LỜI CHÚA

Chúa Nhật III PS, Năm A, Lc 24,13-35: Hành trình Emmaus

Trên cuộc hành trình đức tin, trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều lần và rất nhiều lần chúng ta cũng có cái nhìn, suy nghĩ bi quan, yếm thế như hai môn đệ trên đường Emmaus.

 

 

HÀNH TRÌNH EMMAUS

(Lc 24,13-35)

 

M. Martin Porres Toàn

 

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại sự kiện Đức Giêsu hiện ra cùng đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus khi các ông đang trên đường trở về quê vì sự thất vọng qua cái cái chết của Ngài. Họ chán chường, hoang mang vì đã tin vào một Đức Giêsu bị thất bại và kết cục cuộc đời lại bị treo trên thập giá như một tử tội. Câu chuyện “hành trình Emmaus” là một trong những câu chuyện Tin mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu phục sinh trên hành trình trình về làng Emmaus đã làm cho các ông bừng sáng lên niềm hy vọng và can đảm tuyên xưng cũng như loan truyền về Ngài cho anh chị em.

 

Sau những gì xảy đến cho Chúa Giêsu, một sự kiện làm chấn động dư luận cả trong lẫn ngoài thành Giêrusalem. Mọi mộng ước như đã tan vỡ, cũng như các môn đệ khác, hai ông quyết định trở về quê nhà là làng Emmaus, đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi Chúa chết, tâm trạng của các ông là như thế, mỗi người đi mỗi nơi và chọn cho mình những hướng đi khác nhau. Những bước chân mỏi mệt chán chường. Các ông rơi vào trạng thái tuyệt vọng và trở thành những con người cô đơn trên cuộc lữ hành. Vâng, có những lúc trên đương đời, chúng ta bước những bước đi như hai môn đệ trên đường Emmaus. Có nhiều mộng ước chúng ta xây dựng nhưng bỗng nhiên tan tành; có nhiều khi vất vả ngược xuôi, cố gắng xây dựng một cái gì đó bỗng dưng mất hết... Đường Emmaus đâu đó trên vạn nẻo đường đời, một con đường mệ mỏi, một lối đi bất định không còn phương hướng. Nhưng chính lúc mọi thứ như sụp đổ thì cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã thay đổi mọi thứ.

 

Chúa Kitô đã xuất hiện không phải để chỉ mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, nhưng như một người nêu lên thắc mắc và giúp họ đi đến tận cùng sự tìm kiếm của mình bằng đức tin. Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, nhưng không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết như một người giữa chúng ta, một người cũng đã từng nêu lên câu hỏi ấy về thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn, Ngài đã nói với tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy, và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá xem ra Ngài cũng đành bỏ cuộc.

 

Thế nhưng, chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Đức Giêsu đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Ngài đã giải thích cho hai môn đệ trên đường Emmaus: “Đức Giêsu Kitô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh hiển” (Lc 24,26). Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai môn đệ đã mở ra để nhận ra Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ. Chính lúc này, người khách bộ hành trở nên tầm quan trọng đặc biệt, ông đến đồng hành với họ, nói với họ, đàm đạo với họ và giải thích lời Chúa cho họ. Chính lúc này Ngài đón nhận họ, làm cho họ thấy những dấu chỉ của lòng thương yêu, của sự chia sẻ Bánh thánh cùng với cộng đoàn trong ngày Chúa Nhật để ánh sáng Phục sinh soi sáng cho họ qua các dấu chỉ được nghe lời Chúa và được bẻ bánh: “…Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30).

 

Được đón tiếp vào nơi bình an như vậy, đức tin và đức cậy sẽ nẩy sinh trong họ, nếu họ biết mở lòng, mở con tim, xả hết nỗi buồn sầu u ám ra, cho niềm vui Phục sinh tràn vào xuyên qua một con tim tan nát, dầy vò, chán nản, thất vọng, Chúa Phục Sinh sẽ biến đổi nó để Người ngự trị. Chúa Phục Sinh sẽ ở với ta, sẽ đồng hành với ta trên mọi ngõ ngách, trên mọi nẻo đường của kiếp nhân sinh, Ngài luôn hiện diện trong Lời của Ngài và nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmaus cũng là câu chuyện của hết thảy chúng ta, của mỗi người chúng ta.

 

Trên cuộc hành trình đức tin, trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều lần và rất nhiều lần chúng ta cũng có cái nhìn, suy nghĩ bi quan, yếm thế như hai môn đệ trên đường Emmaus. Khi gặp chông gai, thử thách, khó khăn, chúng ta dễ nản, dễ chán, dễ thất vọng. Đức Tin của ta còn non yếu hay ta chưa đủ đức tin để tin nhận Chúa? Đức Giêsu sẽ giúp ta giải quyết những khó khăn, khúc mắc, những ngõ cụt của đời ta. Chúa Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với ta trên mọi nẻo đường, ta tìm Ngài và sẽ gặp được Ngài. Mỗi lần ta làm một việc nào tốt cho một người bé nhỏ là ta đã làm cho Chúa (x. Mt 25,31- 46) hay ta nhân danh Chúa mà cầu nguyện, mà hoạt động thì chính Chúa sẽ hoạt động trong ta. Nhưng “Tin Mừng không để chúng ta dừng lại nơi suy nghĩ, mà đòi buộc chúng ta đứng lên, nhìn nhau bằng con mắt cảm thông, đi bên nhau bằng những bước chân thân tình và nói với nhau bằng những lời nhân ái dịu êm” (Lm. Vĩnh Sang).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á