LỜI CHÚA

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa: “CHỨNG NHÂN BẰNG LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG” (Minh An)

Kitô hữu muốn trở thành chứng nhân của Thiên Chúa, thì lời nói của mình phải thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô, nghĩa là lời nói của mình phải đượm tình bác ái yêu thương

 

Mc 1, 7- 11

 

CHỨNG NHÂN BẰNG LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG”

 

         Đức Phaolô VI đã từng nói rằng: Con người thời nay, tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân rồi”. Quảng diễn rộng hơn thì nói hay, giảng giỏi mà không sống đúng với điều mình giảng dạy là phản chứng, phản lại cách sống của mình. Còn nói giỏi giảng hay, nhưng sống đúng với chân lý đích thực không những giúp nhiều người tin theo mà còn đưa họ đạt đến sự thánh thiện trong Thiên Chúa tình yêu.

Bài tin mừng trong ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, thánh sử Marcô cho ta thấy, vị Gioan tiền hô quả đúng là mẫu gương về cách sống và làm chứng cho Tin Mừng của Thiên Chúa. Ông sống giản dị, ăn mặc bình thường, đầy lòng khiêm tốn, lời giảng đơn sơ nhưng rất hùng hồn. Chính lối sống và cách giảng của ông đi liền với nhau đã đánh động được nhiều người tin theo: “Ông Gioan đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem, kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng giây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (Mc 1, 4-6). Chính lòng khiêm tốn và ý thức vai trò ngôn sứ của mình, nên ông Gioan đã không nói về mình, không khoe mình, hay không tỏ ra mình là người khôn ngoan, tài giỏi có sức thu phục lòng người. Nhưng, ông chỉ giảng về Chúa, hướng dẫn người khác đến với Chúa để nhận ơn cứu độ của Người, còn ông rút lui theo số phận đã được định sẵn: “Ông rao giảng rằng, có Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho người. Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8). Và phải chăng, chính lời rao giảng và cách sống chứng nhân của Gioan tiền hô đã giúp cho con người ta đón nhận được mạc khải của cả Ba Ngôi Thiên Chúa tình yêu nơi sông Gio-đan?

 Thật vậy, sau lời rao giảng của Gioan tiền hô là sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Ngôi Hai nhập thể; Chúa Giêsu đã đến sông Gio-đan và đón nhận phép rửa của ông Gioan. Có thể nói được rằng, nơi dòng sông Gio-đan “dịu ngọt” này, tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải cách đầy đủ và trọn vẹn nhất; Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Con xuất hiện như mọi người nơi dòng sông Gio-đan, Chúa Thánh Thần lấy hình bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu, và Chúa Cha ban lời tán dương ca ngợi con yêu dấu của mình: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazarét, miền Ga-li-lê đến và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng, Con là Con yêu dấn của Cha, Cha rất hài lòng về con” (Mc 1, 9-11).

Quả đúng là vi diệu quá! Nơi dòng sông Gio-đan êm dịu đó, Gioan làm phép rửa cho biết bao nhiêu con người, nhưng cũng chỉ là phép rửa tầm thường, không có sự kiện thần linh nào xuất hiện. Còn Chúa Giêsu nhận phép rửa cũng nơi dòng sống đó thì tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải đầy đủ và trọn vẹn. Đúng là vi diệu quá, làm sao ta hiểu hết được mầu nhiệm lạ lùng này? Thánh Gioan tiền hô, vị chứng nhân của Tin Mừng đã rất đúng khi chấp nhận mình chỉ là người dọn đường, người giới thiệu Chúa cho muôn người, mình không xứng đáng xách quai dép cho Chúa…vì Chúa là Đấng cao cả, còn mình chỉ là phàm nhân thấp hèn: “Có Người đến sau tôi, nhưng quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (Mc 1,8).

Noi gương vị Gioan tiền hô, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng nhân cho Chúa một cách cụ thể bằng những lời nóithực hành đời sống đạo của mình.

Bằng lời nói: Kitô hữu muốn trở thành chứng nhân của Thiên Chúa, thì lời nói của mình phải thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô, nghĩa là lời nói của mình phải đượm tình bác ái yêu thương, chứ “đừng nói lời gian ác điêu ngoa”(x.1Pr 3,10), làm mất lòng người, làm biến chứng đời sống đức tin.

Bằng cách thực hành đời sống đạo: chúng ta cũng phải thể hiện được cốt lõi của Tin Mừng. Điều cốt lõi ấy được Đức Giêsu tóm gọn trong cụm từ “mến Chúa và yêu người”. Mến Chúa” là làm đẹp lòng Chúa bằng cách sống đúng những điều Chúa dạy và “yêu người thân cận như chính mình”, nghĩa là: phải thể hiện bằng lối sống bác ái với tha nhân. Khi chúng ta thực hiện tình yêu thương với mọi người, thì họ sẽ nhận ra Thiên Chúa của chúng ta là ai. Và có lẽ, Chúa Cha cũng sẽ tuyên dương chúng ta như đã tuyên xưng Con của Ngài rằng: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con”.

 

Minh An.

Thiết kế Web : Châu Á