LỜI CHÚA

Suy niệm Lời Chúa CN XVII TN, C: „THƯA THẦY, XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN”

Trong bài Tin Mừng hôm nay khi thấy Chúa Giêsu cầu nguyện xong, các môn đệ thưa với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Đáp lại lời xin ấy, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ và Hội Thánh của Người lời kinh căn bản của Kitô Giáo.

 

 

 

THƯA THẦY, XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN

(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)

 

 

M. Lazarô Nguyễn Hưng Quyền

 

Qua những gì được ghi lại trong các sách Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Các Tin Mừng thuật lại: “Ngài thường đến nơi vắng vẻ để cầu nguyện”, “Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện”. Qua đó cho chúng ta biết được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc cầu nguyện, vì cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là mối dây liên kết con người với Thiên Chúa.

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay khi thấy Chúa Giêsu cầu nguyện xong, các môn đệ thưa với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Đáp lại lời xin ấy, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ và Hội Thánh của Người lời kinh căn bản của Kitô Giáo. Thánh Luca đã tóm tắt lời kinh này với năm lời xin (Lc 11,2-4), còn thánh Matthêu đã để lại bản văn đầy đủ hơn với bảy lời xin (Mt 6,9-13). Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt hảo, Chúa Giêsu dạy chúng ta những điều cần phải cầu xin với Chúa Cha: “Danh Thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, xin ban của ăn, xin ơn tha tội, và xin cho khỏi sa chước cám dỗ”.

 

Có hai điều thật đáng cho chúng ta suy gẫm trong kinh nguyện này, đó là danh xưng của Thiên Chúa. Qua lời kinh này, Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Ngài đưa chúng ta vào mối tương quan hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa. Danh xưng này gợi lên lòng yêu mến và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ đón nhận lời chúng ta nguyện xin, vì chúng ta không cầu xin trong tâm thế của một người bề tôi với người chủ, nhưng trong tâm thế của một người con đối với Cha của mình: “Điều miệng nói bên ngoài, lòng trí bên trong phải công nhận. Điều ngôn từ diễn tả, tâm hồn phải cảm mến”(Thánh Ambrôsiô). Về điều này, thánh Cyprianô đã có những suy tư rất sâu sắc: “Chúa Kitô khoan dung với chúng ta dường nào! Lòng nhân hậu và từ ái của Người bao la biết mấy! Người đã muốn chúng ta dâng lời kinh này trước Tôn Nhan mà gọi Thiên Chúa là Cha, và, như Đức Kitô là Con Thiên Chúa, chúng ta cũng được gọi là con Thiên Chúa [...] Được gọi là con Thiên Chúa, chúng ta phải xử sự như con cái Người, để chúng ta vui sướng vì có Thiên Chúa là Cha thế nào, thì Người cũng vui sướng về chúng ta như vậy” (Trích bài đọc Kinh Sách, Thứ Ba, tuần XI TN).

 

Khi cầu xin với Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa „chúng con“: “xin cho chúng con”,“xin tha tội cho chúng con”,“xin cứu chúng con”. Điều đó có nghĩa là khi dâng lời cầu nguyện này lên Chúa Cha chúng ta phải đặt trong mối tương quan với anh chị em của mình. Chúng ta không cầu xin điều gì cho riêng bản thân mình, nhưng chúng ta khẩn xin Chúa Cha ban cho toàn thể Hội thánh vì chúng ta cùng là con của một Cha trên trời. Chúa Giêsu muốn chúng ta có cùng một lòng một ý trong lời cầu nguyện.

 

Vậy chúng ta phải cầu nguyện với tâm tình và thái độ như thế nào? Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Trước tiên chúng ta cầu nguyện với sự kiên nhẫn. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải cầu nguyện liên lỉ không ngừng nên sau khi dạy kinh Lạy Cha, Ngài đã kể dụ ngôn người bạn bị quấy rầy. Vì chúng ta thường hành động theo thói ích kỉ, nên đáp ứng nhu cầu của người khác chỉ vì để tránh khỏi bị quấy rầy, thì huống gì là Thiên Chúa “lại không ban những của tốt lành cho những kẻ hằng kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Cuối cùng người bạn đứng bên ngoài đã đạt được điều mình xin nhờ anh đã có lòng kiên nhẫn.

 

Chúng ta cũng nhận thấy điều này cách rõ nét hơn trong bài đọc I, trích từ sách Sáng thế, kể lại câu chuyện ông Abraham đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa tha án phạt cho dân thành Sodom và Gomorah. Nhờ kiên nhẫn mà Abraham đã thuyết phục được Thiên Chúa rút lại án phạt Người định giáng xuống. Abraham đã mặc cả với Chúa từ con số 50 người công chính xuống dần còn 10 người, và ông đã dừng lại ở con số 10 mà không dám hạ xuống thêm nữa. Cũng tình cảnh tương tự, Thiên Chúa đã phán với ngôn sứ Giêrêmia rằng: “Nếu tìm được ở Giêrusalem một người công chính thôi thì Ta sẽ tha cho cả thành” (Gr 5,1), và Người cũng phán với ngôn sứ Êdêkien: “Nếu tìm được một người đứng vững trước nhan Ta, Ta sẽ ngưng trút cơn thịnh nộ xuống” (Ed 22,30). Điều đó cho chúng ta thấy rằng lòng thương xót và ân ban của Thiên Chúa còn vượt xa so với sự mong đợi của con người. Tình thương của Thiên Chúa luôn đi bước trước, ngay cả khi chúng ta còn ngờ vực về tình thương ấy. Thiên Chúa hằng kiên nhẫn ban ơn cho chúng ta, vậy chúng ta cũng hãy kiên nhẫn kêu xin Người.

 

Thái độ thứ hai cần phải có khi cầu nguyện là phải mạnh dạn, không ái ngại. Nhiều người thường để cho sự yếu đuối, tội lỗi của mình trở thành vật cản, ngăn trở mình đến với Thiên Chúa vì cho rằng mình bất xứng. Thực tế thì trước mặt Thiên Chúa không ai trong chúng ta là vô tội, vì thế Chúa Giêsu đã đến thế gian để tìm và cứu những người tội lỗi. Trong bài đọc II, trích từ thư gửi tín hữu Côlôxê, Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta về quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã, lỗi lầm của chúng ta, Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta”. Thiên Chúa đã dùng máu Đức Kitô để thanh tẩy tội lỗi, và Ngài đã dùng nhiều cách để thể hiện tình yêu thương chúng ta, vậy tại sao chúng ta còn rụt rè, sợ hãi khi đến với Người?

 

Thái độ thứ ba được coi là nền tảng của sự cầu nguyện, đó là lòng khiêm nhường. Trong Kinh Thánh, tất cả những lời cầu xin thốt ra từ môi miệng những người bé nhỏ, khiêm nhường luôn làm mủi lòng Thánh Tâm Chúa, là trái tim mà chính Người đã nói là dịu dàng và khiêm nhường. Thánh Biển Đức đã khuyên dạy các môn sinh của mình phải luôn ý thức điều đó: “Khi muốn thỉnh cầu điều gì với người quyền thế, chúng ta đã phải khiêm tốn lễ độ, thì huống  gì với Thiên Chúa, Chủ Tể càn khôn, chúng ta lại càng phải khẩn cầu rất mực khiêm cung, với lòng sốt sắng tinh tuyền” (Tu Luật, 20). Chúng ta hãy noi gương người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, dù mang trong mình những tội lỗi, bất toàn, bất xứng nhưng với lòng khiêm nhường thẳm sâu, lời cầu nguyện của ông đã được Chúa đón nhận.

 

Ước gì thông điệp Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta đổi mới việc cầu nguyện. Người tín hữu không cầu nguyện là “Pelagio chính hiệu”, vì không cầu nguyện tức là không tin vào quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa. Khi hiểu được sức mạnh và sự cần thiết của việc cầu nguyện, chúng ta sẽ dễ dàng  đến với Chúa trong tâm thế của một người con tựa vào lòng Cha thân thưa mọi tâm tư, ước muốn.

 

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cầu xin những điều đẹp ý Chúa, và xin cho chúng con biết sống xứng với ơn Chúa ban: “Dám xin Ngài lắng tai để ý, nghe lời con tha thiết nguyện cầu” (TV 129,2).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á