LỜI CHÚA

Chúa nhật XIX thường niên, năm A - "MẠC KHẢI" (Quốc Vũ)

Chúng ta cũng vậy, để gặp được Chúa, chúng ta cũng phải can đảm bước ra khỏi chính mình, khỏi những ích kỷ, khỏi những thành kiến, khỏi cuộc sống tiện nghi, và cả ra khỏi những nỗi sợ hãi trong cuộc đời, mà sống niềm tin và phó thác hơn vào Người, và khi đó chúng ta cũng có thể như các môn đệ Người mạc khải mầu nhiệm về chính Người: «Thầy đây, đừng sợ!» (c. 27).

 

«MẠC KHẢI»

Bài đọc 1: 1 Vua 19, 9a.11-13a

Bài đọc 2: Rôma 9, 1-5

Tin Mừng: Matthêu 14, 22-33

 

Mặc khải, là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Mặc khải tự nhiên qua các thọ tạo, như là trung gian đưa con người nhận biết Thiên Chúa. Mặc khải trong lịch sử cứu rỗi qua các biến cố, nhân vật, ngôn sứ của lịch sử thánh, và nhất là qua Chúa Kitô Con Thiên Chúa làm người (x. Dt 1,1tt; MK; GH, s. 25). Việc mặc khải bao gồm lời nói và biến cố (x. MK, s. 2. 14); mặc khải giúp con người hiểu biết về Thiên Chúa và con người, cũng như giúp hiểu biết hành động của Thiên Chúa đối với con người (x. MK, s. 2. 15). Nhờ mặc khải, mọi người có thể nhận biết cách dễ dàng và không lẫn lộn những chân lý thần linh mà tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người (x. MK, s. 6)

1. Bài đọc 1:

Đoạn sách 1 Các vua trong bài đọc I hôm nay là một trình thuật về sự mạc khải. Đó là một trích đoạn trong toàn phần của biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra cho ngôn sứ Êlia trên núi Hôreb (19, 1-21). Biến cố này được tiếp nối sau câu truyện kể về sự chiến thắng vang dội của ngôn sứ Êlia trước các tư tế thờ thần Baal (18, 40). Nhưng cũng chính từ sự chiến thắng đó, mà Êlia đã bị hoàng hậu Gezabele, vốn rất sung bái thần Baal, tìm giết. Êlia đã phải trốn vào sa mạc và chạy đến núi Hôreb. Chính trên núi này, ông đã được Thiên Chúa mạc khải cách trực tiếp. Nhưng cũng như ông Môsê (Xh 3, 6), đứng trước thiên nhan của Thiên Chúa, ông Êlia đã phải lấy áo choàng che mặt (c. 13), vì không một thụ tạo nào có thể diện kiến được tôn nhan Người.

Ý nghĩa của cuộc thần hiện này là Thiên Chúa muốn mạc khải cho ngôn sứ Êlia về cách thức Người đi vào lịch sử. Truyền thống tôn giáo trước đây thường quan niệm và hình dung Thiên Chúa ở đàng sau những yếu tố siêu nhiên, hay những hiện tượng tự nhiên gây kinh hoàng long trời lở đất, sấm chớp hãi hùng (x. Tv 18, 22; Giud 5, 4-5; Ab 3, 3). Trái lại, ở đây Thiên Chúa cho Êlia thấy Người đến không phải trong bão tố, sấm sét hay lửa cháy; nhưng Người chỉ đến trong làn gió thoảng làm dịu mát con người. Phải nói đây là một tiến bộ quan trọng trong quan niệm tôn giáo, từ đó dần dần dẫn người ta đến với sự mạc khải chung cục khi thời Tân Ước bắt đầu, với việc Ngôi Lời Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại bằng một lời truyền tin nhẹ nhàng của Sứ Thần Gabriel và một lời thưa xin vâng cũng nhẹ nhàng không kém của thiếu nữ Maria tại vùng quê Nazareth – Và thế là Đức Giêsu Kitô đã đi vào lịch sử, Người chính là hiện thân của sự mạc khải chung cục mà Thiên Chúa đã thực hiện.

2. Bài đọc II:

Đoạn thư hôm nay là một luận chứng của Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu thành Rôma-gốc Dothái về những ân huệ mà họ đã lãnh nhận từ đời này qua đời khác. Một cách kéo léo, Phaolô dùng hạn từ “giả như” để trách móc họ về sự kỳ thị và sự thờ ơ không chịu đón nhận những giáo huấn mà ngài đã lãnh nhận từ chính mạc khải của Thiên Chúa (c. 3). Bên cạnh đó, Phaolô cũng rất khôn ngoan khi không dùng hạn từ có tính chính trị thời bấy giờ “người Dothái”,  mà lại dùng hạn từ mang ý nghĩa tôn giáo “người Israel” để gọi họ; đồng thời gợi nhắc cho họ nhớ rằng họ chính là một dân được Thiên Chúa tuyển chọn, «được Người nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, được ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa» (c. 4). Đó là một giao ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa thực hiện với các cha ông họ, bắt đầu từ thời là tổ phụ Abraham, Isaac, Giaciob, Môsê, Đavít,… và cho đến thời sau hết, giao ước ấy được hoàn tất nơi «chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự» (c. 5).

3. Bài Tin Mừng:

Bối cảnh của câu truyện mà Matthêu kể cho chúng ta hôm nay, thoạt tiên chúng ta thấy nó xảy ra ngay sau khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên dân chúng và các môn đệ chưa có sự hiểu biết rõ ràng về Người, và trong thâm tâm họ còn muốn tôn Người lên làm vua (x. Ga 6, 14tt). Chính vì thế đây được xem là một trình thuật nhắm đến việc Đức Giêsu đã mạc khải chính mình cho các môn đệ. Tuy nhiên, rất nhiều nhà chủ giải kinh thánh lại có chiều hướng cho rằng đây là một trình thuật có bối cảnh sau Phục Sinh, nên nó còn mạc khải thêm một ý nghĩa biểu trưng khác. Như vậy, từ đoạn tin mừng này, chúng ta được mạc khải hai điều:

+ Thứ nhất: Chiều kích Kitô học.

Qua trình thuật ngắn này, Thánh Matthêu trình bày một cuộc thần hiển của Đức Giêsu cho các môn đệ khi Người đi trên mặt biển và đến với họ. Thoạt đầu vì chưa hiểu, nên các ông tưởng đó là ma, nhưng sau khi Người cứu Phêrô và ra lệnh cho sóng yên biển lặng thì các ông đã nhận ra Người và xác tín:  «Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa» (c. 33). Như thế, có thể nói đây là một mạc khải về phương diện mới và có một không hai trong ý nghĩa của bản thân Đức Giêsu: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo nghĩa là Đấng Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ dân Người bằng quyền lực thần linh tuyệt đối chế ngự cả quỉ thần và những mãnh lực thiên nhiên.

+ Thứ II: Chiều kích Giáo hội học

Đối với Thánh sử Matthêu, hình ảnh con thuyền là biểu trưng cho Giáo hội (x. 8, 24), các môn đệ đang ở trên đó, và có thể Phêrô là người cầm lái (x. c. 28). Đang khi “con thuyền” (Giáo hội) bị chao đảo vì cơn giông trên biển (trần gian) vào lúc đên tối (mãnh lực ma quỉ), các môn đệ sợ hãi vì kém tin mà quên mất rằng Đức Giêsu vẫn ở gần họ, bằng chứng là khi Người đến thì họ tưởng là ma (c. 26). Quả thật, các khoảng cách về không gian và thời gian không thể ngăn cản Đức Giêsu hiệp thông với các môn đệ Người (x. 18, 20). Người đến với họ cách bất ngờ, từ trên cao, vào những lúc không ngờ, và sự hiện diện của Người giữa lòng bão tố là nền tảng cho đức tin của các tín hữu.  

Chiều kích Giáo hội học còn được diễn tả qua các vai trò của các môn đệ và Phêrô. Có thể ví Phêrô là cái nhiệt kế đo đức tin của Giáo hội. Ông thường phản ứng cách bộc trực, nhưng nhờ thế đã để lại hình ảnh về một con người can đảm, dám đương đầu trước khó khăn và nhất là dám gánh trách nhiệm, ngay cả khi cảm thấy mình yếu đuối (x. Ga 21, 15-17). Chính từ đặc tính này mà ông đã được Chúa chọn làm “tảng đá” để Người xây dựng Giáo hội của Người (x. Mt 16, 18-19). Từ những trải nghiệm về quyền năng phi thường của Đức Giêsu và do đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa, Phêrô và các môn đệ nhắc các độc giả nhớ rằng không những họ phải tin vào Đức Giêsu như Đấng có thể cứu hộ họ khỏi các hoàn cảnh đen tối nhất, nhưng còn phải hiểu rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo nghĩa Người là Đấng duy nhất có quyền năng Thiên Chúa để cứu được cộng đồng những kẻ tin vào Người.

4. Suy niệm

+ Can đảm “bước ra” để gặp Chúa.

- Như Êlia phải bước ra khỏi hang động, phải trèo lên núi, thì mới có thể gặp được Thiên Chúa, mặc dù phải lấy áo choàng che mặt.

- Như các tín hữu Rôma phải bước ra khỏi những tư tưởng tự kỷ dân tộc, thì mới có thể đón nhận Lời Chúa qua giáo huấn của Thánh Phaolô, để xác tín rằng họ là dân được Thiên Chúa chọn và ban ơn cứu độ.

- Như Phêrô phải bước ra khỏi con thuyền, khỏi nỗi sợ hãi, khỏi sự nghi ngờ, khỏi sự kém tin, thì mới có thể đến được với Đức Giêsu.

- Chúng ta cũng vậy, để gặp được Chúa, chúng ta cũng phải can đảm bước ra khỏi chính mình, khỏi những ích kỷ, khỏi những thành kiến, khỏi cuộc sống tiện nghi, và cả ra khỏi những nỗi sợ hãi trong cuộc đời, mà sống niềm tin và phó thác hơn vào Người, và khi đó chúng ta cũng có thể như các môn đệ được Đức Giêsu mạc khải mầu nhiệm về chính Người: «Thầy đây, đừng sợ!» (c. 27).

Quốc Vũ

 

Thiết kế Web : Châu Á