LỜI CHÚA

Suy niệm Lời Chúa CN XIII TN, A: THẬP GIÁ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Kín ẩn bên trong thánh giá, cuộc đời Kitô hữu không chỉ là những từ bỏ những gì bản thân có: điều kiện thế gian, ràng buộc gia đình, nhu cầu bản thân …nhưng còn hơn thế nữa, họ đón nhận, gieo mầm, và xây dựng tình yêu trong các mối tương quan của cuộc nhân sinh như Đức Giêsu đã thực hiện. Đó cũng là những chọn lựa giá trị đích thực của cuộc đời và đời người để gắn bó cùng vác lấy.

 

 

THẬP GIÁ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

(2 V 4,8-11.14-16a; Rm 6,3-4,8-11; Mt 10,37-42)

 

 

Đình Ủy

 

Nếu thập giá nên cớ vấp phạm, hay là ô nhục cho người chưa có đức tin thì trái lại thập giá đã trở nên nguồn hy vọng và cứu độ cho các Kitô hữu. Vậy ẩn chứa trong thập giá là điều gì mới có giá trị cứu độ và điều kiện tiên quyết mà Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải có để theo Người?

 

Lời Chúa phác họa lên viễn cảnh cuộc sống ý nghĩa, sự sống đời đời, sự sống vĩnh cữu của người Kitô hữu khi họ trải qua những tiệm tiến, mọi trạng huống đều gắn liền với thập giá như: dìm vào cái chết của Đức Kitô, chết cho tội lỗi, vác thập giá mình mà theo Chúa…. và đón tiếp những ngôn sứ. Thật vậy, từ mẫu gương tuyệt vời của thầy Giêsu “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá” (Pl 2,8), thánh Phaolô đã xác tín trong thư gửi cho giáo đoàn Roma: “Khi được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào cái chết của Người” (Rm 6,3). Xác tín như thế, thánh Phaolô cho biết Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, họ đã mang dấu ấn của thập giá và gắn liền với cái chết với Đức Kitô trên thập giá. Ở trong hoàn cảnh cuộc sống, thánh giá với Kitô hữu sẽ không là thập giá của tử tội, nhưng là đòi hỏi họ chết đối với tội lỗi, để sống cho Thiên Chúa (Rm 6,10).

 

Một cách nhạy bén trước nhu cầu của người lữ khách, sách các Vua quyển thứ hai cho biết, người phụ nữ miền Sunêm đã thiện chí, quý mến và hết lòng tiếp đón ngôn sứ Elisa. Đó là hành động cụ thể từ bỏ sự ích kỷ của bản thân hướng về tha nhân (x. 2 V4,1-16). Chúa Giêsu còn đòi hỏi triệt để và gắt gao hơn: “Ai không vác thập giá mình thì không xứng là môn đệ Ta” (Mt 10,38). Môn đệ không chỉ từ bỏ những gắn bó với trần gian, mà họ còn phải chết đi cho những gì thuộc về thế gian và chính bản thân. Thập giá người môn đệ vác bây giờ là dấu chỉ họ chết cho thế gian, cắt đứt mọi ràng buộc tự nhiên (Mt 10,37), đồng ý chấp nhận thân phận bị bách hại đến mất mạng sống vì lời Đức Giêsu (Mt 23,34).

 

Đằng sau vẻ chết chóc theo thể lý, trần trụi, giới hạn của thập giá lại ẩn chứa mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian (Ga 3,16). Từ ý định tình thương cứu rỗi của Thiên Chúa Cha mà hy tế thập giá được Chúa Con hân hoan đón nhận, dâng hiến để cứu độ nhân loại. Hóa ra trong cây gỗ thập giá giương cao đã được gieo mầm, đón nhận và hy tế tình yêu cao vời Thiên Chúa. Nhìn lên thánh giá nơi treo Đấng Cứu độ, mỗi đinh sắt như cái khoan ghim chặt và khoan sâu, hết gỗ treo thì nó cũng như khoan hết đến tận cùng biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Lưỡi đòng mở toang cạnh sườn Đức Giêsu để trao ban nước, thần khí, sự sống cho con người. Người đã yêu họ đến cùng (x. Ga 13,1-15; 19,31-37).

 

Như vậy, kín ẩn bên trong thánh giá, cuộc đời Kitô hữu không chỉ là những từ bỏ những gì bản thân có: điều kiện thế gian, ràng buộc gia đình, nhu cầu bản thân …nhưng còn hơn thế nữa, họ đón nhận, gieo mầm, và xây dựng tình yêu trong các mối tương quan của cuộc nhân sinh như Đức Giêsu đã thực hiện. Đó cũng là những chọn lựa giá trị đích thực của cuộc đời và đời người để gắn bó cùng vác lấy. Con người giá trị ở cái mình là, chứ không ở chỗ những gì mình có. Hẳn thật con người là hình ảnh Thiên Chúa (x. St 2,4-7). Ở đây Kinh Thánh cho biết giá trị con người là có tự do, ý chí, phẩm giá cao quý. Thánh Phêrô đã xác tín: con người được thông phần bản tính Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,4). Chân nhận như thế, thánh nhân muốn cho biết giá trị, “cái là” con người ở chỗ thông phần bản tính Thiên Chúa. Sự hiệp thông khăng khít như một sự sống mà Chúa Giêsu đã phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5a).

 

Như vậy, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng giá trị cao cả “hình ảnh Thiên Chúa” của con người cũng có thể là sự hiệp thông trong “tình yêu Thiên Chúa”. Chúa Giêsu muốn người muôn đệ từ bỏ cái con người có, chiếm hữu, hay những gì bên ngoài của thập giá, nhưng vác lấy, đón nhận, thủ đắc và dâng hiến đó là tình yêu Thiên Chúa đã trao tặng. Tình yêu mà “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu thương anh em như vậy” (Ga 15,10). Đó cũng là lời gọi mời liên lỉ, hãy vác lấy thập giá, mang lấy tình yêu Thiên Chúa mỗi ngày và sinh hoa trái yêu thương cho bản thân, gia đình, cộng đồng và anh chị em nhân loại. Có như thế, thập giá của Kitô hữu trên hành trình của thân phận con người sẽ không còn nặng vai, chùn bước mà họ sẽ tin tưởng, hy vọng, và yêu mến bước tới quê trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu Chúa để chúng con gieo mầm, xây dựng, sẻ chia tình yêu Chúa từ đôi bàn tay, bờ vai, ánh mắt đến trái tim cho anh chị em như bước đi mang thánh giá lên Calvariô. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á