LỜI CHÚA

Chúa nhật XXXI thường niên, năm A - "Cầu hồn trong thể" - Quốc Vũ

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy rằng, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu phải là trọng tâm của những suy tư và là nền tảng của những lời cầu nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay: «Khi cầu nguyện cho người quá cố, trước tiên Giáo Hội chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, Ðấng mang lại ơn cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu cho chúng ta qua thập giá của Ngài».

Chúa nhật XXXI thường niên, năm A

«LỄ CẦU HỒN TRỌNG THỂ»

LỄ I

Bài đọc 1: Gióp 19, 1.23-27

Bài đọc 2: Roma 5, 5-11

Tin Mừng: Gioan 6, 37-40

1. Bài đọc 1: Tôi biết rằng Đấng Cứu Độ tôi hằng sống.

Đoạn sách Gióp hôm nay ghi lại một trong những nét tinh thần chính của Cựu Ước. Chắc chắn trong quá trình biên soạn, tác giả đã thể hiện một đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, Đấng luôn bảo vệ và chở che những người áp bức. Gióp lúc bấy giờ dường như ở rất gần cái chết, ông bị bạn bè bỏ rơi và nhạo báng, nhưng ông vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ nhận biết sự vô tội của ông và đoái thương. Khát khao cháy bỏng sự công bằng của Gióp đã vượt qua cả ranh giới sự chết, đã báo trước và chuẩn bị cho việc mạc khải cách minh nhiên về sự sống lại của thân xác con người.

2. Bài Tin Mừng: Ai tin vào Người Con thì sẽ có sự sống đời đời.

Sau khi làm phép lạ hóa bánh nuôi đám đông dân chúng, Đức Giêsu loan báo về một thứ bánh mới: bánh ban sự sống là chính Người. Những ai đón nhận lời của Người, và những ai tin vào Người, thì sẽ được ban cho sự sống, vì được tham dự vào chính sự phục sinh của Người. Thật vậy, thánh ý Chúa Cha được biểu lộ nơi chính Đức Giêsu: là ai tin vào Người Con thì sẽ có sự sống đời đời và được sống lại trong ngày sau hết.

3. Bài đọc II: Trong Đức Kitô, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

Cuộc sống con người thường không có nhiều lạc quan. Nhưng đức tin của người Kitô hữu luôn vững chắc: trước những bất ổn của đời sống, họ vẫn kiên trung vượt qua tất cả những khó khăn, bởi họ tin rằng Thiên Chúa vẫn đoái thương họ. Sự xác tín này đặt nền trên niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã ban chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô để chết và cứu độ con người.

Trong chiều hướng đó, chính niềm hy vọng đã cho chúng ta sức mạnh để đặt trọn niềm tin vào Đấng đã từng ngồi chung bàn ăn với những người tội lỗi, để mang lấy tội của họ và của tất cả những ai dám tin vào Người.

Thật vậy, chúng ta biết rằng qua biến cố thập giá của Đức Kitô, chính Thiên Chúa đã đụng chạm vào thân phận hèn yếu và tội lỗi của chúng ta, để thứ tha và nâng chúng ta trỗi dậy.

LỄ II

Bài đọc 1: Isaia 25, 6.7-9

Bài đọc 2: Roma 8, 14-23

Tin Mừng: Luca 23, 33.39-42

1. Bài đọc 1: Thiên Chúa vĩnh viễn tiêu diệt tử thần

Với đoạn sách hôm nay, ngôn sứ Isaia đã diễn ta ơn cứu độ dưới hình ảnh của bàn tiệc đây thịt béo và rượu hảo hạng chính Thiên Chúa đã chuẩn bị cho mọi dân. Tất nhiên ý nghĩa phổ quát của bàn tiệc này nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và nó hình ảnh nói trước về yến tiệc trong Mt 8, 11; 22,2-14. Chính Thiên Chúa xé toang bức màn tối tăm bao trùm trên muôn nước, chính Người đã vĩnh viễn tiêu diệt tử thần và sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người. Với đoạn sách ngắn ngủi này, đã cho thấy một khát khao của ngôn sứ về một tương lai tươi sáng hơn, và thầm nói trước về một «Triều đại mới» sẽ đến, sẽ không còn chết chóc và khổ đau, và con người được hạnh phúc khi được diện kiến Tôn Nhan Thiên Chúa.

2. Bài Tin Mừng: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng

Đọan Tin Mừng này nằm trong phần trình thuật cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu (Lc 22-23). Phần cuối của chương 23 cho chúng ta thấy điểm đến của con đường thập giá mà Đức Giêsu đã khởi sự từ cuộc xuất hành đi về Giêrusalem (9,31). Sau khi được ông Simon, người Kyrênê vác đỡ thập giá (23,26), và an ủi những kẻ khóc thương Ngài (23,27-31), Đức Giêsu bị đóng đinh giữa hai tên gian phi (23,32). Bây giờ là thời điểm của quyền lực tối tăm: các thủ lãnh dân chúng và quân lính đứng dưới chân thập giá cười nhạo Người (23,35-38), cuối cùng, một trong hai têm trộm cũng nhục mạ Người, nhưng tên kia lại tuyên xưng sự vô tội của Đức Giêsu và kêu xin Người cứu giúp (23, 39-42). Đức Giêsu đã hứa ban Nước Trời cho người kẻ trộm sám hối: «Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (c. 43).

Qua đoạn Tin mừng này, thánh Luca cho chúng ta ngắm nhìn khuôn mặt “nhân tính” của Đức Giêsu trên thập giá giữa hai tên trộm. Chúng ta thấy Người bị các thù địch chế nhạo và các môn đệ bỏ rơi. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn bên kia dáng vẻ bề ngoài, bởi chắc chắn thánh Luca không trình bày cuộc Khổ nạn Đức Giêsu như một thất bại, nhưng như một chiến thắng của Sự Sống trên sự chết.

3. Bài đọc II: Chúng ta đợi chờ Thiên Chúa cứu độ

Đây là một đoạn thư rất hay của Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Rôma, nhắm giúp họ ý thức rằng họ đã được làm con cái Thiên Chúa và được Thần Khí hướng dẫn. Đó là một ân huệ lớn lao khi được liên kết với Thiên Chúa trong mối tương quan mới, trong tự do, và trong tình yêu con thảo với Người.

Vì thế, mặc dù đời sống hiện tại vẫn có những khó khăn và gian truân, nhưng đó chỉ là những thử thách cần thiết để dẫn đưa chúng ta đến thông phần với Đức Kitô trong đau khổ và vinh quang. Bởi những điều chúng ta phải chịu sẽ không đang là gì so với vinh quang sẽ tỏ hiện trong ngày sau hết.

«Ơn cứu độ» mà thánh Phaolô nói tới, không phải sự chết như là một sự giải thoát của thân xác, nhưng là một sự chuyển đổi trong vinh quang, được chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn và thúc đẩy đến sự viên mãn đời đời trong Thiên Chúa.

LỄ III

Bài đọc 1: 2Macabê 12, 43-45

Bài đọc 2: Khải huyền 21, 1-5.6-7

Tin Mừng: Gioan 11, 17-27

1. Bài đọc 1: Câu nguyện cho người qua đời

Đoạn sách này cho thấy khái niệm về sự sống sau các chết đã có thấp thoáng trong Cựu Ước. Chuyện ông Giuđa Macabê quyên tiền gửi về Giêrusalem để dâng lễ đền tội cho các tử sĩ cùng nói lên niềm tin vào sự sống lại của con người. Sách Macabê II viết: «Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại» (c. 43).

Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức”. (2M 12,43-45).

2. Bài Tin Mừng: Chính Thầy là sự sống

Đoạn Tin Mừng Ga 11,17-27 là một phần câu chuyện về anh Ladarô bị bệnh chết, sau đó được Đức Giêsu gọi ra khỏi mồ (11,1-46). Ladarô cùng với hai chị Mácta và Maria là gia đình thân thiết với Đức Giê-su. Khi Ladarô lâm bệnh, hai chị đã cho người đến báo, nhưng Đức Giêsu đã không đến cứu. Mácta và Maria có ý trách, vì khi Đức Giêsu trở lại Bêtania, câu đầu tiên hai chị em nói với Người: «Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết» (11,21.32). Câu này nói lên sự tiếc nuối và ước mơ của Macta cho em mình được sống, và đó chũng chính là sự khắc khoải khôn nguôi của nhân loại. Đức Giêsu đã cho Macta và maria được toại nguyện, để củng có niềm tin của họ vào sự sống đời đời trong ngày sau hết.

3. Bài đọc II: Sẽ không còn sự chết

Trong ngày phán xét cuối cùng, tội lỗi và cái chết sẽ không còn, sẽ xuất hiện một trời mới đất mới tràn ngập vinh quang của Thiên Chúa: sự sống của những người công chính sẽ bắt đầu. Như thế, chương trình cứu độ sẽ hoàn tất. Viễn cảnh này được tượng trưng bằng hình ảnh của một Giêrusalem mới, xuống từ trời, do Thiên Chúa chứ không phải bởi con người, thậm chí nó trở thành «nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại» (c. 3). Chính Người sẽ giải thoát nhân loại khỏi tội và sự chết, sẽ ban cho họ sự sống và ơn cứu độ. Mọi sự trước kia đã qua, sẽ không còn tồn tại vũ trụ ố nhơ này, nhưng sẽ xuất hiện một trời mới tràn ngập sự sống và niềm hạnh phúc.

4. Suy niệm

Mỗi năm vào ngày 02 tháng 11, chúng ta được mời gọi tưởng nhớ và cầu nguyện nhiều hơn cho những người thân, cũng như mọi người quá cố. Mặc dù cái chết xem ra là một sự chia lìa, nhưng cái chết không làm chúng ta quên đi những người đã ra đi trước; trái lại, chúng ta được liên kết với họ qua mầu nhiệm các thánh thông công. Lời kinh của chúng ta hôm nay là kinh nguyện của họ trước nhan thánh Chúa, đôi tay chúng ta giơ lên là đôi tay ủa họ dâng lên trước toà Chúa, vì chúng ta là một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô (x. 1 Cr 12, 27).

Công Đồng Trentô dạy rằng: «Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cứu giúp các linh hồn trong luyện ngục, nhưng lời cầu nguyện giá trị nhất chính là Thánh Lễ Misa».

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy rằng, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu phải là trọng tâm của những suy tư và là nền tảng của những lời cầu nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay: «Khi cầu nguyện cho người quá cố, trước tiên Giáo Hội chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, Ðấng mang lại ơn cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu cho chúng ta qua thập giá của Ngài».

Ngài còn giải thích:

Tin vào sự phục sinh của thân xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người. Một cùng đích thỏa mãn khát vọng của con người đến độ nó không còn gì phải khao khát nữa. Niềm khát vọng ấy được thánh Augustinô diễn tả một cách thật kỳ diệu như sau: «Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con không thể an nghỉ khi chưa được nghỉ an trong Chúa». Do đó, tất cả chúng ta được mời gọi để sống với Chúa Kitô, Ðấng ngự bên hữu Chúa Cha và được chiêm ngắm Thánh Thần, vì Thiên Chúa là đối tượng của niềm hy vọng Kitô.

Cầu nguyện cho người quá cố, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những người thân và các tín hữu Kitô. Chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố, dù tin hay không tin, dù thuộc về hay ở ngoài Giáo Hội hữu hình.

Mừng Lễ Các Linh Hồn, chúng ta cầu cho những người đi trước sớm được về Nhà Cha, và cũng cầu xin cho niềm tin và tình yêu của chúng ta vững mạnh hơn trong Thiên Chúa, để cuộc sống hôm nay sẽ không còn khắc khoải, nhưng mỗi ngày mở ra một chân trời hạnh phúc mới, vì hạnh phúc của sự sống là hạnh phúc muôn mặt, và đường đi của sự sống là chiều đi lên vô tận. Thiên Chúa là đích, là bến bờ. «Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thánh Thần của Người làm cho thân xác phải chết của chúng ta được sự sống mới» (Rm 8, 11) trong Đức Giêsu Kitô.

Quốc Vũ

 

Thiết kế Web : Châu Á