LỜI CHÚA

Chúa Nhật XXIX TN: "HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ" (Hiền Lâm)

Có người có điều kiện để bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng, có khả năng kiến thức và lợi khẩu để truyền bá Lời Chúa… Nhưng cũng có người âm thầm bằng những hy sinh và những kinh nguyện trước mặt Chúa, hoặc ngày ngày với tràng chuỗi mân côi cầu xin cho người lạc bước trở về với Chúa…

 

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN - NĂM B

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

 

A. THEO NGÀY CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – năm B

I. BÀI TIN MỪNG: Mc 10,35-45 
Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? " Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? " Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

 

II. SUY NIỆM

MUỐN LÀM ĐẦU PHẢI HẦU THIÊN HẠ

Bài Tin Mừng nằm trong bối cảnh lần thứ ba Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Lời tiên báo được thốt ra khi thầy trò đang tiến lên Giê-ru-sa-lem và các môn đệ hí hửng mang trong mình mong muốn thầy xưng hùng lập quốc để các ông được chia sẻ quyền lực, nên Chúa Giêsu một lần nữa lặp lại cho các môn đệ biết con đường Người sẽ đi để hoàn tất chương trình cứu độ, con đường: “qua thập giá đến vinh quang”.

 

1. Con đường qua thập giá tới vinh quang.
Có thể nói, tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”
Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Chúa Giêsu tự vác lấy thánh giá mình để đi trọn con đường cứu độ, nên Chúa cũng muốn mọi người vác lấy thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

 

2. Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.
Tin Mừng kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an.
Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.

Một trong những cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.
Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hi sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: "Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.
Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.
Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hi sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.

Hiền Lâm.

 

 

B. THEO KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28, 16-20
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

 

II. SUY NIỆM

HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ

Trách nhiệm truyền giáo của chúng ta là Kitô hữu là phải truyền giáo. Cũng giống như trong một gia đình có người con đi lạc, thì cha mẹ già rất lo lắng, cần đến những đứa con trong gia đình phải đi tìm đứa con bị lạc trở về. Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho Chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.
Có người có điều kiện để bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng, có khả năng kiến thức và lợi khẩu để truyền bá Lời Chúa… Nhưng cũng có người âm thầm bằng những hy sinh và những kinh nguyện trước mặt Chúa, hoặc ngày ngày với tràng chuỗi mân côi cầu xin cho người lạc bước trở về với Chúa…
Bài Tin Mừng Khánh Nhật truyền giáo hôm nay là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giêsu:
- Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
- Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
- Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
- Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

 

1. Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).
Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.

 

2. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.

 

3. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.

 

4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.

Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á