LỜI CHÚA

Chúa Nhật VI PS, Năm A, Ga 14,15-21: Tình yêu là mối giây hiệp thông

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng tỏ sống mối hiệp thông trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội đó là chúng ta yêu mến Chúa, là tuân giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều răn yêu người.

 

 

 

TÌNH YÊU LÀ MỐI GIÂY HIỆP THÔNG

(Ga 14,15-21)

 

M. Matthêu Lê Văn Viết

 

Bài Tin Mừng hôm nay thuộc diễn từ cáo biệt, trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với các môn đệ, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, bữa ăn cuối cùng này không mang tính cách của một cuộc chia ly. Ngược lại, thánh Gioan trình bày cho chúng ta thấy về một lời hứa tràn trề hy vọng, đó là sau khi Chúa Giêsu ra đi, các môn đệ sẽ nhận được một Đấng Bảo Trợ khác, là Thần Khí sự thật đến ở với họ luôn mãi (x. Ga 14,16b-17a). Đấng mà Chúa Giêsu nói đến ở đây được Chúa Cha ban cho. Cũng trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu vén mở cho các môn đệ mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20).

 

Hiệp thông có nghĩa là sự chia sẻ, tham dự vào, liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, khi suy niệm về mầu nhiệm hiệp thông, chúng ta nhận thấy rằng điểm cốt yếu để sống mầu nhiệm hiệp thông là yêu mến và tuân giữ điều răn của Chúa Giêsu: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,15.20). Điều này giải thích cho chúng ta rằng muốn hiểu biết Thiên Chúa và sống mầu nhiệm hiệp thông thì tình yêu là phương thế hữu hiệu nhất. Mà tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân là giới răn trọng tâm và lớn nhất trong các lời giáo huấn của Chúa Giêsu: yêu như Người đã yêu (x. Ga 15,12).

 

Tình yêu được hiểu như lòng trắc ẩn, tình cảm của con người, như mối quan tâm trung thành và nhân từ, không mang tính ích kỷ nhưng vì lợi ích của người khác. Tình yêu cũng có thể được diễn tả qua các hành động từ bi và tình cảm đối với người khác[1]. Nhưng có lẽ một định nghĩa về tình yêu bao hàm tất cả đó là hy sinh cho người mình yêu, ngay đến cả tính mạng của mình (x. Ga 15,13). Đây là một tình yêu cao cả nhất, nghĩa là tự hủy bản thân cho người khác. Và thứ tình yêu này chỉ một mình Chúa Giêsu làm được. Còn đối với chúng ta, thực thi tình yêu một cách vô vị lợi, giàu lòng bao dung, lòng trắc ẩn không bao giờ là dễ dàng. Bởi mỗi người được sinh ra trong một gia đình, hoàn cảnh và được giáo dục trong các môi trường khác nhau, đó là chưa kể đến tính cách riêng biệt của từng người. Vì thế, thực thi tình yêu một cách chân thành không phải là công việc thực hiện một sớm một chiều mà chúng ta có thể làm được, nhưng là chúng ta phải bắt đầu lại mỗi ngày, chúng ta phải luyện tập, để cho tình yêu của chúng ta với những người xung quanh được trở nên chín muồi và được thanh luyện khỏi những giới hạn mang màu sắc ích kỷ, kỳ thị và phân chia. Mỗi ngày chúng ta phải học cho được nghệ thuật này, phải kiên trì học theo gương của Chúa Giêsu; mỗi ngày chúng ta phải biết tha thứ, biết mở rộng dung lượng con tim để đi đến với người khác[2]. Thực hành được những điều này là chúng ta đang sống tình hiệp thông. Để được vậy chúng ta phải cậy nhờ vị “Trạng Sư” giúp đỡ, soi dẫn. Đấng mà Chúa Giêsu sẽ gửi đến cho chúng ta là Chúa Thánh Thần mà thánh sử Gioan đã vén mở cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng tỏ sống mối hiệp thông trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội đó là chúng ta yêu mến Chúa, là tuân giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều răn yêu người. Chúng ta hãy sống thế nào để lòng yêu mến Chúa không chỉ giới hạn trong lời nói, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống chứng tá yêu thương của chúng ta và luôn xác tín rằng: chỉ bằng cuộc sống yêu thương chúng ta mới thực sự làm chứng cho Thiên Chúa.

 

 

________________________

 

 

[1] x. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tinh_yeu

[2] Huần Từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 184.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á