LỜI CHÚA

Chúa Nhật IX Thường Niên - LỄ CHÚA BA NGÔI - năm B, (Hiền Lâm)

Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.

CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN

MỪNG LỄ CHÚA BA NGÔI

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28, 16-20

Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ

Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho nhân loại. Đã hơn hai ngàn năm, nhiều học giả đã cố gắng đưa ra những ví dụ để giải thích như: ngọn đèn, ánh sáng và sức nóng cùng trong một cái đèn; ba cạnh ba góc bằng nhau trong một tam giác đều; ba đốt trong một ngón tay… nhưng tất cả chỉ là loại suy khập khiễng. Bởi vì đi tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì cũng như một đứa trẻ dùng cái vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang con còng với hi vọng làm cạn nước biển (x. Giai thoại của thánh Augustino). Nghĩa là trí óc con người bé nhỏ không thể nào tri hiểu được mầu nhiệm bao la vô hạn. Con người chỉ biết rằng, từ đời đời Chúa Cha đã đản sinh ra Chúa Con và Tình Yêu giữa hai ngôi dành cho nhau đã nhiệm xuy ra Chúa Thánh Thần, sự yêu nhau và hướng về nhau này đến độ duy nhất (Một Chúa ba Ngôi). Và vì thiêng liêng nên không thuộc thời gian và không gian, nên không thể có một cột mốc thời gian có từ lúc nào, vì vậy mà Ba Ngôi có cùng một lúc hiện hữu.


Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống được chọn để mừng Lễ Chúa Ba Ngôi đã được cử hành vào thế kỷ thứ bảy. Lễ kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ xác định trong lịch phụng vụ, cuộc cử hành nầy dần dần được xem như một ngày lễ đặc biệt. Kể từ thế kỷ thứ X, có khá nhiều nhà thờ cử hành thánh lễ nầy một cách long trọng. Vào năm 1334, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII chuẩn nhận việc cử hành nầy ở Rô-ma và mở rộng đến Giáo Hội hoàn vũ.
Bài Tin Mừng về Lễ Chúa Ba Ngôi năm B là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giêsu:

  • Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
  • Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
  • Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
  • Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

 

+ Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ.

Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).

Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.

 

+ Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.

Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.

 

+ Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.

Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.

Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.

Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.

 

+ Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).

Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.

Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.

Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á