LỜI CHÚA

Chúa Nhật Lễ Lá - Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa (Gioan Bình)

Khi vào thành, dân chúng đã trải áo để Người đi qua, đồng thời tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!

 

ĐỨC GIÊSU VÀO THÀNH GIÊRUSALEM VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐẤNG MÊSIA

(Lc 19,28-40)

 

Gioan Bình 

Vịnh gia đã từng vui mừng khi được trẩy lên đền thánh Giêrusalem. Dừng chân nơi cửa thành, tác giả chiêm ngưỡng vẻ đẹp và miêu tả thành:

“Giêrusalem khác nào đô thị

Được xây nên một khối vẹn  toàn

Từng chi tộc, chi tộc của Chúa

Trẩy hội lên đền ở nơi đây” (Tv 122,3-4). 

Thành Giêrusalem là một nơi rất sầm uất và nổi tiếng, nơi đó có Đền Thờ Thiên Chúa ngự, người ta đã phải mất tới 46 năm mới xây xong đền thờ. Chính tại nơi đây Đức Maria đã dâng mình cho Thiên Chúa, và cũng chính tại nơi đây, Mẹ đã dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa theo luật Chúa truyền: “Mọi con trai đầu lòng đều phải tiến dâng cho Đức Chúa” (Lc 2,23).

Việc Đức Giêsu lên Giêrusalem cho thấy Người đã chuẩn bi tư thế sẵn sàng chịu chết. Trước đó đã ba lần Người báo trước về cuộc khổ nạn và phục sinh, mặc dầu Người đã biết khi vào thành, Người sẽ bị đánh đập, sỉ nhục, chịu chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Lần này Người  khóc thương thành Giêrusalem, vì họ đã không nhận ra Con Thiên Chúa đến viếng thăm, khóc thương vì họ đã không sám hối ăn năn mà quay trở về với Thiên Chúa.

Đức Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia

Mêsia nghĩa là gì? Mêsia là Vua, là Đấng được xức dầu tấn phong, là Đấng Kitô. Chắc hẳn ai cũng biết khi một vị Vua hay dù chỉ là một chức quan nhỏ, khi đi đâu cũng sẽ có binh lính võng rước tháp tùng, nhưng Đức Giêsu thì không. Người là Vua nhưng Người lại cưỡi trên lưng con lừa con khi vào thành, qua đây Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta một bài học về tự hạ, khiêm nhường, và hình ảnh Người cưỡi lừa cũng đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của ngôn sứ Dacaria:

“Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ!

Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:

Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,

khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,

một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9). 

Khi vào thành, dân chúng đã trải áo để Người đi qua, đồng thời tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!" Thế nhưng chỉ vài ngày sau, nhiều người trong số họ đã quay lưng lại mà hô lên rằng: “Đóng đinh nó vào thập giá”. Tại sao lại như vậy? Qua đây, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta: Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thì vô biên, trước sau như một, nhưng lòng dạ con người lại luôn dễ dàng thay đổi. Ngày nay, chúng ta vẫn thường hay tung hô Đức Giêsu như thế qua kinh: Thánh! Thánh! Thánh! trong lúc cử hành phụng vụ bí tích Thánh Thể. Thế nhưng, mỗi lần chúng ta sa ngã, chính chúng ta lại quay lưng lại với Người. Như vậy, việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem mang ý nghĩa Nước Trời đã gần đến, và sẽ kết thúc bằng cuộc Vượt Qua của Người, là chịu chết và phục sinh.

Cuối cùng, điều không thể không nhắc đến khi Đức Giêsu để dân chúng tung hô Người là Vua. Trở lại thời gian rao giảng của Đức Giêsu, khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã muốn tôn Người lên làm Vua, nhưng Người đã lảng tránh đi nơi khác. Hay khi hai lần Người trừ quỷ, Người cấm quỷ không được phép nói Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa; hay khi ông Phêrô tuyên xưng niềm tin, Người cũng cấm ngặt các Tông đồ không được nói cho ai biết Người là ai. Vậy tại sao lần này Người lại ủng hộ để dân chúng tung hô Người là Vua, là Con Thiên Chúa? Là vì thời đó dân chúng đang trông chờ một vị Vua đem đến cho họ lợi ích chính trị, giúp họ thoát khỏi ách nô lệ và trở thành một dân tộc giàu mạnh, thống trị các dân tộc khác, rất khác với những gì mà Đức Giêsu đem đến cho họ. Nhưng giờ sứ mạng của Người gần kết thúc, đã đến giờ Người cần tỏ mình công khai Người là Đấng Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến, sau Người sẽ không còn ai khác, Người đến để thực hiện sứ vụ cứu độ nhân loại. Vì chính “Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết...Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,10.12).

Lạy Chúa, xin cho chúng con tin nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Đấng cứu độ nhân loại và cho chúng con luôn luôn được ở bên Người ngay cả khi chúng con gặp khó khăn thử thách nhất. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á