LỜI CHÚA

Chúa nhật XXVI, mùa thường niên, năm B - Một Thánh Thần - Quốc Vũ

Dù hiện diện theo bất cứ cách thức nào, vẫn chỉ có một Thần Khí duy nhất, Người hoạt động theo từng cách thức khác nhau nơi mỗi người, nhưng lại là giềng mối đem lại sự hiệp nhất chứ không phải chia rẽ, để xây dựng chứ không phải phá đổ. Chính vì thế, ở đâu có chia rẽ, ở đó không có Thần Khí hiện diện

Chúa nhật XXVI Mùa thường niên, năm B

«MỘT ĐỨC TIN & MỘT THẦN KHÍ»

Bài đọc I: Dân số 11, 25-29

Bài đọc II: Giacôbê 5, 1-6

Tin Mừng: Marcô 9, 38-43.45.47-48

 

1. Bài đọc I: Thần khí của Thiên Chúa

Trước thời lưu đày, truyền thống Thánh Kinh thường nhắc đến hai cách hiện diện khác nhau của Thần Khí Thiên Chúa: cách thứ nhất, xem ra có phần cổ hơn, diễn tả qua “hành động”, là những can thiệp của Người hầu khơi dậy sự hăng say, lòng nhiệt thành cũng như sự khôn ngoan nơi các ngôn sứ; cách thứ hai, lại diễn tả Thần khí của Thiên Chúa là một ân huệ nhưng thông ban cho con người đi kèm với một sứ vụ.

Về cách thức thứ nhất, chúng ta gặp thấy nhiều trong sách Thủ lãnh 3, 10; 6, 24; 11, 29; và 1Samuen 10, 5-13; 19, 20-24. Tuy nhiên, về cách thức thứ hai, chúng ta gặp thấy nơi một số đoạn Cựu Ước diễn tả Thần khí của Thiên Chúa hiện diện cách thường xuyên nơi những người được tuyển chọn: với Elisê (2V 2, 15), với các vua để hướng dẫn, khuyên bảo, tăng cường sức mạnh, ban ơn khôn ngoan và lòng kính sợ Chúa (Is 1, 2-6); nhất là vai trò của Thần Khí Thiên Chúa hoạt động nơi các ngôn sứ, khiến cho các ngài được gọi là «người của Thần Khí» (Hs 9, 7), là «tôi tớ của Giavê» hướng dẫn và dạy cho dân biết giữ trọn lề luật (Is 42, 1).

Từ cách hiểu này, chúng ta trở lại đoạn sách Dân số được chọn hôm nay, chúng ta thấy Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động nơi ông Môsê theo cách thức thứ hai: Thần Khí được ban cho ông kèm theo một sứ vụ, cho ông trở thành vị thông ngôn của Thiên Chúa với dân, nên Thần Khí ở với ông cách thường xuyên. Trái lại, Thần Khí của Thiên Chúa nơi bảy mươi vị trưởng lão, hoạt động theo cách thức thứ hai, nghĩa là Người không hiện diện cách thường xuyên.

Tuy nhiên, dù hiện diện theo bất cứ cách thức nào, vẫn chỉ có một Thần Khí duy nhất, Người hoạt động theo từng cách thức khác nhau nơi mỗi người, nhưng lại là giềng mối đem lại sự hiệp nhất chứ không phải chia rẽ, để xây dựng chứ không phải phá đổ. Chính vì thế, ở đâu có chia rẽ, ở đó không có Thần Khí hiện diện, như lời ông Môsê trả lời với ông Giôsuê: «Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ» (c. 29).

2. Bài Tin Mừng:Tin vào Đức Giêsu

Đoạn tin mừng hôm nay không giải thích một chủ đề thống nhất, nhưng bao gồm những chủ đề khác nhau với những ý nghĩa riêng biệt.

Các câu 38-39 thuật lại việc ông Gioan hỏi Đức Giêsu rằng: khi có một người không thuộc hàng môn đệ mà làm phép lạ nhân danh Người, thì các ông có phải ngăn căn không? Đức Giêsu đã trả lời cách rõ ràng: «Đừng ngăn cấm người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy» (c. 39). Điều này cho thấy hiện trạng Giáo hội lúc bấy giờ đang thiếu đi sự hiệp nhất.

Riêng câu 40, thoạt tiên ta tưởng nó liên quan với hai câu trên, nhưng kỳ thực nó hoàn toàn độc lập với một nghĩa riêng. Nó phản ánh sự đối lập giữa sự hiệp nhất và chia rẽ của dân Thiên Chúa kéo dài từ thời Cứu Ước (Ed 34, 13.16; Is 40, 11; 49, 6), nhưng ở đây sự đối chọi ấy trở nên rõ ràng hơn với hai cụm từ «chống lại» và «ủng hộ» chúng ta. Đức Giêsu là Đấng hiệp nhất tất cả mọi người trong ngày sau hết, ai thực sự muốn hiệp nhất với Người thì không bao giờ chối bỏ Người.

Những câu tiếp theo cho ta một cái nhìn rõ hơn về sự qui Kitô. Chỉ một việc cỏn con như cho tha nhân một bát nước lã thôi, nhưng nếu làm vì tình yêu, thì cũng được Thiên Chúa ban thưởng là được thuộc về Đức Kitô (c. 41). Vì thế, chủ đề tin vào Đức Kitô được mạc khải như một chủ đề nền tảng (x. Mt 10, 42). Đức Giêsu cảnh giác nhiều người vì yếu lòng tin nên dễ bị sa ngã; mặt khác, Người cũng cảnh báo những ai không sống xứng hợp với đức tin của mình: «thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn» (c. 42).

3. Bài đọc II: Sự khiển trách những người giàu có sống không có đức tin.

+ Câu 1: Sự giàu có, trong khi là ước mơ của rất nhiều người, thì với thánh Giacôbê, đó lại là một mối tai họa «Hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi». Có thể, những người giàu có mà ngài nhắc đến ở đây là những người không thuộc cộng đoàn tín hữu lúc bấy giờ, nhưng chủ ý của ngài là muốn khuyên các tín hữu hãy tránh xa tiền bạc và sự sa hoa trần thế.

Tuy nhiên, đọc lại Tân Ước, chúng ta thấy không phải chỉ mình thánh Giacôbê cũng đề cập đến chủ đề này, đặc biệt thánh Luca đã nói rất mạnh: «Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi» (6, 24), và chỗ khác ngài nhắc lại lời của chính Đức Giêsu: «Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu» (12, 15), và «Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa» (18, 24).

+ Câu 2tt: Tác giả mô tả thân phận bấp bênh của người giàu: của cải chỉ là những vật trang trí bề ngoài, rồi chúng sẽ hư hoại, thối rữa và rỉ sét; chúng không có khả năng bảo đảm cho cuộc sống đời đời. Chỉ có tin vào Đức Kitô và mở long đón nhận Người mới được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

4. Suy niệm

Giáo hội, được thiết lập trên nền móng là các tông đồ, có Đức Kitô là tảng đá góc. Trải qua dòng thời gian, Giáo hội được sống và thăng tiến nhờ tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Chính nhờ Người mà mỗi tín hữu được gắn kết với nhau như những chi thể hòa hợp trong một thân thể, cùng hưởng một ân huệ dồi dào phong phú, cùng sống và loan báo một đức tin duy nhất.

 

+ Một đức tin

Đức tin là một ân ban từ Thiên Chúa cho con người. Nhờ Phép Rửa, con người được trở thành con Thiên Chúa, trở thành chi thể của Đức Kitô, Đấng là đầu của Nhiệm Thể là Hội thánh. Trong Hội thánh, các tín hữu được tháp nhập và ăn khớp với nhau trong cùng một đức ái, và được mời gọi dấn thân loan truyền cùng một đức tin.

Đức Kitô chỉ là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi Người vẫn thế. Nơi Người không có sự chia rẽ, bởi «Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật … Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người» (Ep 2, 14-15). Với các Kitô hữu, tin vào Đức Kitô là con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống đời đời; như chính thánh Gioan đã lập đi lập lại rất nhiều lần về sự cần thiết phải có đức tin vào Đức Kitô:  «Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời» (Ga 3, 15). Nhưng động lực nào sẽ giúp con người sống và biểu lộ niềm tin ấy?  Đó là Chúa Thánh Thần - Thần Khí của Thiên Chúa.

+ Một Thần Khí

Trong Bài đọc I, tác giả sách Dân số cho thấy vai trong của Thần Khí Thiên Chúa hoạt động trong dân được tuyển chọn. Chính Thần Khí tác động nơi mỗi người nhằm vào những cộng việc phục vụ khác nhau. Thần Khí ấy, đến thời Tân Ước, cụ thể là trong giáo lý của thánh Phaolô, được diễ tả cách rõ ràng hơn. Như trong đoạn thư Rôma 8, 15 và Galata 4, 6, thánh Phaolô đã nói đến vai trò của Thánh Thần là giúp cho Kitô hữu có đủ tư cách để gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi; còn trong đoạn thư 1 Côrintô 12, 3-7.12-13,  ngài đề cập tới vai trò của Thánh Thần đối với việc Kitô hữu tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã dung cụm từ «Ở trong Thần Khí», để ám chỉ rằng Kitô hữu được đầy tràn Thánh Thần, được Người củng cố và thúc đẩy để đi tới hành động. Với Kitô hữu, hành động chính yếu là tuyên xưng lòng tin của mình vào Đức Giêsu. Quả thật, tất cả cuộc sống Kitô hữu phải là một lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu.

Chính hiệu lực lòng tin vào Đức Giêsu duy nhất này, đã phát sinh thực tại «Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách». Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, tuy mỗi Kitô có ơn gọi và nhiệm vụ khác nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau vì lợi ích chung. Về điểm này, giáo lý của thánh Phaolô trình bày một hiệu quả vô song của Thánh Thần, đó là làm cho tất cả chúng ta thành một thân thể duy nhất của Đức Kitô và được hiệp nhất với nhau. Nghĩa là sống mối tương quan hai chiều: gắn kết với đức Kitô, và liên kết với anh chị em. Nguyên lý thống nhất này được đặt trên nền tảng vững chắc là Phép Rửa trong cùng một Thánh Thần.

Mặt khác, sự khẳng định của thánh Phaolô rằng «Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất» (1Cr 12, 13), cũng ngầm hiểu là một mệnh lệnh rằng các Kitô hữu phải xây dựng tinh thần hiệp nhất trong Giáo Hội.  Thực tế cho thấy, một trong những kẻ thù nguy hại nhất của Giáo hội quan mọi thời chính là những mầm mống chia rẽ giữa các chi thể. Tuy nhiên, một khi ý thức rằng mình «được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất», sẽ giúp cho mỗi Kitô hữu biết đặt lợi ích của Giáo hội lên trên những quyền lợi cá nhân, nhờ đó họ sẽ nhiệt tâm xây dựng Giáo hội và làm cho Nước Trời mau đến.

 

                                 Quốc Vũ  

~*~

 

          

 

Thiết kế Web : Châu Á