LỜI CHÚA

Chúa nhật XXVII thường niên, năm A - Lễ Mẹ Mân Côi - Quốc Vũ

Khi Mẹ thưa «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm nơi tôi như lời sứ thần nói» (c. 38) là Mẹ đã chấp thuận làm Mẹ Con Thiên Chúa, là Mẹ đã hoàn toàn tự do liên kết chính mình với Con Thiên Chúa trong công cuộc cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa.

5 tháng 10 năm 2014

«LỄ MẸ MÂN CÔI»

Bài đọc 1: Công vụ 1, 12-14

Bài đọc 2: Galata 4, 4-7

Tin Mừng: Luca 1, 26-38

Chúa nhật XXVII hôm nay Giáo hội cử hành lễ Mẹ Mân Côi, các bài đọc xoay quanh ơn gọi và đề cao vai trò của Đức Maria trong việc cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ thực hiện cho nhân loại nhờ Đức Giêsu Kitô- Ngôi Lời Nhập Thể.

1. Bài đọc 1: Hiệp nhất trong cầu nguyện

Đoạn sách Công Vụ của tác giả Luca hôm nay chúng ta đọc, là một tường thuật về bối cảnh cuộc sống của các tông đồ thời hậu Thăng Thiên. Sau khi được chứng kiến việc Đức Giêsu lên trời, các ông đã trở về với sứ mạng quan trọng: «Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và đến tận cùng trái đất» (Cv 1, 8). Đó cũng là sứ mạng truyền giáo, sứ mạng loan báo Tin Mừng chung cho tất cả mọi Kitô hữu, bắt đầu bằng nhóm các Tông đồ và môn đệ, cùng một số người phụ nữ họp nhau để cầu nguyện, và Đức Maria cũng hiện diện với họ như một chỗ dựa tinh thần và thiêng liêng cho cộng đoàn nhỏ bé thuở ban đầu.

Cùng với Đức Maria, các môn đệ đã thực hành những yếu tố mẫu mực cho lối sống Tin Mừng trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi qua hai yếu tố nền tảng là «tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện» (c. 14). Đây quả là một quá trình truyền giáo căn bản và hoàn hảo, bởi nó được đặt trên nền tảng cầu nguyện và hiệp nhất. Cầu nguyện để biết phó thác công việc truyền giáo cho Thiên Chúa, hiệp nhất để công việc được thực hiện đạt hiệu quả vững chắc. Cầu nguyện để thấy mình nhỏ bé, và hiệp nhất để tạo nên sức mạnh. Hai yếu tố bổ túc cho nhau, làm thành một cộng đoàn mẫu mực trong việc sống và loan báo Tin Mừng, như gương của chính Đức Maria luôn ghi nhớ và suy niệm, để sẵn sàng thưa xin vâng cho chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho con người.

Như thế, Đức Maria có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố niềm tin cho cộng đoàn các tông đồ ngày xưa, đồng thời cũng là mẫu gương cho đời sống các tín hữu mọi thời, hầu nhắc nhở và thúc đẩy họ trước hết phải “Phúc âm hóa” bản thân và sau đó ra đi “Phúc âm hóa” tha nhân.

2. Bài đọc II: Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra bởi một người đàn bà

Trong đoạn thư gởi cho các tín hữu thành Galata này, thánh Phaolô nhắc đến hai tình trạng khác nhau của nhân loại: trước và sau khi Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Trước là nô lệ, sau trở thành con cái của Thiên Chúa: «Khi còn là niên thiếu, chúng ta phải làm nô lệ nhữn yếu tố của vũ trụ. Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta được ơn làm nghĩa tử» (cc. 3-5).

Người phụ nữ được nói tới ở đây chính là Đức Trinh Nữ Maria. Quả thật, khi đến thời viên mãn, qua Đức Maria, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới để giải thoát con người khỏi mọi ách nô lệ của Lề Luật và tội lỗi; đồng thời, cho con người nhận lại ơn làm nghĩa tử. Điều rất quan trọng là nếu chúng ta hiểu theo ý nghĩa đầy đủ và chính xác về điểm tương đồng Kinh Thánh giữa việc nguyên tổ sa ngã và việc Đức Giêsu Kitô phục hồi, thì chúng ta cũng phải hiểu rằng vai trò của Đức Maria trong việc sửa chữa đã được Thiên Chúa phác họa cũng sẽ tương đồng với vai trò của người phụ nữ đầu tiên trong việc sa ngã tại Vườn Địa Đàng ngày xưa.

Như vậy, qua đoạn thư Galatanày, thánh Phaolô ngầm so sánh hai người “đàn bà” ở hai giai đoạn trong lịch sử cứu độ, và thuộc về hai thái cực khác nhau: một người thuộc thời Cựu Ước là căn nguyên của sự chết, đem “tin buồn” cho nhân loại; một người thuộc thời Tân Ước là Đấng sinh ra Đức Giêsu-Nguồn sự sống, đem “Tin Mừng” cho mọi người.

Nếu như trước kia bà Evà làm cho nhân loại phải nô lệ tội lỗi và Lề Luật, do đó cũng làm cho nhân loại bị giam hãm trong Lề Luật (x. Gl 4,23), thì Đức Maria đã sinh ra Đấng làm cho nhân loại được tự do khỏi nô lệ của tội lỗi và sự giam hãm của Lề Luật. Nếu Evà làm cho nhân loại mất quyền làm con cái Thiên Chúa, thì Đức Maria sinh ra Đấng đem lại cho nhân loại phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa.

Thánh Giustinô đã viết: «Bởi E-và, khi còn là một trinh nữ và chưa bị nhơ uế, nghe lời con rắn nên đã đưa tới sự bất phục tùng và sự chết;  Trinh Nữ Maria, với đức tin và hân hoan khi nghe thiên sứ loan báo tin mừng là Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa, liền trả lời xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.  Và do đó qua bà đã sinh ra Đấng mà chúng ta đã chứng tỏ nhiều đoạn Kinh Thánh đã nói về Ngài, cũng là Đấng Thiên Chúa đã nhờ Ngài mà loại bỏ con rắn cùng với đám thiên thần và những kẻ theo nó, còn Ngài thì trái lại, đã đem lại giải thoát khỏi cái chết cho những ai thống hối về những điều dữ mình làm và tin vào Ngài»  (Dialogue with Trypho, 100).

3. Bài Tin Mừng: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền.

Đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay vốn cũng được đọc trong ngày lễ Truyền Tin vào ngày 25 tháng 3 hằng năm. Quả nhiên, đây là một đoạn sách viết về khung cảnh Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria về việc Mẹ đã được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Đức Giêsu Kitô, Con Một duy Nhất của Người.

Khi sứ thần đến cất lời truyền tin cho Đức Maria: «Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng» (c. 30), là khởi đầu công cuộc cứu thế của Đức Kitô đã được sắp đặt và điều này liên hệ đến toàn thể nhân loại. Và khi Mẹ thưa «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm nơi tôi như lời sứ thần nói» (c. 38) là Mẹ đã chấp thuận làm Mẹ Con Thiên Chúa, là Mẹ đã hoàn toàn tự do liên kết chính mình với Con Thiên Chúa trong công cuộc cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa.

Bởi chính việc Đức Maria được tự do cộng tác với Thiên Chúa khi Người sai Con mình đến, sinh hạ bởi người phụ nữ, thì Mẹ đã dự phần vào việc hoàn thành mục đích của Chúa Con khi đến thế gian. Qua việc chấp thuận trao tặng máu thịt mình cho Con Thiên Chúa và sinh ra Ngài nơi gian trần, Mẹ đã trao tặng Đấng Cứu Thế cho nhân loại theo cách riêng của Mẹ. Và khi ban tặng cho chúng ta Con Một Người làm Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã ban tặng qua một người phụ nữ là Đức Maria.

Điều này không phải chỉ mình Luca nói tới, nhưng các tác giả tân Ước khác cũng đề cập. Như chúng ta cũng gặp thấy ngoài việc nói về Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa sinh ra bởi một phụ nữ (Bài đọc II), Phaolô còn gọi Ngài là “Ađam mới” (Cr 15:45-47),  và cách gọi này bao hàm rất nhiều ý nghĩa, không những về Đức Giêsu Kitô, nhưng còn về Đức Maria nữa.

Khi nói về Đức Giêsu như “Ađam mới”, thánh Phaolô đã khai mở cả một chân trời mới về Đấng Cứu Thế và công việc của Người.  Ngài đã trình bày những điều được mặc khải cho ngài về chương trình cứu độ của Thiên Chúa.  Theo thánh Phaolô, Đức Kitô là Ađam mới đã phục hồi cho nhân loại những gì nhân loại đã đánh mất do Ađam cũ là tổ tiên loài người: «Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống» (1 Cr 15:22) .

Đức Kitô phải là Đấng Cứu độ nhân loại, Đấng Messia đã được hứa ban cho chúng nhân và là Vua của nhân loại được cứu chuộc.  Do đó Đức Maria cũng đã được mời gọi liên kết chính mình với việc hoàn thành công cuộc Con Thiên Chúa xuống thế làm người, tức là công  cuộc cứu độ tội nhân, với sứ mệnh của Đấng Messia, và với việc tạo dựng vương quốc đã được Sứ thần Gabriel tiên báo.

4. Suy niệm

Cùng Mẹ sống kinh Mân Côi

Biến cố truyền tin cho Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay, là mầu nhiệm thứ nhất trong năm sự vui của chuỗi Mân Côi. Còn lời chào của sứ thần Gabriel trong biến cố này làm nên nội dung phần đầu của Lời Kinh Kính Mừng “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…”. Do đó, Kinh Mân Côi diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể và vai trò cộng tác của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.

Đối với người Kitô hữu, mỗi lần suy gẫm Kinh Mân Côi, là chúng ta đang cùng với Đức Maria tham dự vào sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, Kinh Mân Côi giúp chúng ta kết nối với Đức Maria trong việc Phúc âm hóa chính mình, đồng thời qua Đức Maria, cộng tác với Đức Giêsu để Phúc âm hóa tha nhân; bên cạnh đó, chúng ta cùng với anh chị em hiệp nhất trong sự cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, để làm nên một gia đình duy nhất trong tình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.

5. Cầu nguyện

Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, Mẹ yêu dấu của chúng con, xin Mẹ giúp chúng con không những biết siêng năng đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, với lòng tin tưởng phó thác nơi Mẹ như những người con ngoan thảo; nhưng còn biết noi gương Mẹ, sống mầu nhiệm cứu độ trong Kinh Mân Côi; để trong cuộc hành trình Đức Tin, chúng con thắng vượt được mọi khó khăn thử thách hầu đạt tới đích thánh thiện và xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô, con của Mẹ đã thực hiện bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Amen.

Quốc Vũ

Thiết kế Web : Châu Á