LỜI CHÚA

LỄ THÁNH GIA, NĂM C: "MẪU GƯƠNG VÂNG PHỤC CỦA THÁNH GIA" (Minh An)

Tắt một lời, Gia đình Thánh Gia Nazarét xưa, có thể được gọi là Thánh Gia Tuân Phục. Tuân phục Chúa, tuân phục các lề luật trong mọi hoàn cảnh

 

Lc 2, 41-52

"MẪU GƯƠNG VÂNG PHỤC CỦA THÁNH GIA"

Minh An

Khi nói đến Gia Đình Thánh Gia Nazarét xưa, ta nghĩ ngay đến một điều rất đặc biệt và quan trọng, đó là cả gia đình nên thánh bởi luôn tuân phục thánh ý của Thiên Chúa.

Đúng vậy, nếu chúng ta có ca ngợi những điều kỳ diệu được gán cho gia đình Thánh Gia Nazarét xưa như: thánh thiện, công chính, hạnh phúc... mà quên đi một đặc tính quan trọng “ sự vâng phục” của tất cả mọi người trong gia đình này thì thật là thiếu sót. Chính do bởi sự vâng phục của tất cả mọi người trong gia đình  mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thành toàn cách tốt đẹp.

 

*Mẫu gương Vâng phục của Đức Giêsu

Có thể nói được rằng, Đức Giêsu là mẫu gương vâng phục đầu tiên trong gia đình Thánh Gia. Người vốn là Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình, vâng phục Chúa Cha, xuống thế làm người và sống như mọi người. Chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm được sự sống Thần Linh nơi Ngôi Lời nhập thể, nên đã xác định mạnh mẽ cho chúng ta biết rõ điều đó: “ Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,  nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(Pl 2, 6-8).

Chính vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha, xuống thế làm người và cứu chuộc muôn người. Không những thế, khi mặc lấy xác phàm, Đức Giêsu đã sống trong một gia đình có cha mẹ trần gian, Người cũng luôn tuân phục họ như vâng phục Chúa Cha.

Đúng thế, ngoài việc tuân phục Chúa Cha, xuống thế làm người, Đức Giêsu khi sống ở gia đình Thánh Gia Nazarét, Người cũng luôn tuân phục Đức Maria và thánh Giuse. Thánh sử Luca dường như đã được mạc khải để biết rõ về sự tuân phục của Chúa Giêsu đối với cha mẹ trần gian, nên đã chép lại rằng: “ ...sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2, 51).

Với vai trò là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tuân phục Chúa Cha để ơn cứu độ được thành toàn. Với vai trò là con người, Đức Giêsu vâng phục cha mẹ trần gian, để luôn chu toàn lề luật và đáp trả lời thảo hiếu đối với các ngài. Người đúng là mẫu gương vâng phục tuyệt hảo trong gia đình Thánh Gia.

 

*Mẫu gương Vâng Phục của Mẹ Maria

Nếu trong ngày Truyền Tin, Mẹ Maria không đáp tiếng “xin vâng”, liệu Thiên Chúa có thực hiện được chương trình cứu chuộc của Người không? Ngôi Lời có nhập thể trong cung lòng của Đức Mẹ và làm người như ta được không? Có lẽ là không!

Nhờ Đức Maria thưa tiếng “Xin Vâng” mà Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng của Mẹ và chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa được thành toàn: “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Mẹ Maria không những chỉ tuân phục ý Chúa trong biến cố Truyền Tin, nhưng mẹ còn luôn tuân phục trong mọi nơi và mọi hoàn cảnh sống của Mẹ. Ngày Mẹ dâng con vào đền thờ để tiến dâng cho Đức Chúa, đã làm nổi bật lên sự tuân phục của Mẹ trong việc chu toàn lề luật: “ Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Đức Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa...” (Lc 2, 22-23).

Mẹ Maria quả đúng là mẫu gương tuyệt hảo trong việc tuân phục Thiên Chúa, và tuân phục lề luật. Chúng ta cám ơn Mẹ, vì đã mở rộng cõi lòng đáp tiếng “Xin Vâng”, nhờ thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa đã đến với cả nhân loại và với mỗi người chúng ta.

 

*Mẫu gương Vâng Phục của thánh Giuse

Thánh Giuse, con người của thinh lặng, nhưng điểm nổi bật cần nói đến nơi Ngài chính là sự tuân phục. Tuân phục Chúa, và tuân phục mọi lề luật kể cả lề luật trần gian.

Có lẽ biến cố làm cho thánh Giuse đau khổ, bối rối nhất là sự kiện Đức Maria mang thai. Ngài đã phải đau khổ, tính toán con đường “ đào tẩu” để thân ai nấy lo, việc ai nấy chịu và cũng sẽ không còn gây khổ cho nhau. Ngài tính là thế, nhưng Chúa tính khác cho Ngài. Và Ngài đã tuân phục ý Chúa hơn ý mình: “Này ông Giuse là con cháu Đavid, đừng ngại đón bà Maria là vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21).

Khi được mạc khải cho biết, Đức Maria mang thai là do quyền năng của Thiên Chúa, Giuse đã mạnh mẽ vâng phục Thiên Chúa, và làm theo những gì Chúa truyền dạy, nhờ thế, thánh ý Chúa được thể hiện và Giuse cũng trở nên con người công chính.

Không những thế, Giuse cũng còn là con người luôn tuân phục những lề luật trần gian. Biến cố Giuse trỗi dậy, vội vã lên đường đưa Mẹ Maria trở về quê hương để ghi danh, theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô, trong khi Maria đang mang thai và gần tới ngày sinh nở. Trong biến cố này, đang trên đường trở về quê hương thì Đức Maria đã sinh Hài Nhi Giêsu tại Bêlem (x. Lc 2, 1-7).

Sự vâng phục của thánh Giuse, còn được thể hiện rõ khi Ngài đang đêm phải trỗi dậy đưa Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai cập để trốn sự bách hại của bạo chúa Hêrôđê:Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (14) Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập” (Mt 2, 13-14). 

Như thế, rõ ràng nhờ sự tuân phục của thánh Giuse, mà mọi biến cố khó khăn trong đời sống gia đình của Ngài đã được Thiên Chúa gìn giữ và làm cho êm thỏa. Ngài chính là mẫu gương tuyệt vời về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, đáng được chúng ta noi gương bắt chước.

 

Tắt một lời, Gia đình Thánh Gia Nazarét xưa, có thể được gọi là Thánh Gia Tuân Phục. Tuân phục Chúa, tuân phục các lề luật trong mọi hoàn cảnh, đáng là gương mẫu tuyệt hảo cho đời sống của các Cộng đoàn tu trì và các gia đình sống đời hôn nhân.

Trong ngày mừng Lễ Thánh Gia hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi không những chỉ chiêm ngưỡng về hình ảnh một gia đình thánh. Nhưng, chúng ta còn phải biết cám ơn các Ngài và ra sức học hỏi về mẫu gương vâng phục của mỗi người trong gia đình Thánh Gia, hầu có thể làm trọn thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống đức tin của mình. Đồng thời, qua việc tuân phục Thiên Chúa, chúng ta cũng trở nên gương sáng đức tin, để làm cho danh Chúa cả sáng, nước Chúa hiện trị.

Thiết kế Web : Châu Á