong lòng chúng ta từ bao giờ mà ta không hề hay biết. Một thoáng nhìn lại từ những trang đầu Kinh thánh, chúng ta thấy sự ghen tỵ đã xuất hiện: Cain đã giết Abel cũng vì ghen tỵ (x. St 4,1-16); các anh của Giu-se cũng vì ghen tỵ mà đã bán chính người em ruột của mình qua Ai Cập (x. St 37,12-28)... Và hôm nay ông Giô-suê, một nhân vật vào thời Xuất Hành trong bài đọc 1 cũng đã lấy làm ghen tỵ, khó chịu khi thấy hai vị kỳ lão có tên trong danh sách bảy mươi người được tuyển chọn trong dân để cộng tác với Mô-sê, nhưng đã không đến tập họp, hai ông này ở lại lều, vậy mà họ cũng được Thần Khí tác động  để phát ngôn như những người khác. Ông Giô-suê đã đề nghị với thầy của mình là Mô-sê: “Thưa Thầy, xin Thầy ngăn cản họ” (Ds 11,28). Vì Giô-suê cho rằng hai vị ấy đã không đến tập họp mà vẫn đón nhận Thần Khí. Sự ghen tỵ nơi Giô-suê đã bị thầy điều chỉnh lại suy nghĩ: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (c. 29). Qua thái độ mà Giô-suê thể hiện hôm nay đã cho thấy ông có cái nhìn hẹp hòi, ông muốn thầy của mình là người độc quyền sở hữu Thần Khí của Thiên Chúa. Hay nói cách khác là ông chỉ muốn ơn Chúa xuống trên thầy mình và  nơi ông mà thôi.

 

Và điều ấy không chỉ có nơi Giô-suê mà còn nơi các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay khi thấy những người khác hơn mình. Ông Gio-an nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (c. 38). Thái độ của tông đồ Gio-an đã cho thấy các ngài vẫn mang trong mình những suy nghĩ hết sức cục bộ, nhỏ nhen, hẹp hòi. Các ông tìm cách phản đối những ai không thuộc nhóm của mình, cho dù người khác đang làm việc tốt nhân danh Chúa Giê-su. Các tông đồ chỉ muốn rằng, việc trừ quỷ, rao giảng là việc độc quyền của thầy mình và của nhóm 12 mà thôi. Chúa Giê-su đã không chấp nhận lối suy nghĩ hẹp hòi ghen tỵ nơi các tông đồ. Ngài nói với Gio-an: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi liền sau đó có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9,39). Câu trả lời của Chúa Giê-su đã gợi mở cho các tông đồ phải luôn có một tâm hồn mở rộng để có thể đón nhận những người khác và hơn thế nữa là những điều khác biệt nơi người khác khi họ có thể không cùng hội cùng thuyền với mình. Như vậy, làm việc lành và kể cả việc nhân danh Thiên Chúa để làm điều tốt, không phải là việc độc quyền của một tôn giáo hay phe nhóm nào nhưng là của tất cả mọi người.

 

Thái độ của Giô-suê và tông đồ Gio-an vẫn luôn mang tính thời sự đối với tất cả mỗi người chúng ta hôm nay. Trong cộng đoàn giáo xứ hay trong một hội đoàn, một tổ chức nào đó, sự ghen tỵ giống như một con virus nguy hiểm, nó có nguy cơ làm mục rỗng cả một tập thể, biến hội đoàn xa lìa việc đạo đức và rơi vào việc chia bè phái, phe nhóm. Cuối cùng dẫn đến việc nói xấu, nói hành, đặt điều bôi nhọ để hạ bệ lẫn nhau... Vì thế, dù là nơi con người trong đấng bậc nào cũng như môi trường sống ra sao, chúng ta ít nhiều vẫn mang nơi mình sự ghen tỵ nhỏ nhen, hẹp hòi trong bản thân mình. Nó như một căn bệnh nan y khó chữa và nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Con virus Corona nhỏ bé mới chỉ xâm nhập thế giới trong một thời gian không dài mà chúng ta đã thấy được sự nguy hiểm là chừng nào. Nó làm cho cả nhân loại phải oằn mình chống trả cho đến hôm nay mà vẫn chưa qua khỏi, thì huống hồ con „virus ghen tỵ“ này còn đáng sợ hơn là chừng nào. Nó không chỉ cướp đi sự sống thể xác mà còn lấy đi sự sống vĩnh cửu. Vì thế, chúng ta phải tìm ra cho được phương thuốc chữa trị con virus đáng sợ này. Và phương thuốc đó chính là đức ái. Thánh Phao-lô tông đồ đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma về đức ái: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy ghớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,9-10).

 

Trước sự ghen tỵ của Gio-an, Chúa Giê-su đã hướng ông tới một cái nhìn đầy yêu thương hơn với người khác, có thể họ không cùng đồng hương, đồng nghiệp với mình khi họ đang làm điều tốt: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho trong những anh em bé nhỏ nhất ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Rồi trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phao-lô đã viết lên bài ca đức ái: “Đc mến  thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,4-6). Tương tự, trong thư gửi cho giáo đoàn Phi-lip-phê, ngài cũng đã viết: “Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).

 

Cũng trong bài đọc thứ 2 hôm nay, thánh Giacôbê là một chuyên gia mục vụ về đức ái cũng đã chỉ cho chúng ta: “Đừng bám vào của cải vật chất với tấm lòng keo kiệt. Vàng bạc, những thứ rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người. Nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các người” (x. Gc 5,1-3). Nghĩa là chúng ta đừng để tâm hồn mình bám vào những của cải hư mất với một sự ích kỷ nhỏ nhen nhưng hãy lo tìm cho mình những của cải trên trời bằng tấm lòng quảng đại bao dung với người nghèo khó. Như thế, đức ái chính là phương thuốc chữa trị con virus ghen tỵ đang phá hủy nhân cách tốt lành nơi mỗi người chúng ta. Và cũng chính đức ái dẫn chúng ta đi trên con đường thánh thiện. Thiên Chúa là Cha hết mỗi người chúng ta và Người luôn mời gọi con người làm việc nhân danh Chúa, cho dù một việc thật nhỏ bé tầm thường trước mắt thế gian nhưng đối với Thiên Chúa, nó vẫn có giá trị và ý nghĩa lớn lao: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Như vậy, những việc tốt và sống giới luật yêu thương là điều mọi người có thể làm và phải làm, chứ không phải là của riêng ai hay tôn giáo nào. Và như thế, điều chúng ta hy vọng là cuộc sống con người sẽ được đong đầy bằng sự quảng đại và bao dung của mỗi người chúng ta.

 

Cuộc sống là vậy, là con người, ai cũng đôi lần có lòng ghen tỵ, nhưng cái quý là ta nhận thức được, biết điều khiển nó và loại trừ nó. Thiên Chúa luôn muốn cho mọi người được sống vui và hạnh phúc ngay ở đời này và Ngài còn ban nhiều ơn trợ giúp để mỗi người đạt đến hạnh phúc bất diệt. Vì thế, dẫu chúng ta là ai hay chúng ta đã làm gì, Thiên Chúa luôn chờ đợi nơi mỗi người chúng ta với một nhân cách và con người của chính chúng ta, đừng để cho lòng ghen tỵ lấy đi bản tính tốt lành mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người ngay từ ban đầu. Nguyện xin Chúa là Cha ban cho chúng ta một tấm lòng quảng đại như Ngài để đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người. Amen.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á