LỜI CHÚA

Chúa Nhật IV PS, Năm A, Ga 10,1-10: Trái tim người mục tử

Trái tim là biểu tượng của tình yêu, là nơi chứa đựng tình yêu. Trong nhiều lần hiện ra, Chúa Giêsu cũng đã để lộ trái tim mình trước ngực. Một trái tim bị thương tích, một trái tim quấn vòng gai, một trái tim bốc cháy, để qua hình ảnh trái tim đó, nhân loại hiểu: Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8). Ngài hiến tế chính mình, vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu loài người.

 

 

 

TRÁI TIM NGƯỜI MỤC TỬ

(Cv 2,14a.36-41; 1Pr 2,20b-25; Ga 10,1-10)

 

Viết Trung

 

Trái tim là biểu tượng của tình yêu, là nơi chứa đựng tình yêu. Trong nhiều lần hiện ra, Chúa Giêsu cũng đã để lộ trái tim mình trước ngực. Một trái tim bị thương tích, một trái tim quấn vòng gai, một trái tim bốc cháy, để qua hình ảnh trái tim đó, nhân loại hiểu: Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 8). Ngài hiến tế mình, vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu loài người.

 

Đức Giêsu chính là mục tử tốt lành. Người luôn yêu thương đàn chiên, và yêu từng con chiên một. Chính Người yêu thương chăm sóc đàn chiên nên các con chiên mới được ăn trên đồng cỏ xanh, uống bên dòng suối mát. Chính Người lưu tâm bảo vệ đàn chiên, nên các con chiên mới an toàn khỏi kẻ bắt trộm, khỏi nanh sói dữ.

 

Trong bài giảng nhân dịp ngày năm thánh Lòng Thương Xót dành cho các linh mục vào thứ sáu, ngày 3 tháng 6 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giúp các linh mục chiêm ngắm Trái Tim đầy thương xót của Mục Tử Nhân Lành và mời gọi các ngài để cho con tim mục tử của mình được nung nấu bởi tình yêu mục tử của Chúa Kitô.

 

Trong Chúa Nhật IV Phục Sinh - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Lời Chúa đã cho chúng ta thấy một cách rõ nét trái mục tử của Chúa Giêsu qua các hình ảnh khi Ngài nói: “Ta là cửa chuồng chiên”, “Ta là mục tử tốt lành”, “Ta biết các chiên ta”,“Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”

 

Sách Giáo lý Công giáo giải thích hình ảnh này như sau: “Giáo Hội là chuồng chiên với Chúa Kitô là cửa vào độc nhất và cần thiết. Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã công bố rằng Ngài sẽ là mục tử, và những con chiên, dầu có những mục tử loài người dẫn dắt, nhưng chúng luôn luôn có chính Chúa Kitô hướng dẫn và nuôi dưỡng, vì Ngài là chủ chăn tốt lành và là ông hoàng của các chủ chăn. Ngài đã thí mạng sống mình vì các chiên của Ngài”.

 

Quả thực, Chúa Giêsu đã đến trần gian và hy sinh tất cả cho đàn chiên là những con người yếu hèn, tội lỗi. Ngài là người chăn chiên tốt lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống để tìm và cứu vớt những con chiên đi lạc xa đàn (Mt 18,12; Lc 15,4). Ngài động lòng thương xót dân chúng vì họ như chiên không có người chăn dắt (Mt 9,36; Mc 6,34). Chúa Giêsu chính là vị mục tử trung thành của Thiên Chúa. Ngài đã tự nguyện đón nhận săn sóc đoàn chiên chứ không phải vì miễn cưỡng, chăm sóc nhiệt tình chứ không vì ham lợi, không lạm dụng địa vị để đánh đập ức hiếp đàn chiên nhưng nêu gương lành yêu thương trìu mến, người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đoàn chiên và giải thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ.

 

Là người được Chúa Giêsu tuyển chọn ngay từ đầu và đặt làm tông đồ trưởng, thánh Phêrô cũng như các tông đồ là những người đầu tiên được sống trong kinh nghiệm, cũng như chứng kiến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại nơi Đức Giêsu. Các ông đã được thấm nhuần tinh thần của người mục tử tốt lành khi cùng Chúa rảo khắp mọi nơi để tìm kiếm những con chiên lạc, để chữa lành những người đau yếu, cứu vớt người tội lỗi và cho kẻ chết sống lại. Cuối cùng Ngài đã chết để cho con người được sống. Bởi vậy, hầu hết các ngài đã dõi bước, theo sát Chúa Giêsu trong sự dấn thân phục vụ và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng và bảo vệ đoàn chiên Chúa Chúa trao.

 

Thánh Phêrô, trong bài đọc 1, đã mạnh dạn rao giảng cho dân chúng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, cùng khuyên nhủ họ ăn năn sám hối để được ơn cứu độ (x. Cv 2,36.38). Đồng thời, trong bài đọc 2, ngài cũng mời gọi mọi người luôn ý thức về ơn gọi Kitô hữu của mình là bước theo sát Chúa Kitô, Vị Mục Tử tốt lành, sống và hành động như Ngài trước những gian nan thử thách trong đời sống đức tin, để được cùng chết và được cùng sống với Ngài: “Anh em được gọi làm việc đó. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2,21).

 

Trong suốt chiều dài lịch sử, Giáo hội vẫn luôn có những người tiếp tục công việc chăn dắt của Chúa Giêsu. Đó là những giám mục, linh mục, tu sĩ. Họ là những người tự nguyện dấn thân bước theo vị mục tử Giêsu, mang trong mình trái tim nhân lành của Chúa, sẵng sàng sống chết cho đoàn chiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các mục tử trong Hội thánh luôn có nhiều nghị lực trung thành phục vụ Hội thánh Chúa. Giáo hội ngày nay rất cần những mục tử, nhất là những mục tử tốt lành: những mục tử sẵn sàng xả thân vì đoàn chiên, những mục tử quan tâm chăm lo đoàn chiên, những mục tử luôn thao thức phục vụ đoàn chiên để “chiên được sống và sống dồi dào”.

 

Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh hằng năm còn gọi là Chúa Nhật Chúa Chăn Chiên Lành, Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho ơn thiên triệu, nghĩa là cầu xin Chúa ban cho Giáo hội có nhiều người trẻ biết hy sinh, biết quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để dâng mình cho Chúa trong ơn gọi làm linh mục, làm tu sĩ. Đây là vấn đề sống còn của Giáo hội. Giáo hội hôm nay cũng như trong tương lai vẫn luôn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á